| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm cà phê Tây Nguyên

Cà phê cảnh quan, nhìn từ xã Đăk Krong

Thứ Tư 26/04/2023 , 06:18 (GMT+7)

Sản phẩm cà phê sạch, bảo vệ môi trường gắn phát triển du lịch, làm thay đổi bộ mặt nông thôn... và những vườn cà phê cảnh xã quan Đăk Krong đang có những điều này.

Cà phê cảnh quan sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Đăng Lâm.

Cà phê cảnh quan sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Đăng Lâm.

Từ dự án thiết thực

Bài liên quan

Những vườn cà phê ở xã Đăk Krong (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) ngày càng được nhiều người biết đến, bởi đây là một trong 5 địa điểm ở Tây Nguyên được chọn thực hiện dự án thí điểm phát triển cà phê bền vững theo phương pháp tiếp cận cảnh quan. Đây là sáng kiến của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Dự án này không nằm ngoài mục đích là ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện các vấn đề tồn tại trong phương pháp canh tác cà phê hiện nay ở nhiều địa phương.

Ông Hà Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Krong cho biết, việc xã Đăk Krong được chọn làm mô hình phát triển cà phê cảnh quan bởi nơi đây tập trung được diện tích cà phê lớn nằm trong vùng cảnh quan. Ngoài ra, địa phương còn có sông, có núi, có lòng hồ thủy điện, và đặc biệt nằm trong khu vực làng đồng bào để phát triển du lịch thông qua việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyển thống của người dân địa phương.

Theo đó, Dự án đã đầu tư nhiều hạng mục mà điểm nhấn là con đường bê tông từ xã xuống đến tận lòng hồ Đăk Đoa. Con đường rộng hơn 3m uốn lượn quanh ngôi làng Đăk Mông của người BahNar, xuyên qua những vườn cà phê bạt ngàn và mướt xanh, thỉnh thoảng vắt lên những quả đồi bát úp với những vườn trái cây đặc sản. Nó chỉ chịu dừng lại khi xuống đến tận mép nước của lòng hồ thủy điện Đăk Đoa. Dọc con đường dẫn đến làng Đăk Mông (xã Đăk Krong) là hàng cây muồng ngạo nghễ đứng chắn gió cho bạt ngàn cà phê, bơ, sầu riêng xanh mướt bên dưới.

Những con đường bê tông được xây dựng tại khu vùng cà phê cảnh quan. Ảnh: Đăng Lâm.

Những con đường bê tông được xây dựng tại khu vùng cà phê cảnh quan. Ảnh: Đăng Lâm.

Bài liên quan

Tuyến đường có chiều dài 5km với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng đã phục vụ thiết thực cho việc sản xuất và vận chuyển cho khoảng hơn 1.000ha cà phê của người dân trong khu vực hưởng lợi.

Đứng dưới bờ hồ nhìn ngược lên là bạt ngàn những vườn cà phê, hồ tiêu, bơ cùng những loại cây ăn quả khác. Điểm đặc biệt là những vườn cây nơi đây quanh năm mướt xanh và trĩu quả. Đó là do sự biệt đãi của thiên nhiên về thổ nhưỡng phù hợp, về khí hậu trong lành, và về nguồn nước tưới dồi dào. Bên cạnh đó, người BahNar nơi đây - thông qua dự án, cũng đã biết áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê và các loại cây trồng khác.

Dưới kia, lòng hồ Đăk Krong tuy không rộng như những hồ thủy điện khác, nhưng quanh năm đầy ắp nước. Dưới lòng hồ, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đăk Krong đang thả 18 lồng bè nuôi các loại cá nước ngọt.

Trời xanh, nước xanh, những vườn cà phê mướt xanh đã tạo nên một cảnh quan hết sức kỳ vỹ. Bên trong nó còn ẩn chứa sự trù phú, đủ đầy của ngôi làng với hơn 200 hộ và hơn 1.000 nhân khẩu người BahNar này.

Đến tương lai rộng mở

Mô hình cà phê cảnh quan ở xã Đăk Krong được thiết kế rất bài bản và khoa học: Khu vực phía đông (từ ven suối Đăk Tong lên các khu dân cư ở trung tâm xã) đang trồng thuần cà phê với mật độ khoảng 1.330 cây/ha, tỷ lệ diện tích có cây trồng xen khoảng 15%, dự kiến sẽ tái canh (khoảng 25%) và cải tạo (khoảng 75%), cây trồng xen canh chủ lực là bơ, sầu riêng, bởi lời...

Gia đình bà Yel phụ thuộc chủ yếu vào cà phê. Ảnh: Đăng Lâm.

Gia đình bà Yel phụ thuộc chủ yếu vào cà phê. Ảnh: Đăng Lâm.

Phía đỉnh đồi là khu dân cư và các công trình xây dựng cơ bản. Dự kiến sẽ tiếp tục bố trí khu dân cư, trụ sở các cơ quan, trụ sở HTX, các công trình văn hóa, chợ và các công trình xây dựng cơ bản khác.

Phía tây sườn đồi là cà phê tái canh (khoảng 22%) và cải tạo (khoảng 78%), đồng thời trồng xen canh các loại cây ăn quả đặc sản để thu hút khách du lịch. Khu vực giáp bờ hồ thủy điện Đăk Đoa, bố trí các điểm cắm trại cho khách du lịch dã ngoại.

Khu vực lòng hồ thủy điện Đăk Đoa, bên cạnh vùng nuôi thủy sản hiện hữu của HTX Đăk Krong, sẽ bố trí 1 khu vực nhà hàng nổi, 1 bến du thuyền và các điểm câu cá giải trí…

Bà Yel, một phụ nữ BahNar ở làng Đăk Mông đang tỉa cành cho vườn cà phê gần 1ha vừa thu hoạch xong của gia đình. Theo bà Yel thì từ xa xưa, người BahNar nơi đây chỉ biết phát nương làm rẫy, cuộc sống bấp bênh. Sau này làm quen với việc trồng cà phê và hiện tại, cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào cây cà phê. Những năm gần đây, nhiều gia đình đã biết cách trồng xen các loại cây ăn quả để tăng thêm thu nhập. 

Từ việc dự án VnSAT đầu tư xây dựng con đường chính cũng như những đường nhánh nội đồng, việc thu hoạch, vận chuyển cà phê của người dân thuận tiện hơn rất nhiều. “Từ khi có con đường này, vườn cà phê của gia đình khi thu hoạch xong rất thuận tiện cho việc chở về nhà, rồi chở phân bón ra vườn cũng dễ dàng chứ không khó đi như trước kia”, bà Yel chia sẻ.

Vườn cà phê của bà Yel là một trong rất nhiều vườn nơi đây có vị trí rất đẹp, mặt trước nhìn thẳng xuống lòng hồ thủy điện Đăk Đoa. Không ít người làng nhạy bén, đã tính đến chuyện sau này khi phát triển du lịch, sẽ mở cửa hàng tạp hóa và bán thêm các sản phẩm đặc trưng của người địa phương để tăng thêm thu nhập. Ngoài ra còn giới thiệu với du khách về những sản phẩm văn hóa độc đáo của người BahNar nơi đây…

Ông Trịnh Khắc Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đăk Krong cho biết, HTX có 185 hộ tham gia với diện tích 320ha cà phê, trong đó có 64 hộ là người dân tộc BahNar cùng tham gia liên kết với HTX. Theo ông Dương thì khi tham gia canh tác cà phê theo hướng bền vững, phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí như canh tác hữu cơ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu hoạch quả chín phải đạt từ 90 - 95%... “Do vậy, sản phẩm cà phê nơi đây đảm bảo sạch và mang tính bền vững cao”, ông Dương khẳng định chắc nịch.

Những con đường bê tông đi qua vườn cà phê mênh mông, bạt ngàn. Ảnh: Đăng Lâm.

Những con đường bê tông đi qua vườn cà phê mênh mông, bạt ngàn. Ảnh: Đăng Lâm.

Cũng theo ông Dương thì, để đạt chuẩn theo tiêu chí cảnh quan, cà phê phải đảm bảo chất lượng, sản xuất theo hướng bền vững. Hiện người dân đã liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp để sản xuất hàng trăm ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C.

Trong thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ. Về cơ bản thì từ nhiều năm qua, người dân cũng rất ý thức khi sử dụng bón phân hữu cơ bằng vỏ trấu và rất hạn chế dùng phân hóa học.

Theo ông Hà Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Krong thì trước mắt, khu vực cà phê cảnh quan đã được dự án VnSAT đầu tư hệ thống các con đường nội đồng đi vào khu sản xuất. Sắp tới, xã sẽ chú trọng xây dựng sản phẩm cà phê đặc sản mang tính đặc trưng, hương vị riêng của địa phương. Đồng thời khuyến khích người dân trồng cà phê xen canh với các loại cây ăn trái khác để vừa làm cây che bóng, vừa tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

“Hiện nay, HTX Đăk Krong đã xây dựng 18 lồng cá bè trên lòng hồ thủy điện Đăk Đoa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng các khu du lịch sinh thái, homestay... để từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch bên cạnh mô hình cà phê cảnh quan”, ông Kiên cho biết.

Ông Hà Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Krong, cho biết: Việc triển khai mô hình cà phê cảnh quan đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Với người dân, nhất là người dân tộc BahNar quen canh tác theo kiểu lạc hậu thì giờ đây, thông qua dự án, họ tiếp cận được với phương thức canh tác tiên tiến, cho ra sản phẩm cà phê bền vững và đảm bảo chất lượng. Dự án cũng đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn thông qua các công trình như đường giao thông, lưới điện, quy hoạch vườn cây… “Hy vọng sẽ ngày một nhiều người biết đến xã Đăk Krong với sản phẩm cà phê sạch, với những loại trái cây đặc hữu, với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, và với những nét văn hóa độc đáo của người BahNar nơi đây”, ông Kiên chia sẻ.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Chung kết hội thi 'Cán bộ Agribank tài năng - thanh lịch' năm 2024

Chung kết hội thi có sự góp mặt tranh tài của 20 đơn vị xuất sắc đại diện cho 173 Công đoàn cơ sở của Agribank khắp cả nước tham gia.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.