| Hotline: 0983.970.780

Cá lồng bè chết liên tục, người nuôi thiệt hại nặng

Thứ Hai 13/05/2019 , 17:12 (GMT+7)

Liên tục 1 tuần qua, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè  ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) điêu đứng khi cá nuôi chết hàng loạt. Đa số cá chết đều đã đến thời điểm xuất bán nên các chủ lồng thiệt hại nặng.

Nhiều năm qua, tại hai con sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ (TP Tam Kỳ) nhiều người dân đã tận dụng diện tích mặt nước để đầu tư xây dựng lồng bè, thả nuôi cá thương phẩm. Theo các hộ nuôi, thông thường mọi năm khi đến thời điểm đầu hè, do thời tiết nắng nóng cùng với nước mặn xâm nhập dẫn đến một số cá nuôi bị chết. Nếu như những năm trước cá chỉ chết rải rác thì năm nay số lượng các chết hàng loạt và liên tục khiến người nuôi lo lắng.

Nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè ở TP Tam Kỳ thiệt hại do cá nuôi chết liên tục

Năm nay, ông Nguyễn Duy Tuấn (SN 1968, trú phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ) nuôi 21 lồng bè cá diêu hồng trên sông Tam Kỳ với nhiều lứa tuổi khác nhau. Khoảng 1 tuần trở lại đây cá bắt đầu chết. 

“Tôi nuôi cá lồng bè đã được hơn 10 năm nhưng chưa có năm nào vào thời điểm này cá chết nhiều như vậy. Sáng nào tôi cũng vớt được 1 bao cá chết với trọng lượng mỗi bao khoảng 60kg. Liên tục 7 ngày qua tính ra số cá chết cũng lên đến vài tạ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại”, ông Tuấn nói.

Cá chết đa số đã gần xuất bán, có trọng lượng khoảng từ 0,7 - 0,8kg

Ông Tuấn cho biết, đa số cá chết là cá lớn, khoảng từ 6 - 7 tháng tuổi, đạt trọng lượng từ 0,7 - 0,8kg và bắt đầu xuất bán. Sau một đêm, cá có dấu hiệu đuối sức, nổi trắng mặt nước được 1 thời gian ngắn rồi chết nên sau đó gia đình ông chỉ biết vớt lên cho các hộ làm thức ăn cho heo.

“Cá chết do thời tiết nắng nóng và môi trường nước bị nhiễm mặn nên chúng tôi không có cách nào xử lý cả. Tính ra gia đình tôi thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Bây giờ chỉ cố gắng xuất bán dần để thu lại vốn và giảm thiệt hại thôi”, ông Tuấn nói.

Tương tự như gia đình ông Tuấn, 10 lồng nuôi cá diêu hồng của anh Trần Văn Đức (trú phường An Xuân, TP Tam Kỳ) mấy ngày qua cũng chết đến vài tạ khiến gia đình thiệt hại khoảng từ 40 - 50 triệu đồng.

“Không chỉ  gia đình tôi mà hầu như tất cả các hộ nuôi ở đây đều bị thiệt hại. Nếu trong thời gian tới không có mưa để trung hòa nguồn nước và giảm bớt độ mặn thì cá còn chết nữa”, anh Đức nói.

Một tuần qua, lượng cá của gia đình anh Nguyễn Duy Tuấn (trú phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ) chết vài tạ, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng

Các chủ lồng đều cho biết, do nước nhiễm mặn quá nặng nên cá không thể chịu được rồi chết liên tục. Bởi không chỉ có cá nuôi lồng bè mà cả các loại cá sống ngoài tự nhiên ở sông Tam Kỳ, Bàn Thạch đều bị chết.

Theo ghi nhận của PV trưa ngày 13/5, tại sông Bàn Thạch (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ) xác cá chết trắng tấp vào bờ và các lồng nuôi của người dân, bốc mùi hôi thối.   

Ông Châu Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, cho biết, nguyên nhân khiến cá chết trên sông Bàn Thạch là do nước sông bị mặn xâm nhập, nồng độ mặn lên tới 5/1000. Mấy năm trước, sông Bàn Thạch cũng bị nhiễm mặn nhưng độ mặn thấp (nồng độ chỉ 0,6-0,7/1000). Hiện khu vực sông này vẫn chưa có đập ngăn mặn nên không xử lý được nguồn nước.

Ông Dương Văn Chí, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường TP Tam Kỳ cho biết, vừa rồi đơn vị này mới chỉ nắm được cá ngoài tự nhiên chết. Nguyên nhân là do mấy ngày trước nắng nóng nên nồng độ mặn tăng cao, thiếu khí oxy nên cá chết. Việc này Phòng Tài nguyên - Môi trường  đã kiểm tra xử lý.Còn về việc cá lồng bè chết thì phòng vẫn chưa nắm được. Sau khi nghe thông tin PV phản ánh, sáng mai (14/5), phòng sẽ báo cáo UBND TP Tam Kỳ để chỉ đạo phòng Kinh tế kiểm tra. 

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.