| Hotline: 0983.970.780

Bữa cơm nòng nọc trên Khau Tép

Thứ Ba 29/10/2013 , 10:28 (GMT+7)

Khau Tép là ngọn núi cao nhất, xa nhất, nguyên sinh nhất trong khu rừng đặc dụng Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang).

Khau Tép là ngọn núi cao nhất, xa nhất, nguyên sinh nhất trong khu rừng đặc dụng Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang). Mùa đông năm nào cũng phủ đầy sương muối, nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Tôi là người lạ đầu tiên đến Khau Tép trong năm nay.

>> Ký sự miền rừng

Giữ rừng khổ cực trăm bề

Rừng đặc dụng Na Hang có 9 chốt bảo vệ của 9 đội tuần rừng nằm rải rác tít tận những nơi thâm sơn cùng cốc. Tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Mỗi chốt có từ 2-3 người. Theo quy định của Chính phủ, cứ 500 ha rừng đặc dụng thì phải có một kiểm lâm viên, nhưng ở Na Hang, mỗi người giữ rừng phải phụ trách diện tích gấp 2-3 lần quy định ấy.

Mới đây, khi có chính sách bổ sung thêm lực lượng tuần rừng, Na Hang hợp đồng thêm 31 người nữa nhưng vẫn còn quá ít. Xa xôi, gian khổ thì đương nhiên rồi. Nhưng cuộc sống ở những chốt trạm giữ rừng này chắc chắn vượt ra khỏi sự tưởng tượng của nhiều người.

Từ lòng hồ thủy điện Na Hang, mất đúng nửa ngày đi bộ thì lên Khau Tép. Núi Khau Tép không có người dân bản địa sinh sống. Rừng rậm rạp, nguyên sinh, hoang hoải đến rợn người. Nơi này có một chốt của đội tuần rừng 5 người của Trạm kiểm lâm Khau Tinh bám trụ giữ rừng từ năm 1998. Trưởng chốt tên Lê Văn Viên, cũng là kiểm lâm địa bàn được biên chế, còn lại đều theo dạng hợp đồng tuần rừng. Không điện, không nước, sóng điện thoại cũng không. 5 người đàn ông sống lặng lẽ giữa rừng già năm này qua năm khác.

Trong số họ, Lê Văn Viên là người già nhất (52 tuổi). Vi Văn Hoàng và Nguyễn Thái Học, hai thanh niên người Tày ở huyện Lâm Bình. Đào Văn Công là người Mông ở xã Sơn Phú. Nguyễn Ngọc Trường ở xã Lăng Can. Dường như có một quy định ngầm rằng, hầu hết những người giữ rừng đặc dụng Na Hang đều ít nhất phải một lần trải qua thử thách ở Khau Tép trước khi nghĩ đến tuổi già.


Kiểm lâm Viên bên gốc nghiến hàng nghìn năm tuổi

Khau Tép chính là thước đo bản lĩnh chính trị, thước đo trách nhiệm của những người giữ rừng trên rẻo cao này. Lên Khau Tép rồi thì không người giữ rừng nào có thể làm ngơ với lâm tặc được nữa. Có lẽ vì thế mà rừng Na Hang mới được giữ khá trọn vẹn như ngày hôm nay.

Chốt trưởng Lê Văn Viên tiếp quản Khau Tép gần 5 năm. Thời gian đủ để cảm nhận hết độ gian khổ ở nơi “rất thèm được nói chuyện với người” này.

“Mùa đông ở đây năm nào dưới 0 độ C, đóng băng trắng xóa, sương muối ăn mòn hết tất cả những loại rau mà người có thể ăn. Cả tiếng đồng hồ đi bộ xuống suối nhưng nhiều lúc không lấy về được can nước nào. Ở giữa rừng già nhưng măng chết sạch. Vật chất đã khổ, tinh thần cũng chẳng có gì. Thứ giải trí duy nhất có thể là chiếc đài radio lúc có sóng lúc không”, anh Viên bảo thế.

Tôi là người lạ đầu tiên lên Khau Tép trong năm nay. Quý lắm. Nhưng bữa cơm của những người giữ rừng đãi khách chỉ có bát canh rau rừng với tô nòng nọc vớt lên từ suối. Mới nghe thôi mà đã sởn cả da gà. Đám nòng nọc bóng nhẫy, anh Viên vừa bỏ ít lá sắn rừng xuống suối chúng bâu vào rỉa rói, chỉ việc nhấc lên đem nấu.

Nghe đã bủn rủn hết chân tay, nhìn lại càng thêm sợ. Con nào con nấy lúc nhúc, đen nhũi. Vậy nhưng nòng nọc chính là thức ăn thường nhật của chốt tuần rừng này. Ăn riết thành đặc sản. Lễ tết có được về nhà, ăn thịt lợn thịt gà lại thấy nhạt mồm nhạt miệng. Nhớ vị tanh của nòng nọc. Nhớ cảm giác mới chỉ đưa đến miệng thôi nòng nọc đã chui tọt họng rồi.

Khau Tép cách nơi gần nhất có người dân sinh sống 2 tiếng đồng hồ đi bộ đường rừng. Sinh hoạt hằng ngày đa phần là tự túc. Nửa tháng, chốt tuần rừng này mới cử một người ra bản mua gạo. Đường từ bản lên chốt, người khỏe nhất cũng chỉ mang được 10 kg hàng gia dụng. Gạo nhiều khi còn thiếu nữa là thức ăn. Muốn cải thiện bữa ăn ngoài rau rừng ra chỉ có nòng nọc và chuột. Chuột trong rừng tre, rừng nứa. Nòng nọc dưới suối Tát Kẻ. Mùa này, tre nứa chết khuy, chuột không có thức ăn nên cũng bỏ đi đâu hết. Chỉ còn nòng nọc.

Rừng càng giàu thì kiểm lâm càng nguy hiểm. Mấy năm trước có 3 đối tượng mang súng vào rừng đặc dụng Na Hang săn bắn, bị đội tuần rừng phát hiện. Kiểm lâm viên Trần Xuân Bắc trong lúc truy đuổi lâm tặc bị bọn chúng quay súng bắn chết. Đau đớn, âu lo, nhưng người này ngã xuống thì người khác  lên thay. Khó khăn, nguy hiểm đến mấy cũng phải giữ rừng.

Sáng ăn cơm với nòng nọc, trưa tối gì cũng nòng nọc nốt. May ra có canh rau là còn cải thiện được. Hôm nay ăn măng rừng, ngày mai ăn canh giảo cổ lam. Loài giảo cổ lam thường người ta chỉ đun ước uống, nhưng ở Khau Tép cả uống cả nấu canh. Đắng ngoét, vậy mà ăn mãi rồi cũng phải quen.

Ăn uống, sinh hoạt thì thế. Công việc giữ rừng ở Khau Tép lại càng khổ cực gấp trăm lần. Mỗi tuần rừng phụ trách từ 2-3 ngàn ha rừng nguyên sinh. Ngày nào cũng phải đi tuần.

Hễ phát hiện dấu hiệu lâm tặc, dấu hiệu có thể xảy ra cháy rừng thì vắt sức chạy bộ ra trạm kiểm lâm cách chốt nửa ngày đường rừng. Những người kinh nghiệm như anh Viên còn được, chứ cánh trẻ như Học, như Cau, như Trường mới đầu chạy xong ốm cả tuần liền.

Chết đói cũng không thịt thú rừng

Cái khổ ở Khau Tép có thể kể cả ngày không hết. Nhưng cho dù có khổ đến mấy thì những người giữ rừng ở đây vẫn còn những điều cảm thấy tự hào, an ủi.

Rừng Khau Tép rất giàu có. Những khu rừng nghiến nghìn năm tuổi. Những loài muông thú như sơn dương, sóc bay, cu li, trâu rừng còn đầy rẫy. Đặc biệt là loài voọc mũi hếch, loài động vật đặc biệt quý hiếm, từng có một dự án bảo tồn trong hàng chục năm trời.

Chỉ mới tối hôm qua, một chú sóc bay xộc vào chỗ anh Viên nằm ngủ cắn vào chân ông chốt trưởng tứa máu. Trước căn nhà anh em trong chốt sống có một cây trám. Sáng nào nai rừng cũng vào cọ cho quả trám rụng xuống làm thức ăn. Nai nhiều đến nỗi cây trám mòn vẹt một góc cao ngang đầu người. Năm nào anh em trong chốt cũng nuôi gà, nhưng nuôi được con nào diều hâu bắt đi con đó. Diều hâu trên núi Khau Tép gặp những hôm trời ít mây mù có thế quan sát thấy từng đàn.


Bắt nòng nọc chuẩn bị bữa cơm

Thú thật, bản thân tôi cũng từng được cánh kiểm lâm mời ăn thịt thú rừng ở một số nơi nên nghe những chuyện này lại cảm thấy hồ nghi về những bữa cơm quá ư đạm bạc ở Khau Tép. Dường như đoán được suy nghĩ ấy, Lê Văn Viên giơ tay thề độc: Rừng Na Hang muông thú nhiều thật đấy. Nhưng anh em tôi nếu động đến một miếng thịt thú rừng thì thề có thần rừng làm chứng, chết đói cũng không dám ăn. Chỉ cần bắt lấy một con chồn, mang xuống thị trấn Na Hang bán có khi bằng cả tháng lương. Nhưng không ai làm cả. Công việc càng gian khổ thì càng cảm thấy mình phải giữ rừng.

Tôi tin. Cả năm người trong chốt tuần rừng Khau Tép đều là đồng bào dân tộc. Người đồng bào dân tộc vốn dĩ thật thà và rất trọng lời thề. Chốt trưởng Lê Văn Viên vào ngành lâm nghiệp từ những năm 1980. Anh là người Tày duy nhất ở xã Vĩnh Yên (huyện Na Hang) đi làm kiểm lâm. 4 người còn lại cũng là người Mông, người Dao, người Tày cả. Mỗi tháng một người nhận được 1,9 triệu đồng tiền chế độ. Một năm được hai bộ quần áo đi rừng. Tuyệt nhiên chẳng thấy ai phàn nàn hay chán nản. Thậm chí, Khau Tép còn khiến anh em gắn bó với rừng hơn.

Ví như Đào Văn Cau, thanh niên trẻ người Mông, học xong đại học lâm nghiệp, có cơ hội làm việc ở nhiều nơi thuận lợi nhưng vẫn xin vào đội tuần rừng, sống giữa rừng già cả năm trời biền biệt nhưng vẫn yêu đời đến lạ. Hay như Nguyễn Ngọc Trường, chàng trai người Tày, vợ vừa mới sinh con trai, xin chốt trưởng chạy bộ cả ngày trời từ Khau Tép về xã Lăng Can nhìn mặt con xong lại chạy bộ một ngày nữa lên với rừng.

Giáp Tết năm ngoái, một lãnh đạo huyện Na Hang đột nhiên nhớ đến những người tuần rừng trực chốt giữa rừng sâu nên thành lập đoàn vào thăm hỏi, tặng quà. Đi bộ gần cả ngày trời mới đến nơi. Nhìn cảnh ăn ở, công việc của những người giữ rừng Khau Tép, cả đoàn ôm lấy nhau mà khóc

Xem thêm
Thủ tướng thăm Lào, chủ trì kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, thể hiện mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Tuyên Quang tăng 4%

Năm 2024, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản của tỉnh Tuyên Quang ước đạt trên 11.252 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Điều tra việc đào bới trái phép mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát

Nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ xấu đào bới trái phép. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.