| Hotline: 0983.970.780

Cơ sở giết mổ động vật tập trung không thể không làm

Thứ Hai 03/06/2024 , 06:23 (GMT+7)

Giết mổ động vật tập trung giúp Bình Định thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, giết mổ động vật tập trung có vai trò quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh, xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Do đó, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 51/2020/QĐ-UBND ngày 3/8/2020 về chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2021-2025.

“Mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Bình Định phải có 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung đi vào hoạt động.

Sau 4 năm thực hiện, đến nay, trên địa bàn Bình Định đã có 6 cơ sở giết mổ động vật tập trung đã đi vào hoạt động. Trong đó, có 4 cơ sở giết mổ hỗn hợp heo, bò, gà quy mô cơ giới và 2 cơ sở giết mổ gia cầm ở thành phố Quy Nhơn và thị xã An Nhơn”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.

Cơ sở giết mổ động vật tập trung ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Cơ sở giết mổ động vật tập trung ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài ra, Bình Định cũng đã xúc tiến đầu tư, kêu gọi 2 doanh nghiệp xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung tại thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Cát.

Theo đó, Công ty TNHH Sản xuất và chế biến thực phẩm Quy Nhơn đầu tư cơ sở giết mổ động vật tập trung ở thị xã Hoài Nhơn với 2 giai đoạn; giai đoạn 1 giết mổ 3.434 con heo sữa, heo thịt, trâu, bò và 1.000 con gia cầm/ngày; giai đoạn 2 sẽ cung ứng 1.000 tấn thịt heo, bò đông lạnh/năm.

Đến nay, doanh nghiệp này đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, như: Quy hoạch 1/500, báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH San Hà đầu tư dự án xây dựng Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm tại thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát); quy mô dự án 40.500 con gia cầm, gia súc và cung ứng 10 tấn sản phẩm chế biến/ngày, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý III/2025. Ngoài ra, Công ty TNHH Sản xuất và chế biến thực phẩm Quy Nhơn cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung tại huyện Tây Sơn.

Theo ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước (Bình Định), riêng địa phương này không đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung vì hộ giết mổ trên địa bàn đều đưa gia súc, gia cầm về các cơ sở giết mổ động vật tập trung ở phường Nhơn Bình (thành phố Quy Nhơn) và xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) để giết mổ.

Cơ sở giết mổ động vật tập trug tại xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Cơ sở giết mổ động vật tập trug tại xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn Bình Định giai đoạn 2021-2025 được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung bên trong và bên ngoài tường rào đến 5 tỷ đồng tùy quy mô, công suất; hỗ trợ 100% phí dịch vụ giết mổ và phí kiểm soát giết mổ cho người đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ động vật tập trung trong năm thứ nhất và 50% cho năm thứ 2 kể từ khi dự án đi vào hoạt động”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, chia sẻ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tâm lý nhà đầu tư còn ngại tham gia vào lĩnh vực này, bởi sức các dự án xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung không mấy hấp dẫn, lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro, đặc biệt là nhà đầu tư lâu thu hồi vốn.

Một số địa phương như huyện Hoài Ân dù đã xây dựng kế hoạch xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung nhưng lại vướng vào dự án đường cao tốc Bắc - Nam buộc phải điều chỉnh, vì thế thời gian thực hiện phải kéo dài thêm.

“Do kế hoạch xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn gặp vướng, nên ngành chức năng huyện Hoài Ân phải nỗ lực kiểm tra, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm thịt trước khi đưa ra thị trường.

Đồng thời, triển khai kế hoạch giám sát các cơ sở chăn nuôi lợn theo hướng an toàn dịch bệnh trên địa bàn huyện”, ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân chia sẻ.

Sản phẩm từ cơ sở giết mổ động vật tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: V.Đ.T.

Sản phẩm từ cơ sở giết mổ động vật tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, trên địa bàn Bình Định còn 1 số địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi đang gặp khó trong việc xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư vào xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn. Ví như các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh hiện chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung mà cũng chưa tìm được nhà đầu tư.

“Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định sẽ kiến nghị Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xem xét, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung theo quy định ở điểm a, khoản 11, điều 11, Quyết định số 51 của UBND tỉnh.

Đồng thời, nỗ lực khống chế tình hình dịch bệnh động vật, xúc tiến xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, tạo vùng nguyên liệu sạch, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, cung ứng cho nhà đầu tư nhằm tạo niềm tin, thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ động vật tập trung”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

'Cánh đồng không dấu chân' lợi nhuận tăng từ 33 - 38%

BÌNH THUẬN Những cánh đồng sản xuất lúa không dấu chân được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai không chỉ giảm chi phí vật từ đầu vào mà còn giúp nông dân tăng lợi nhuận.  

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.