Ông Phượng bên vườn bưởi Diễn trĩu quả
Nhiều năm trồng ngô, sắn thu nhập không đáng kể, ông chuyển sang trồng cam xã Đoài nhưng cuối cùng lại “say” cây bưởi Diễn. Và lần này, ông Phượng đã thành công.
Năm 2009, sau 4 năm thử nghiệm đủ các loại cây trồng trên diện tích đất thầu khoán, ông Phượng nhắm đến cây bưởi Diễn. Qua các phương tiện thông tin đại chúng và tìm hiểu thực tế, ông Phượng thấy cây bưởi thích ứng rộng, dễ trồng, dễ chăm bón, hiệu quả kinh tế cao, lại chưa phải lo lắng đầu ra.
Năm đó, ông theo mấy người bạn ra tận huyện Hoài Đức (Hà Nội) để tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi Diễn. Để rút ngắn thời gian sinh trưởng, phát triển và cho quả, ông đi khắp các nhà vườn, thuyết phục mỗi nhà vườn bán một ít gốc chiết cho mình.
“Các chủ vườn kỵ nhất là bán gốc chiết vì phải chiết đi những cành hữu hiệu, như thế sẽ làm cây nhanh thoái hóa, năng suất giảm. Nhưng cũng vì quen biết, nể nả, một số nhà vườn đã để cho tôi 1.000 gốc với giá 50 triệu đồng. Trồng gốc chiết, nếu chăm sóc tốt thì chỉ sau 1 năm đã có quả bói”, ông Phượng chia sẻ.
Kiếm được nguồn giống, ông Phượng thầu thêm 1,3ha đất công ích của xã, đào hố, ủ phân chuồng. Đến đầu tháng 7/2009, ông đem về trồng, bón thêm đạm, lân, kali. Đúng 1 năm sau thì bưởi diễn ra hoa bói nhưng ông Phượng chờ đến năm 2012, khi quá trình tạo tán, tỉa cành hoàn thiện, cây đủ sức mới giữ lại quả. Chính vì vậy, vườn bưởi diễn của ông những vụ đầu tiên cho cành sai trĩu quả, cây lực lưỡng, quả to, đều.
Đến nay, ông đã có 600 gốc bưởi Diễn kinh doanh. Năm 2013, ông thu 3.000 quả, bán được 21 triệu đồng. Năm 2015, ông thu 8.000 quả, bán được 240 triệu đồng. Năm 2016, dự tính ông sẽ thu về 1,5 vạn quả, doanh thu ước tính gần 500 triệu đồng.
Bưởi Diễn hứa hẹn đem về nguồn thu nhập cao cho ông Phượng
“Nếu tính giá bèo nhất là 30.000 đồng/quả thì ít nhất, gia đình tôi cũng thu về 450 triệu đồng trong khi những năm qua, mức độ đầu tư không đáng kể. Tôi chủ động giảm đầu tư phân bón thời gian đầu nhằm hãm cành vượt, để đến khi cây đủ 10 năm tuổi trở lên là những năm năng suất cao nhất cây vẫn đủ sức ra những cành hữu hiệu. Đầu ra cho bưởi Diễn trồng ở Thanh Chương thì không phải lo. Nhờ chất lượng thơm ngon, tư thương vào tận vườn đặt mua nhưng nói thật, gia đình tôi không nhận lời vì chủ yếu vẫn là khách quen đặt mua, có bao nhiêu hết bấy nhiêu”.
Theo ông ông Phượng, cây bưởi ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, chỉ cần bổ sung lượng dinh dưỡng vừa đủ, tỉa cành hợp lý, rất hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu các loại. Với giòi đục quả, chủ yếu ông bắt thủ công.
Dưới vườn bưởi, ông Phượng nuôi thêm gia cầm. Theo ông, việc nuôi thêm một số con vật ở dưới tán cây sẽ giúp chúng tiêu diệt một số loại sâu bọ hại bưởi và nhà vườn cũng tăng thêm thu nhập.
Hiện, ông Phượng đang chiết khoảng 300 cành nữa, chuẩn bị đến đầu năm 2017 sẽ trồng thêm trên diện tích đất còn trống.
Ông Phan Bá Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên phấn khởi: “Mô hình bưởi Diễn của ông Phượng đang mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế của địa phương. Thanh Liên còn nhiều vùng có cùng chất đất thịt nặng, pha cát như đất ông Phượng đang thuê trồng. Dự tính, năm 2017 xã sẽ mở rộng diện tích lên 20ha, kèm theo những chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi một số diện tích cao cưỡng sang trồng cây có múi nói chung và bưởi Diễn nói riêng”. |