Nuôi tôm - rừng giảm phát thải
Ngày 28/6, tại Cà Mau, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Phát triển nuôi tôm bền vững, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, diễn đàn đã thành thương hiệu của khuyến nông. Thông qua các diễn đàn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mang lại sự kết nối giữa những người có công nghệ với người cần công nghệ, nhà khoa học với nông dân, doanh nghiệp với nhà sản xuất, nông dân với thị thị trường...
Ông Thanh dẫn chứng, vừa qua trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã kêu gọi được nhiều doanh nghiệp cùng xây dựng mô hình.
“Chúng tôi mong muốn các nhà công nghệ cùng ngồi lại với nhau để tích hợp các công nghệ, cùng nhau xây dựng những mô hình hiệu quả hơn, bền vững hơn. Chúng tôi cũng mong muốn người nuôi tôm cần tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, sản xuất gắn với giảm phát thải, đặc biệt liên kết chuỗi phải đảm bảo chặt chẽ”, ông Thanh nói.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã giải đáp thỏa đáng từng câu hỏi của người nuôi tôm, tập trung vào các vấn đề nóng như: Kỹ thuật nuôi, sử dụng men vi sinh, xử lý môi trường, cải tạo mương, ao nuôi và làm thế nào để nuôi tôm - rừng giảm phát thải.
Chia sẻ về kết quả bước đầu trong việc nuôi tôm - rừng giảm phát thải, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đánh giá: Giải pháp giảm phát thải có 3 cách gồm sản xuất không gây phát thải, giải pháp bù trừ bằng việc có rừng để hấp thụ carbon và giải pháp chuyển đổi sản xuất.
Trong nuôi tôm rừng, để không phát thải phải giảm ô nhiễm từ đất, nước, bà con cần lưu ý phải đảm bảo tỷ lệ rừng đúng theo quy định.
Ngành tôm Cà Mau nhiều năm liền dẫn đầu về diện tích, sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu. Năm 2023, sản lượng đạt 231.500 tấn, năng suất tôm bình quân ước đạt 830,5kg/ha/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD.
Theo ông Bằng, Cà Mau là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 280.000ha, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực ĐBSCL và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Các mô hình nuôi phổ biến như: Nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh; nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm – lúa, tôm – rừng, tôm quảng canh kết hợp.
Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng tình hình nuôi tôm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức về quy hoạch phát triển, hạ tầng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu.
Dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng, giá cả vật tư phục vụ cho sản xuất không ổn định. Môi trường ngày càng suy thoái, ô nhiễm. Dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp. Người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng, các dịch vụ logistics còn hạn chế, chi phí cao.
Nhu cầu tiêu thụ tôm tăng những tháng cuối năm
Tại diễn đàn, theo báo cáo của Cục Thủy sản, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong suốt 2 thập kỷ qua. Các sản phẩm tôm Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ tư thế giới sau Ecuador, Ấn Độ và Indonessia với với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hằng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 đến hơn 4 tỷ USD. Giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động.
Năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000ha, sản lượng đạt 1,12 triệu tấn, tăng 5,5% cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản lượng tôm sú đạt 274.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 845.000 tấn. Sản lượng sản xuất tôm giống đạt khoảng 150 tỷ con (tôm thẻ chân trắng 108 tỷ con, tôm sú 42 tỷ con).
6 tháng đầu năm 2024, tình hình thời tiết không thuận lợi cho nuôi tôm, các bệnh EHP, hoại tử gan tụy, đốm trắng vẫn tiếp tục xuất hiện và gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Mặt khác, giá nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất vẫn tiếp tục tăng cao. Xuất khẩu tôm các tháng đầu năm có tín hiệu tăng trở lại nhưng vẫn chậm, chủ yếu tập trung size tôm nhỏ.
Dự báo các tháng cuối năm 2024 thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi. Nguy cơ phát sinh dịch bệnh tiềm ẩn, khó dự đoán và tiếp tục là giai đoạn khó khăn của ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng.
Ngoài ra, xuất khẩu tôm các tháng cuối năm cũng có nhiều cơ hội phát triển khi Mỹ đã đưa vào xem xét Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong tháng 3/2024 công bố mức áp thuế chống trợ cấp của tôm Việt Nam thấp nhất so với Ấn Độ, Ecuador.
Hiện nay, Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu tôm từ Ecuador, thị trường Mỹ nhập khẩu tôm từ Việt Nam tăng trong quý I/2024. Mức độ tồn kho ít, nhu cầu tiêu thụ tôm các tháng cuối năm 2024 sẽ tăng cao. Do đó cần chủ động sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.