Nhiều chính sách hỗ trợ cho hộ di dời
Thực hiện Quyết định số 1411/QÐ-UBND ngày 27/4/2023 của UBND tỉnh Bình Định về việc di dời các cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư của 5 xã phía Bắc huyện Tuy Phước, vào nhà máy giết mổ động vật tập trung tại xã Nhơn An (thị xã An Nhơn), hai năm qua, UBND huyện Tuy Phước đã dốc lực vận động. Đến nay, đã có 38/53 hộ ký cam kết chấp hành di dời, nhưng vẫn còn 15 hộ không ký cam kết.
Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện, UBND tỉnh Bình Định đã có chủ trương đưa toàn bộ hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư ở 5 xã phía Bắc huyện vào Nhà máy giết mổ động vật tập trung tại xã Nhơn An (thị xã An Nhơn).
“Chủ trương của tỉnh nhằm đảm bảo động vật khi đưa vào cơ sở giết mổ tập trung được kiểm tra chặt chẽ, đúng quy trình từ khâu nhốt, giữ, giết mổ, đến tiêu thụ theo tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiến tới chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ gây ra”, ông Khiêm cho hay.
Theo ông Phan Văn Khiêm, khi thực hiện di dời, ttrên địa bàn các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang và Phước Hưng (huyện Tuy Phước) còn 53 hộ hành nghề giết mổ gia súc đang hoạt động nhưng hầu hết không có giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y.
2 năm qua, ngành chức năng huyện Tuy Phước “mướt mồ hôi” đi vận động những hộ giết mổ động vật nhỏ lẻ ở 5 xã phía Bắc huyện di dời về Nhà máy giết mổ động vật tập trung tại xã Nhơn An (thị xã An Nhơn).
Những hộ di dời đượ hỗ trợ tháo dỡ, đập bỏ lò giết mổ thủ công 5 triệu đồng/hộ. Phí dịch vụ giết mổ được hỗ trợ với mức 120.000đ/heo thịt; 170.000đ/con heo nái và đực giống; 320.000đ/con trâu, bò; 250.000đ/con bê, nghé; 10.000đ/con gà; 20.000đ/con vịt.
Phí giết mổ được hỗ trợ 7.000đ/con heo; 14.000đ/con trâu, bò và 200 đồng/con gia cầm; cả 2 loại phí nói trên được Nhà nước hỗ trợ 100% trong năm đầu thực hiện và 50% trong năm thứ 2.
“Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 15 hộ giết mổ ở 2 xã Phước Sơn và Phước Hòa chưa di dời, họ đưa ra lý do mỗi ngày chỉ giết mổ 1 con heo, thêm vào đó đường đến nhà máy giết mổ xa cả hàng chục cây số nên không thể thực hiện”, ông Phan Văn Khiêm cho hay.
Không để tồn tại hộ giết mổ gia súc trong khu dân cư
Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), các hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ trên địa bàn đã quen với cách làm truyền thống, ấy là mua heo về dự trữ trong chuồng, mỗi sáng sớm dậy nấu nước sôi và tiến hành mổ tại nhà, sau đó chở đi bán tại các chợ.
Với cách làm này, nước thải trong hoạt động giết mổ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư khiến người dân bức xúc. Đáng quan ngại nhất là nếu hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư mổ trúng con heo đã nhiễm bệnh, thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sang đàn heo nuôi trên địa bàn là rất cao.
“Hiện, trên địa bàn xã có 14 hộ giết mổ heo nhỏ lẻ, trong đó chỉ có 3 hộ ký cam kết di dời vào nhà máy giết mổ tập trung, còn lại 11 hộ không tuân thủ. Xã Phước Hòa đã thành lập tổ công tác tổ chức tuyên truyền, vận động. Hàng tuần, tổ công tác phối hợp với lực lượng chức năng của huyện vào chợ kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện thịt heo không có dấu kiểm soát sẽ xử lý theo quy định”, ông Huỳnh Thanh Vương nói kiên quyết.
Còn ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) cho biết: Trên địa bàn xã có 8 hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ, trong đó có 4 hộ đã tuân thủ đưa heo vào nhà máy giết mổ tập trung, 4 hộ còn lại dây dưa không chấp hành.
“Mới đây, chính quyền xã tiếp tục vận động 4 hộ không tuân thủ di dời hoạt động giết mổ tại nhà vào cơ sở giết mổ động vật tại xã Nhơn An (thị xã An Nhơn). Những hộ này đã cam kết không tiếp tục mổ heo tại nhà, mà lấy lại thịt của hộ khác để bán.
Cũng có thể họ lén lút mổ lúc nửa đêm, nhưng khi tổ công tác của xã đi kiểm tra thì không bắt gặp. Chính quyền xã sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất hoạt động giết mổ và giám sát gắt gao hoạt động mua bán thịt heo tại các chợ trên địa bàn, nếu phát hiện vi phạm là xử lý nghiêm, không bao che”, ông Tôn Kỳ Hải cho hay.
“Lãnh đạo huyện Tuy Phước đã chỉ đạo tổ công tác liên ngành của huyện và các xã tiếp tục vận động 15 hộ tại 2 xã Phước Sơn và Phước Hòa, nếu thấy không đủ điều kiện thì vận động họ chuyển đổi nghề, lấy thịt đã qua giết mổ tập trung ở các chợ đầu mối về bán lẻ. Kiên quyết xử lý vi phạm, không để tồn tại hộ giết mổ gia súc trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
Qua theo dõi, chúng tôi thấy hiện các hộ chưa tuân thủ đã lấy thịt mê từ Nhà máy giết mổ C.P. Việt Nam tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) về bán, chứ không giết mổ tại nhà nữa. Hộ nào đăng ký mua thịt, Nhà máy giết mổ C.P. Việt Nam sẽ chở thịt đến tận nơi để bán”, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước cho hay.