| Hotline: 0983.970.780

Bùng nổ xuất khẩu rau quả: [Bài 9] Cục Trồng trọt đưa giải pháp để xuất khẩu bền vững

Thứ Sáu 09/08/2024 , 08:38 (GMT+7)

Các khâu từ chọn tạo giống, quy hoạch vùng trồng đến phân tích, tìm hiểu thị hiếu, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu cần được tiến hành đồng bộ, dựa theo tín hiệu thị trường.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, cần đẩy mạnh việc hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả quy mô hàng hóa. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, cần đẩy mạnh việc hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả quy mô hàng hóa. Ảnh: Bảo Thắng.

Không còn quy hoạch chuyên ngành cho từng loại cây trồng

Ngày 27/10/2022, Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, trong đó nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững nhóm cây ăn quả chủ lực; góp phần tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo cuộc sống của người dân.

Đề án chỉ rõ 14 loại quả chủ lực gồm: thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng, mít, chanh leo, bơ, na. Đây là các loại quả có quy mô diện tích và sản lượng sản xuất lớn, đóng góp chủ yếu phục vụ nội tiêu và tăng trưởng xuất khẩu. Trên cả nước, nhất là những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, các loại cây ăn quả kể trên đã được định hướng cụ thể về quy mô diện tích, sản lượng, cũng như các chương trình ưu tiên đầu tư cụ thể.

Hiện nay theo Luật Quy hoạch, không còn các quy hoạch chuyên ngành cho từng loại cây trồng cụ thể. Do vậy, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, công tác tham mưu chỉ đạo phát triển sản xuất cây ăn quả của Cục đang tập trung vào một số nội dung, bao gồm việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa chủ lực tập trung.

Căn cứ những nhiệm vụ giao trong đề án, các tỉnh, thành phố xác định chủng loại, quy mô vùng sản xuất cây ăn quả tập trung trong phương án quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan khác quy mô lớn dựa trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế điều kiện tự nhiên; gắn phát triển vùng trồng cây ăn quả với các cơ sở bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ.

Về quy mô sản xuất, ông Mạnh thông tin, Cục Trồng trọt đề xuất duy trì, không tăng diện tích, đồng thời hạn chế tối đa tình trạng phát triển nóng như đối với sầu riêng, cây có múi thời gian qua, đặc biệt là tại các vùng đất đai, tưới tiêu không phù hợp, không có điều kiện đầu tư thâm canh, hoặc vùng chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất trái cây chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất trái cây chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Địa phương tiếp tục rà soát các vùng cây ăn quả theo định hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung. Đối với diện tích trồng phân tán, tại các vùng không phù hợp cần tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả.

Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt đề nghị người dân đẩy mạnh liên kết tại vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung. Cụ thể, liên kết người sản xuất, HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu.

Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là các quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ, giảm chi phí giá thành và bảo vệ môi trường, đảm bảo năng suất, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Để tránh hiện tượng "được mùa mất giá", các bên liên quan phối hợp tuyên truyền, thúc đẩy thực hiện rải vụ thu hoạch, tổ chức liên kết rải vụ thu hoạch hiệu quả nhằm phát huy lợi thế mùa vụ cho tiêu thụ, xuất khẩu quả tươi và cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Xúc tiến phương thức kiểm dịch trái cây tại vùng sản xuất

Có một thực tế là những vựa trái cây chủ lực của Việt Nam tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính của trái cây lại là Trung Quốc. Vấn đề vận chuyển và logistics là một trở ngại không nhỏ khi Việt Nam tăng cường xuất khẩu trái cây sang thị trường tỷ dân. 

Đồng tình quan điểm này, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt thừa nhận, trái cây tươi dễ suy giảm mẫu mã, chất lượng sau khi thu hoạch, thời gian dài hay ngắn tùy theo từng loại quả khác nhau. Trong tiêu thụ xuất khẩu quả tươi, khâu vận chuyển ảnh hưởng nhiều tới tỷ lệ hao hụt, chi phí, giá thành, chất lượng và giá cả, cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường nhập khẩu. 

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân bao trái xoài tại Sơn La. Ảnh: Bảo Thắng.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân bao trái xoài tại Sơn La. Ảnh: Bảo Thắng.

Việt Nam có lợi thế so với nhiều quốc gia xuất khẩu do có đường biên giới đất liền với Trung Quốc. Từ nhiều năm qua, khâu vận chuyển chủ yếu là đường bộ, với lợi thế về chi phí và thời gian. Dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư hệ thống giao thông nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, ông Mạnh cho rằng việc tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ, giảm thiểu các khâu trung gian trong thu mua, vận chuyển vẫn cần phải quan tâm hơn nữa.

"Chúng ta nên đầu tư phát triển hệ thống kho lạnh, nhà mát để bảo quản quả tươi, kể cả ở vùng sản xuất tập trung lẫn khu vực cửa khẩu. Ngoài ra, xúc tiến phương thức thực hiện thủ tục kiểm dịch trái cây xuất khẩu ngay tại vùng sản xuất nhằm giảm thời gian thông quan tại các cửa khẩu", ông Mạnh bày tỏ.

Ở góc độ kỹ thuật, việc thu hoạch quả tươi với độ chín phù hợp, cũng như tính toán thời gian vận chuyển sao cho đảm bảo chất lượng, mẫu mã cũng cần được tính đến. Nguyên do bởi trái cây có đặc tính chín thêm sau khi thu hoạch. 

Vì vậy, song song với việc xuất khẩu quả tươi, lãnh đạo Cục Trồng trọt đề nghị tăng cường đàm phán với phía bạn để có thể xuất khẩu các sản phẩm dưới dạng trái cây cấp đông, vừa giúp giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, vừa giảm ảnh hưởng bởi khó khăn từ cơ sở hạ tầng, logistic chưa được đầu tư, nâng cấp kịp thời.

Hoạt động thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Bảo Thắng.

Hoạt động thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: Bảo Thắng.

Đảm bảo hài hòa cung - cầu thị trường

Trong các chỉ đạo xuyên suốt thời gian qua, Bộ NN-PTNT thường nhấn mạnh việc sản xuất phải theo tín hiệu thị trường như một cách để tạo thu nhập ổn định cho người dân. 

Với nhiều cơ hội tăng trưởng, nhưng ngành nông nghiệp nói chung và mặt hàng trái cây nói riêng cũng đứng trước không ít thách thức lớn về cung cầu, giá cả và thị phần. Cùng với đó, là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia sản xuất, xuất khẩu; hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu… Do vậy, Phó cục trưởng Nguyễn Quốc Mạnh nhìn nhận, yếu tố cung cầu và thị trường tiêu thụ sản phẩm càng cần phải quan tâm hơn để đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã và đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển sản xuất, tiêu thụ. Trước mắt ưu tiên các sản phẩm chủ lực có thị trường ổn định. Đồng thời, tăng cường công tác dự báo, thông tin tuyên truyền cho người sản xuất nắm bắt thị trường, định hướng sản xuất về chủng loại, quy mô, yêu cầu kỹ thuật và mùa vụ cung cấp... đảm bảo phát triển ngành hàng hiệu quả, phù hợp, hạn chế tối đa tình trạng phát triển tự phát theo phong trào, dư thừa cung vượt cầu.

Trên góc độ tổ chức sản xuất, ông Nguyễn Quốc Mạnh đề xuất các địa phương có thêm nhiều chương trình ưu tiên hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng bộ từ chọn tạo giống đến hoàn thiện, chuyển giao vào sản xuất các quy trình canh tác tiên tiến, công nghệ sau thu hoạch, giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.