| Hotline: 0983.970.780

Bùng phát dịch đau mắt đỏ

Thứ Hai 15/09/2014 , 09:27 (GMT+7)

Hơn 10 ngày nay, bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng tăng nhanh ở miền Bắc.

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Mắt Trung ương khám, điều trị khoảng 400 bệnh nhân đau mắt đỏ, chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Không rõ vì sao mắc bệnh

Cũng như nhiều bệnh khác, phần lớn các bệnh nhân bị đau mắt đỏ vào khám thường không biết rõ nguyên nhân vì sao mình mắc bệnh.

Có mặt tại khoa Kết giác mạc, BV Mắt Trung ương sáng  13/9, phóng viên gặp em Nguyễn Thanh Hải, học sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm - Hà Nội) đúng lúc em giải thích với bác sĩ lý do rất chung chung: Sáng đi đến trường em vẫn thấy bình thường nhưng có thể do bị bụi bay vào mắt, dụi mắt nhiều rồi tự dưng thấy đau.

Hơn 1 giờ sau, mắt em đỏ lên, cô giáo phải gọi gia đình đến đón về, tránh lây lan sang các bạn khác. Khi BS hỏi ở nhà hay lớp học có bạn nào từng bị đau mắt không, ngẫm nghĩ vài phút, Hải bảo: Vài ngày trước, trong lớp có bạn Hà và bạn Hằng phải nghỉ học vì đau mắt. Nhưng đúng ngày em bị đau mắt, bạn Hà đã đi học khi mắt trái vẫn hơi tấy đỏ.

Bệnh nhân kế tiếp là anh Tống Văn Minh (38 tuổi, phố Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khẳng định đã lây bệnh đau mắt đỏ từ chính người sống cùng nhà. Cho đến thời điểm này, có 4 trên tổng số 5 người trong gia đình anh đã mắc bệnh đau mắt đỏ. Cũng theo anh Minh, hơn 1 tuần trở lại đây, khu vực anh sống nhiều gia đình đã có người mắc bệnh đau mắt.

Rất dễ lây

Theo BS Hoàng Cương, khoa Khám bệnh, BV Mắt Trung ương, mỗi ngày bệnh viện khám tiếp nhận hơn 100 ca bị đau mắt đỏ (tăng 40% so với hơn một tuần trước đó), trong đó 2/3 ở lứa tuổi trẻ em.

Tuy chưa có kết quả xét nghiệm phân lập chủng virus nhưng những biểu hiện lâm sàng rất giống với thể đau mắt đỏ do Cocsakivirus gây ra trong vụ dịch năm 2013.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Trong trường hợp vùng phát dịch đau mắt đỏ, người dân cần lưu ý thực hiện thêm các biện pháp như rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối; không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt...

Tính từ đầu tháng 9 đến nay, dù bệnh chưa thành dịch nhưng lại có một số bệnh nhân đến điều trị muộn, do đã sử dụng rất nhiều loại thuốc uống, thuốc nhỏ mắt trước đó nên dẫn đến biến chứng viêm giác mạc, giảm thị lực.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị và vacxin phòng đau mắt đỏ vì chủng kháng nguyên của loại virus gây bệnh này biến đổi liên tục.

Cũng theo BS Cương, đau mắt đỏ là bệnh do virus, không bị lây qua nhìn nhưng lại rất dễ lây lan qua tiếp xúc, hô hấp, nước bọt, nước mắt, dịch mũi bệnh nhân; chạm vào những vật dụng hoặc sử dụng nguồn nước nhiễm mầm bệnh.

Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 7-10 ngày, ngay trong thời gian này, virus đã có khả năng lây truyền bệnh, do đó rất khó để phòng tránh. Khi trong gia đình đã có người bị đau mắt đỏ thì những người còn lại rất khó đề phòng được, bởi bệnh lây qua các tia bọt bắn ra khi nói chuyện, hay người bệnh dụi mắt... cũng khiến cho người thân có nguy cơ bị lây bệnh rất cao.

Đặc biệt, mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Riêng bà mẹ đang cho con bú, nếu bị đau mắt thì khả năng đứa trẻ lây bệnh lên tới 90%.

“Bệnh đau mắt đỏ có thể gây ra những biến chứng như viêm giác mạc, nếu mắc bệnh viêm giác mạc thì chữa rất mất thời gian, vừa tốn tiền, tốn công sức vừa ảnh hưởng đến đời sống lao động và sinh hoạt. Nếu bệnh nhân bị viêm màng nội nhãn mà tự mua thuốc điều trị có thể sẽ biến thành viêm bồ đào nhãn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực mắt” - BS Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương.

Bệnh đau mắt đỏ không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị đúng. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt ít nhất 3 lần hằng ngày bằng nước muối sinh lý vào các buổi sáng, trưa, tối; không dùng chung đồ đạc với người bị bệnh đau mắt đỏ; hạn chế tiếp xúc với người bệnh; không sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm và hạn chế đi bơi.

Ngoài ra, có thể nhận biết sớm dấu hiệu khi mắc bệnh qua các biểu hiện: sốt, đau họng, sưng hạch ở trước tai, sau từ 5-7 ngày một bên mắt bị đỏ, và từ 3-5 ngày sau đỏ sang mắt còn lại, mắt rỉ nước, ngầu đỏ, cảm giác ngứa, cộm, sợ ánh sáng, bác sĩ khám phát hiện có hột đặc trưng trong mắt...

BS Cương khuyến cáo, để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, phải chú ý giữ vệ sinh cá nhân, tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

Đặc biệt không nên dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt, luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Nếu bị bệnh cần nghỉ 7-10 ngày để cách ly và điều trị dứt điểm, tránh lây sang người khác.

Tuyệt đối không tự ý nhỏ mắt bằng loại thuốc có thành phần Cocticoid như: Clodexa, Nemydexa, Dexaclor, Polydexa vì các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt, nhiều tác dụng phụ gây ảnh hưởng thị lực.

Đặc biệt lưu ý, các phương pháp chữa trị được truyền tai nhau như xông mắt bằng lá trầu không, đắp mắt bằng rau dấp cá, rau má... cũng không nên thực hiện vì đến nay chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh các loại lá trên có tác dụng chữa trị đau mắt đỏ, do vậy nếu thực hiện các biện pháp này thì rất nguy hiểm cho đôi mắt.

Ngoài ra, những người bị đau mắt đỏ nên hạn chế dùng thực phẩm kích thích, có vị nóng như hành tỏi, ớt, các chất tanh, cũng như hạn chế uống rượu bia... vì có thể gây kích ứng hại cho mắt.

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát đường huyết

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường thì chế độ ăn uống phù hợp là điều cần được chú trọng.

Chữa đau đầu bằng ngải cứu nhanh chóng, hiệu quả

Ngải cứu được biết đến với khả năng xoa dịu cơn đau thần kinh, thúc đẩy tinh thần tỉnh táo, giảm mệt mỏi, và cải thiện lưu thông máu đến não.