| Hotline: 0983.970.780

Bùng nổ xuất khẩu rau quả: [Bài 8] Xác lập kỷ lục mới

Thứ Năm 08/08/2024 , 08:53 (GMT+7)

Xuất khẩu rau quả sẽ đạt kỷ lục mới về kim ngạch trong cả năm nay nhờ sự tăng trưởng ấn tượng của ngành hàng sầu riêng và một số trái cây khác.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn.

Tiếp nối đà tăng trưởng mạnh của năm 2023, xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm nay đã tăng trưởng rất ấn tượng, là một trong những điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 3,33 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ 2023. Tính riêng về nông sản, rau quả đang đứng vị trí số 1 về kim ngạch xuất khẩu. Còn tính chung các ngành hàng nông, lâm, thủy sản, rau quả đang đứng thứ 3 sau gỗ và thủy sản.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), cho biết, ước tính trong tháng 7, xuất khẩu rau quả đạt hơn 477 triệu USD, đưa xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm ước đạt 3,8 tỷ USD.

Ngành hàng rau quả chắc chắn thiết lập kỷ lục mới

Thưa ông Đặng Phúc Nguyên, những nguyên nhân nào đã giúp cho xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm nay?

Thành công của xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm nay có nguyên nhân xa và nguyên nhân gần. Nguyên nhân xa là đầu năm 2024 xảy ra những căng thẳng địa chính trị mới. Trong đó, khủng hoảng ở Biển Đỏ đã làm tắc nghẽn dòng chảy vận chuyển container từ Đông sang Tây và ngược lại. Để đảm bảo an toàn, các tàu hàng từ Đông sang Tây và ngược lại đã buộc phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, qua đó làm tăng thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng cước vận chuyển lên gấp 3, 4 lần so với năm 2023.

Thời gian vận chuyển bị kéo dài thêm từ 15 đến hơn 20 ngày, thậm chí còn dài hơn nữa do tình trạng thiếu container, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu rau quả từ các nước châu Mỹ, châu Âu và Trung Đông sang châu Á, trong đó có Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Kênh đào Panama bị thiếu nước cũng khiến cho hàng hóa nói chung, hàng rau quả nói riêng từ nhiều nước Nam Mỹ phải đi vòng xuống cực Nam châu Mỹ để đi sang châu Á, dẫn tới làm tăng đáng kể chi phí, thời gian vận chuyển.

Do thời gian vận chuyển kéo dài, chi phí tăng cao, những thị trường châu Á có nhu cầu lớn về tiêu thụ rau quả đã quay sang tăng cường nhập khẩu rau quả từ các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Sầu riêng đang chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu rau quả. Ảnh: Thanh Sơn.

Sầu riêng đang chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu rau quả. Ảnh: Thanh Sơn.

Nguyên nhân gần là tiếp nối thành công trong năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tiếp tục tăng trưởng rất mạnh trong nửa đầu năm nay và chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Sầu riêng ở Việt Nam đang càng ngày càng phát triển về diện tích, sản lượng, chất lượng. Đồng thời, trong năm nay, số lượng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp nhiều gấp khoảng 2 lần so với năm 2023. Những yếu tố này làm cho kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh, kéo theo kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung tăng trưởng tốt.

Về thị trường, ngoài Trung Quốc, một số thị trường nhập khẩu khác cũng tăng trưởng ấn tượng đầu năm nay, mà nổi bật là thị trường Hàn Quốc. Trước đây, Hàn Quốc thường đứng ở vị trí thứ 3 hoặc thứ 4 trong những thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam. Nhưng trong nửa đầu năm nay, Hàn Quốc đã vươn lên đứng ở vị trí thứ hai.

Ngoài sầu riêng, năm nay cũng ghi nhận một loại trái cây tăng trưởng rất tốt so với năm 2023 là chuối, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Chuối Việt Nam hiện đang chiếm hơn 40% thị phần tại Trung Quốc, và là nguồn cung lớn nhất cho thị trường này. Sở dĩ xuất khẩu chuối Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh là do cây chuối ở Philippines đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh héo rũ vi khuẩn, khiến cho sản lượng chuối của Philippines giảm mạnh.

Cũng như Trung Quốc, Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc nhập khẩu rau quả từ châu Mỹ, châu Âu …, nên đẩy mạnh nhập khẩu từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, việc xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc tăng trưởng mạnh còn nhờ chất lượng rau quả Việt Nam đang ngày càng được cải thiện, nâng cao. Chính nhờ chất lượng ngày càng tốt hơn và đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà rau quả Việt Nam mới tận dụng được cơ hội thị trường, tăng cường thâm nhập vào các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Với kết quả đạt được trong nửa đầu năm, ông nhận định ra sao về xuất khẩu rau quả trong cả năm nay?

Trong 7 tháng qua, chúng ta đã đạt kim ngạch gần 4 tỷ USD rau quả, và còn 5 tháng nữa để xuất khẩu. Với kết quả đã đạt được và khả năng xuất khẩu trong những tháng còn lại, xuất khẩu rau quả trong cả năm nay có thể chạm mốc 7 tỷ USD. Kể cả nếu không chạm được mốc này thì xuất khẩu rau quả năm nay chắc chắn sẽ vượt kỷ lục 5,6 tỷ USD của năm 2023 và thiết lập một kỷ lục mới cho ngành rau quả Việt Nam.

Chúng ta có những cơ sở để tin vào điều này. Trước hết, với mặt hàng xuất khẩu số 1 là sầu riêng, hiện vẫn còn cả vùng Tây Nguyên với diện tích và sản lượng lớn, mới chỉ bắt đầu thu hoạch kể từ tháng 7, tháng 8 và kéo dài đến gần cuối năm. Ngoài ra, sầu riêng trái vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cho thu hoạch trong những tháng cuối năm. Sản lượng sầu riêng còn lớn như vậy là cơ sở quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu loại trái cây này trong những tháng cuối năm.

Nông dân Long An thu hoạch thanh long. Ảnh: Thanh Sơn.

Nông dân Long An thu hoạch thanh long. Ảnh: Thanh Sơn.

Ngoài sầu riêng, nhiều loại trái cây khác cũng có triển vọng xuất khẩu tốt trong những tháng cuối năm như thanh long, xoài, chuối …

Người tiêu dùng ở các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lại rất thích trái cây nhiệt đới vì có mùi thơm rất hấp dẫn như sầu riêng, xoài… Đây chính là cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang các thị trường này.

Sầu riêng đông lạnh và dừa tươi: Hai mặt hàng xuất khẩu tiềm năng

Ngành rau quả đang rất trông chờ vào việc ký kết các nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc. Nếu các nghị định thư được ký, 2 mặt hàng này có tiềm năng xuất khẩu ra sao, thưa ông?

Sầu riêng đông lạnh và dừa tươi đều là những mặt hàng đang có nhu cầu lớn ở thị trường Trung Quốc. Nếu dừa tươi và sầu riêng đông lạnh được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thì trong những năm đầu tiên, mỗi năm, 2 mặt hàng này có thể đem về thêm cho xuất khẩu rau quả Việt Nam khoảng 500 triệu USD.

Tôi tính toán kim ngạch những năm đầu cho cả 2 mặt hàng này ở mức 500 triệu USD là vì về sản xuất sầu riêng đông lạnh, hiện mới chỉ có một số nhà máy quy mô nhỏ làm hàng xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, châu Âu, Thái Lan…, với tổng kim ngạch khoảng 130 triệu đến 140 triệu USD một năm.

Khi Việt Nam được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, các công ty sẽ bắt đầu nâng dần quy mô sản xuất mặt hàng này, mà trước mắt là mở rộng các nhà máy hiện có lên gấp đôi so với hiện nay, qua đó, đưa xuất khẩu sầu riêng đông lạnh lên thêm khoảng 150 triệu đến 200 triệu USD. Còn xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc có thể đạt khoảng 200 triệu USD đến 300 triệu USD trong những năm đầu tiên.

Sau 1-2 năm, khi nhận thất xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc đã ổn định và có hiệu quả, các công ty sẽ mạnh dạn đầu tư mở rộng nhà máy, nâng cao công suất chế biến, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng lên.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nâng cao sức đề kháng vật nuôi sau bão lũ

Cần coi việc xử lý môi trường chăn nuôi và nâng cao sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi có tính cấp bách không kém gì công tác phòng chống bão lũ.

Bao vây dịch tả lợn Châu Phi ở miền núi

QUẢNG BÌNH Huyện miền núi Tuyên Hóa triển khai các giải pháp để bao vây, ngăn chặn có hiệu quả bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất