| Hotline: 0983.970.780

Bùng nổ xuất khẩu rau quả: [Bài 2] Thanh long Bình Thuận được EU bảo hộ

Thứ Tư 31/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Chỉ dẫn địa lý 'Thanh long Bình Thuận' đã được EU bảo hộ. Cùng với đó, hình ảnh và nhãn hiệu 'Bình Thuận DRAGON FRUIT' đã được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ bảo hộ.

6 tháng đầu năm 2024, việc tiêu thụ thanh long Bình Thuận diễn ra thuận lợi, giá cao. Ảnh: Kim Sơ.

6 tháng đầu năm 2024, việc tiêu thụ thanh long Bình Thuận diễn ra thuận lợi, giá cao. Ảnh: Kim Sơ.

Sản xuất thanh long sạch đầu ra ổn định

Những ngày giữa tháng 7, tại tỉnh Bình Thuận, “thủ phủ” trồng thanh long lớn nhất cả nước, nông dân rất phấn khởi vì thanh long chính vụ đang rộ thu hoạch nhưng giá vẫn giữ ở mức cao.

Ông Nguyễn Tánh, chủ vườn thanh long ở thôn 5, xã Hàm Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, giá thanh long ruột trắng hiện 12 ngàn đồng/kg, cao nhất so với nhiều năm trở lại đây.

Theo ông Tánh, hàng năm thanh long chính vụ bắt đầu thu hoạch từ tháng 4 âm lịch. Đây là vụ cây ra trái tự nhiên, ít đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên giá thành chỉ 3 - 4 ngàn đồng/kg. Những năm trước, giá thanh long vụ này chỉ từ 5-6 ngàn đồng/kg, thậm chí có thời điểm 2 - 3 ngàn đồng/kg.

Đáng mừng là 6 tháng đầu năm nay, giá thanh long luôn ở mức cao, có thời điểm lên đến 25 - 30 ngàn đồng/kg. Nhiều nông dân chú tâm chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng thị trường.

Bình Thuận là thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước, chủ yếu người dân trồng giống ruột trắng. Ảnh: Kim Sơ.

Bình Thuận là thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước, chủ yếu người dân trồng giống ruột trắng. Ảnh: Kim Sơ.

Ngày trước, vườn thanh long 4,5ha của ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn 2, xã Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc) được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên từ năm 2023 đến nay, ông tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để áp dụng quy trình canh tác thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng mọi thị trường khó tính.

“Từ ngày sản xuất thanh long GlobalGAP, gia đình có đầu ra sản phẩm ổn định với giá bán bình quân các thời điểm trong năm từ 24 - 26 ngàn đồng/kg. Thời gian qua, thanh long của gia đình sản xuất bao nhiêu được doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua bấy nhiêu để xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Úc và châu Âu”, ông Thanh nói và cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, ông cung ứng 120 tấn thanh long cho các doanh nghiệp xuất khẩu, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 10 ngàn đồng/kg.

Tương tự, ông Trần Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Thuận Tiến, xã Hàm Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, từ đầu năm đến nay, việc tiêu thụ thanh long tại HTX diễn ra thuận lợi, khi ký nhiều hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang thị trường châu Âu, Mỹ, Úc.

Ông Trần Đình Trung dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Trần Đình Trung dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Ảnh: Kim Sơ.

Theo ông Trung, HTX được thành lập vào tháng 10/2016 hiện có 10 thành viên với diện tích 24ha thanh long, trong đó hơn 13ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, còn lại là VietGAP, tổng sản lượng từ 400 - 450 tấn/năm. Ngoài ra, HTX còn liên kết và ủy thác tiêu thụ cho các HTX Thanh long Phú Thịnh, HTX Thanh long Thuận Hòa và HTX Thanh long Thuận Quý với diện tích gần 200ha thanh long cũng đang sản xuất VietGAP, GlobalGAP.

Đưa chúng tôi tham quan vườn thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ông Trung chia sẻ, quy trình canh tác được HTX tuân thủ rất nghiêm ngặt. Từ 10 năm nay, vườn thanh long không sử dụng thuốc diệt cỏ. Việc bón phân cho cây trồng đều dùng hữu cơ và sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sinh vật gây hại. Toàn bộ diện tích thanh long được ghi chép nhật ký sản xuất điện tử, đáp ứng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ đó, thanh long của HTX sản xuất ra đảm bảo không có dư lượng hóa chất độc hại, đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu.

Nông dân Bình Thuận thu hoạch thanh long. Ảnh: Kim Sơ.

Nông dân Bình Thuận thu hoạch thanh long. Ảnh: Kim Sơ.

Được biết, thời gian qua, HTX Thanh long Thuận Tiến đã ký hợp đồng tiêu thụ với một số đối tác xuất khẩu thanh long vào thị trường châu Âu, Úc, Mỹ với giá ổn định từ 23 - 24 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí vệ sinh, đóng gói, quản lý…, giá trị còn lại từ 19 - 21 ngàn đồng/kg sẽ được thành viên hưởng lợi trực tiếp.

Đa dạng thị trường tiêu thụ thanh long

Ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết, 6 tháng đầu năm nay, việc xuất khẩu thanh long của tỉnh sang thị trường các nước ổn định. Không chỉ Trung Quốc, thanh long Bình Thuận đang có sự dịch chuyển xuất khẩu sang nhiều thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Liên bang Nga… Điều này giúp giá thanh long thời gian qua luôn giữ mức cao, ổn định.

Theo ông Cảnh, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, giá thanh long ruột trắng có thời điểm được thương lái thu mua từ 25 - 30 ngàn đồng/kg, còn ruột đỏ khoảng 40 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân giá tăng mạnh là do thị trường tiêu thụ ổn định trong khi năng suất, sản lượng thanh long Bình Thuận giảm sút do cây già cỗi trước tình hình hạn hán.

Thanh long Bình Thuận hiện xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính. Ảnh: Kim Sơ.

Thanh long Bình Thuận hiện xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính. Ảnh: Kim Sơ.

Còn từ đầu tháng 7 đến nay, giá thanh long hạ xuống bởi vào chính vụ thu hoạch rộ, cùng với việc “đụng chợ” khi thanh long ruột đỏ của Trung Quốc bắt đầu thu hoạch nhiều. Tuy nhiên, đối với thanh long GlobalGAP, thanh long sạch thì giá bán vẫn giữ mức cao, ổn định khi xuất sang nhiều thị trường khó tính.

“Trong 2 năm nay, giá thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, không dự lượng thuốc bảo vệ thực vật luôn giữ ở mức cao từ 20 - 35 ngàn đồng/kg”, ông Cảnh nói.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, ngành nông nghiệp định hướng cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường. Đồng thời tổ chức lại sản xuất, phát triển toàn diện, bền vững nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận.

Ngoài ra, tỉnh đang tập trung củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của HTX cũng như vận động người sản xuất tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể. Từ đó phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong điều hành sản xuất, kinh doanh, xây dựng kênh tiêu thụ bền vững.

Thanh long sản xuất tiêu chuẩn GlobalGAP có mẫu mã đẹp, chất lượng. Ảnh: Kim Sơ.

Thanh long sản xuất tiêu chuẩn GlobalGAP có mẫu mã đẹp, chất lượng. Ảnh: Kim Sơ.

“Bên cạnh quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu, ngành nông nghiệp sẽ xử lý nghiêm việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói không đúng quy định”, ông Tấn chia sẻ.

Được biết, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 26.550ha thanh long, trong 6 tháng đầu năm 2024, nông dân thu hoạch với sản lượng đạt 325.000 tấn.

Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết, kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch 6 tháng đầu năm nay do các doanh nghiệp của tỉnh thực hiện ước đạt 4,2 triệu USD, tương đương 3.700 tấn thanh long tươi. Còn theo số liệu tổng hợp từ các tỉnh biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh), trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng thanh long xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc khoảng 350.400 tấn, phần lớn là thanh long Bình Thuận.

Hiện nay, chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được Liên minh châu Âu (EU) bảo hộ. Cùng với đó, hình ảnh và nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” đã đăng ký và được 13 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ như: Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Singapore và Thái Lan.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...