Ông Phan Hoàng Vụ, Giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Xuất khẩu thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm của tỉnh Cà Mau đạt gần 700 triệu USD. Với kết quả này bình quân trên 100 triệu USD/tháng, thường trong những tháng cuối năm xuất khẩu tiếp tục tăng cao, khả năng năm nay xuất khẩu tôm Cà Mau sẽ vượt xa kế hoạch (kế hoạch hơn 1,1 tỷ USD).
Hiệp định đối tác tự do kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đây được xem là Hiệp định thương mại tự do được các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản tỉnh Cà Mau khai thác khá tốt nên kim ngạch xuất khẩu vào một số thị trường như: Mỹ, EU, Australia, Canada, Hàn Quốc, Nhật ...đều tăng mạnh. Đến nay, thủy sản của tỉnh Cà Mau đã xuất khẩu qua 64 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Xuất khẩu tôm tăng mạnh kéo theo giá tôm nguyên liệu tăng theo, tạo phấn khởi cho người sản xuất. Hiện, loại 20 con/kg được thu mua tại đầm tôm có giá từ 225.000-235.000 đồng/kg; loại 25 con/kg giá từ 185.000-195.000 đồng/kg, loại con 30/kg giá từ 170.000 – 175.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 150.000-160.000 đồng/kg.
Ông Ngô Văn Phương, thương lái thu mua tôm nguyên liệu tại huyện U Minh (Cà Mau) cho biết: “Tôm nuôi khi thu hoạch đạt kích cỡ càng lớn thì giá trị càng cao và có chiều hướng tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước.
Theo ông Phương, hiện các doanh nghiệp thu mua chế biến rất chuộng tôm kích cỡ lớn, chủ yếu xuất nguyên con hoặc chế biến hàng gia tăng, xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu.
Hiện, nguồn nguyên liệu đầu vào khá ổn định, đáp ứng được nhu cầu hoạt động sản xuất tại các nhà máy. Đây là kết quả thể hiện khả năng sản xuất trên lĩnh vực nuôi tôm trên địa bàn Cà Mau đang phát triển rất tốt. Điều này được thể hiện thông qua việc chuyển dần hình thức nuôi thâm canh sang siêu thâm canh, nhất là khi Cà Mau kiểm soát được dịch Covid-19.
Các nhà máy thu mua, chế biến XNK trên địa bàn tỉnh Cà Mau và VASEP nhận định, tôm nguyên liệu sẽ tăng trở lại bắt đầu từ đầu tháng 7/2022 cho đến trung thu (15/8 âm lịch), đặc biệt mặt hàng tôm sú dự báo sẽ tăng nhanh (theo CAMIMEX tôm sú loại 20 - 30 con/kg sẽ tăng từ 10.000 - 15.000 đ/kg vào đầu tháng 7/2022).
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 160 hộ nuôi chuyển đổi hình thức sản xuất, với diện tích khoảng 115 ha, đưa tổng diện tích nuôi theo hình thức siêu lợi nhuận này hiện là gần 3.900ha/3.934 hộ nuôi, bình quân đạt từ 40 - 45 tấn/ha/năm.
Sau nhiều vụ nuôi thành công và từng bước cải tiến thông qua các mô hình sản xuất có hiệu quả, ông Lý Thường Kiệt, ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng (huyện Cái Nước) nâng hình thức nuôi tôm từ thâm canh sang siêu thâm canh theo 2 giai đoạn trên diện tích hơn 1ha của gia đình.
Theo ông Kiệt, nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn tối ưu được nhiều mặt, có thể quản lý dịch bệnh dễ dàng, hiệu quả, mang tính ổn định, phát triển nhanh, bền vững hơn”, ông Kiệt chia sẻ.
Cùng với những chuyển biến trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đến nay đã đạt gần 166.000 ha, diện tích đang thả nuôi đạt trên gần 100%. Đây là nguồn lực không nhỏ cung ứng lượng tôm có kích cỡ lớn cho chế biến xuất khẩu.
Thêm vào đó, sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 117.000 tấn, trong đó, sản lượng tôm đạt gần 5.000 tấn, tăng trên 18% so cùng kỳ, kế hoạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau trong năm 2022 đạt trên 1,1 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ 2021.