| Hotline: 0983.970.780

Bưởi Phúc Trạch 'bén duyên' vùng thượng Kỳ Anh

Thứ Sáu 09/10/2020 , 07:15 (GMT+7)

Nhắc đến bưởi Phúc Trạch ai cũng nghĩ ngay tới nguồn gốc xuất xứ ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Những năm gần đây, nông dân xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) đã đưa cây bưởi Phúc Trạch về trồng. Sau thời gian trồng và chăm sóc, đã thu về những quả ngọt.

Trên diện tích 3 ha đất vườn đồi, trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hiến ở thôn Tân Phúc Thành 2, xã Kỳ Thượng chủ yếu trồng cây lâm nghiệp, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2015 thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, ông đã tiến hành cải tạo vườn tạp và đưa các loại cây ăn quả có múi về trồng như cam Cao Phong, cam chanh, bưởi Phúc Trạch... Đặc biệt, 500 gốc bưởi Phúc Trạch đã cho thu hoạch năm thứ 2, cây vẫn phát triển tốt, quả đều, đẹp, vị ngọt thơm không thua kém gì so với bưởi Phúc Trạch chính gốc.

Vườn bưởi Phúc Trạch của ông Hiến.

Vườn bưởi Phúc Trạch của ông Hiến.

Ông Hiến vui mừng khoe: “Năm nay được mùa cả bưởi và cam. Riêng vụ này, bưởi Phúc Trạch được bao nhiêu thương lái đến tận vườn mua bấy nhiêu mà không có mà bán. Nhẩm tính sơ sơ, bán hết số cam bưởi này sẽ thu về gần 100 triệu đồng”.

Cũng là hộ dân trong thôn, trên diện tích 15 sào, gia đình chị Hoàng Thị Hương trước đây chỗ thì bỏ hoang cỏ dại mọc, một phần trồng cây công nghiệp ngắn ngày nhưng hiệu quả thấp. Từ khi được chính quyền địa phương vận động cải tạo, phá bỏ vườn tạp và sự được hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chị đã đưa cây bưởi Phúc Trạch về trồng.

Vườn bưởi của gia đình chị đã cho thu hoạch sang năm thứ 3, mỗi năm ước tính thu về 50 triệu đồng. Riêng năm nay gia đình chăm sóc vườn theo đúng hướng dẫn, thực hiện đầy đủ các quy trình kĩ thuật như làm cỏ, vun gốc, tỉa cành, tạo tán, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh kịp thời; đặc biệt nhờ áp dụng biện pháp thụ phấn bổ sung, nên tỷ lệ đậu quả cao gấp 2 lần so với năm trước. Trung bình mỗi gốc bưởi Phúc Trạch cho từ 40 - 45 quả loại đẹp, mỗi quả có giá từ 20 - 25 nghìn đồng tùy vào kích thước và độ bắt mắt của quả. Chị Hương nhẩm tính, mùa bưởi năm nay, gia đình đã có thu nhập vài trăm triệu.

Vườn bưởi Phúc Trạch của gia đình chị Hương được mùa.

Vườn bưởi Phúc Trạch của gia đình chị Hương được mùa.

Còn gia đình ông Nguyễn Đình Lục, thôn Trung Tiến, xã Kỳ Thượng, những ngày này các thành viên đều hết sức phấn khởi khi thành quả của họ được đơm hoa, kết trái. Gắn bó với nghề trồng bưởi đã nhiều năm nay, gia đình ông đã trồng bổ sung hơn 200 gốc bưởi Phúc Trạch trên diện tích 1ha. Ngoài trồng bưởi Phúc Trạch, ông còn trồng các giống cây ăn quả có múi cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng thị trường .

Kỳ Thượng là xã miền núi, vùng bán sơn địa của huyện Kỳ Anh, có diện tích tự nhiên 13.000 ha. Với quỹ đất dồi dào, xã Kỳ Thượng có điều kiện để phát triển các loại cây ăn quả. Để đưa các loại cây có múi trở thành cây chủ lực, xã đang triển khai đề án phát triển các loại cây ăn quả có múi như cây bưởi Phúc Trạch, bưởi da xanh và cam chanh nhằm tạo thành vùng hàng hóa tập trung. Xã đã vận động nhân dân phá bỏ vườn tạp, chuyển đổi các loại cây trồng, mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả, góp phần nâng cao thu nhập. Đến nay, xã Kỳ Thượng đã có trên 200 hộ trồng các loại cây có múi với tổng diện tích 75 ha. Bình quân mỗi hộ trồng từ 300 - 500 gốc, chủ yếu tập trung ở các hộ có vườn đồi vùng cao.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.