Đề nghị thu hồi hơn 90 tỉ đồng
Kiểm toán Nhà nước Khu vực 5, vừa có kết luận việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư dự án nâng cấp đê, làm kè khu vực biển Tây Cà Mau có nhiều sai phạm về tài chính, vi phạm một số điều cấm của Luật Đê điều nên đề nghị thu hồi hơn 90 tỉ đồng và yêu cầu Cà Mau báo cáo để kiểm tra, đánh giá lại độ an toàn của tuyến đê.
Theo kết luận, Cà Mau là một trong những tỉnh có tình hình sạt lở nghiêm trọng, được Chính phủ ưu tiên bố trí các nguồn vốn để thực hiện chương trình củng cố, nâng cấp đê biển theo Quyết định 667/2009 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 667).
Qua 10 năm thực hiện chương trình trên, tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực, bước đầu cho thấy hiệu quả, nhiều vị trí rừng phòng hộ đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình có nhiều sai phạm về tài chính.
Theo đó, số tiền sai phạm phải thu hồi nộp ngân sách, giảm thanh toán và giảm giá trị hợp đồng là 95,4 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 90 tỉ đồng thanh toán sai do dự toán được duyệt không đúng. Thanh toán sai so với khối lượng thi công thực tế khoảng 5,4 tỉ đồng.
Nội dung kết luận, năm 2010, tỉnh Cà Mau phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp đê biển Tây nhưng sau đó điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, trước khi điều chỉnh, Cà Mau đã thực hiện công tác đo đạc bản đồ, kiểm kê giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn. Toàn bộ các phần việc này không phục vụ cho dự án đã điều chỉnh sau nên gây lãng phí số tiền hơn 25 tỉ đồng.
Trong phần rà phá bom mìn, nhiều diện tích không được rà phá nhưng đã thanh toán toàn bộ cho hạng mục này là hơn 16 tỉ đồng. Kiểm toán đề nghị tỉnh rà soát, thu hồi cho ngân sách diện tích chưa thực hiện.
Đến năm 2018, Cà Mau tiếp tục đăng ký vốn cho Chương trình 667 gần 390 tỉ đồng nhưng chỉ giải ngân được gần 160 tỉ (49%). Kiểm toán Nhà nước Khu vực 5 đánh giá là sử dụng vốn chưa hiệu quả trong điều kiện vốn đầu tư tại Cà Mau hạn hẹp.
Ngoài ra, trong kết luận còn phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm tài chính khác nhưng chưa đủ điều kiện để làm rõ. Trong đó giá kè ly tâm dự ứng lực dùng để làm kè chắn sóng bảo vệ rừng phòng hộ, ước tính số chênh lệch giá đã thanh toán cho các nhà thầu so với giá thị trường cùng thời điểm khoảng 28 tỉ đồng.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước Khu vực 5 kiến nghị Cà Mau tự tổ chức đối chiếu, cấn trừ để thu hồi về cho ngân sách nhà nước. Cùng hàng loạt sai phạm về giá, gian lận chất liệu… ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ an toàn của đê.
Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện theo kết luận kiểm toán
Trước thông tin trên, Chiều tối 7/9, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức cuộc họp báo khẩn thông tin những vấn đề liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước về hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại dự án nâng cấp đê biển Tây (Cà Mau).
Tại cuộc họp, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Sau khi thực hiện các hoạt động kiểm toán đối với dự án thì Kiểm toán Nhà nước Khu vực 5 đã có văn bản báo cáo kết quả.
Theo đó, kiểm toán đề cập 8 nhóm vấn đề. Cụ thể là những vấn đề về tiêu chuẩn thiết kế; định mức; đơn giá thiết kế; thẩm quyền thẩm định dự án qua các lần điều chỉnh; vấn đề thi công và giám sát thi công; nghiệm thu và quản lý chi phí đầu tư…
Qua đó, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, thừa nhận công tác quản lý đầu tư có nhiều hạn chế, bên cạnh nhiều nguyên nhân khách quan. Theo ông Sử, dự án xây dựng nâng cấp đê biển Tây được triển khai trong thời gian khá dài, trải qua gần 10 năm.
“Trong 10 năm này, quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư cũng có những thay đổi, đòi hỏi đơn vị quản lý đầu tư phải có sự cập nhật. Ngoài ra, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và phức tạp, có hiện trạng 10 năm trước đây liên quan dự án nay đã thay đổi. Địa bàn triển khai dự án đặc thù, dự án triển khai trong vùng có nền đất yếu, vùng rừng. Dự án này nâng cấp trên cơ sở đê được xây dựng trước đây", ông Sử thông tin.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Cà Mau, khẳng định, sẽ thực hiện nghiêm túc có hiệu quả kết luận của Kiểm toán Nhà nước Khu vực 5 đối với dự án này. Mục tiêu là việc xử lý phải hướng tới đảm bảo yêu cầu về chất lượng công trình, xử lý không để thất thoát ngân sách của nhà nước. Đồng thời, trong quá trình xử lý phải xem xét xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, trên quan điểm xử lý nghiêm túc, triệt để, thấu tình đạt lý.
Cũng theo ông Sử, tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục giải trình, làm rõ việc áp dụng tiêu chuẩn, định mức, quy chuẩn trong quá trình thiết kế công trình này. Nếu như giải trình chưa thuyết phục dẫn đến có những sai sót thì tư vấn phải chịu trách nhiệm.
Đối với các đơn vị thi công, xây lắp, ông Sử cho rằng: "Ở đây có nhiều nhóm thi công, trong đó có nhóm thi công xây dựng công trình. Đối với nhóm này, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cùng các đơn vị thi công khắc phục ngay đối với các hạng mục chưa thực hiện đúng thiết kế. Đặc biệt đối với hạng mục có ảnh hưởng đến an toàn công trình, ví dụ như thi công khoan đào lấy đất sâu hơn thiết kế".
UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện toàn diện nội dung kiến nghị của kiểm toán. Đồng thời, chỉ đạo Sở NN-PTNT khẩn trương thực hiện các nội dung mà kết luận của Kiểm toán Nhà nước Khu vực 5 đã nêu.