Phát triển cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, diện tích cà phê của địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Đắk Lắk) với khoảng gần 176 nghìn ha, trong đó cà phề vối chiếm gần 159 nghìn ha, cà phê chè 16,7 nghìn ha và cà phê mít khoảng 200ha. Trong đó, cà phê được trồng nhiều nhất tại huyện Di Linh với khoảng 45,6 nghìn ha. Năng suất cà phê tại tỉnh này bình quân khoảng 35,5 tạ/ha, tổng sản lượng khoảng trên 600 nghìn tấn.
Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, cây cà phê được phát triển ở Lâm Đồng từ lâu và phần lớn các nông hộ trồng cà phê có khả năng canh tác tốt, nhiều kinh nghiệm. Những năm qua, ngành nông nghiệp, doanh nghiệp chế biến cà phê đóng trên địa bàn cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái… nên việc canh tác của người dân ngày càng bài bản, tạo được sản phẩm chất lượng, giá trị.
Cũng theo ông Chiến, hiện nay, các sản phẩm cà phê nhân, cà phê rang xay của tỉnh Lâm Đồng đang được xuất khẩu qua thị trường quen thuộc như Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… “Năm 2022, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh trên 90 nghìn tấn với giá trị đạt trên 180 triệu USD”, ông Hà Ngọc Chiến cho biết.
Xác định cà phê là một trong những cây trồng chủ lực, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu qua thị trường EU. Địa phương này đang thực hiện các giải pháp về quy hoạch hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh trong việc hỗ trợ sản xuất cà phê đặc sản. Áp dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát, quản lý vùng trồng cà phê đặc sản nhằm đảm bảo có thể truy xuất nguồn gốc, phục vụ công tác tra cứu thông tin và an toàn thực phẩm.
Tỉnh Lâm Đồng cũng xây dựng và gia tăng các chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ cà phê đặc sản. “Căn cứ vào diện tích xây dựng cà phê đặc sản của từng địa phương, chúng tôi tổ chức rà soát, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cà phê đặc sản. Cùng với đó, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với người dân để đầu tư, thu mua sản phẩm cà phê đặc sản, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Vận động các nông hộ và các đơn vị tham gia chuỗi sản xuất, liên kết, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu”, ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng nói thêm.
Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cà phê, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng sẽ mở rộng diện tích cà phê đặc sản trên các vùng đã được công nhận. Tỉnh này cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản của tỉnh và hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng thương hiệu riêng của mình. Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng cung cấp bản tin thị trường cà phê hàng ngày để người sản xuất nắm bắt và đưa ra kế hoạch sản xuất hiệu quả, bền vững.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, địa phương cũng tập trung xây dựng các chương trình, đề án, trong đó UBND tỉnh này đã ban hành quyết định 2666 về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đối với đề án này, địa phương định hướng phát triển ngành hàng cà phê đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất nhập khẩu cũng như phục vụ nhu cầu trong nước. Kết quả năm 2022 cho thấy, ngành nông nghiệp địa phương đã hỗ trợ, cấp chứng nhận hữu cơ cho các đơn vị với tổng diện tích trên 5ha cà phê.
Năm 2023, tỉnh này tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình và dự kiến khoảng 10ha được cấp chứng nhận trong thời gian tới. Cùng với việc hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mô hình cà phê hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hành sản xuất cà phê an toàn, hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị nông sản này.
Sản xuất cà phê bền vững gắn với lợi ích của người dân
Còn Đắk Lắk, địa phương có 213 nghìn ha cà phê với sản lượng hàng năm là 558.000 tấn, lớn nhất cả nước. Đến nay, cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 80 thị trường trên thế giới với kim ngạch đạt gần 900 triệu USD, chiếm trên 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ngành sản xuất cà phê tại Đắk Lắk đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, mô hình canh tác cà phê của địa phương chủ yếu vẫn là nông hộ với 85%, số còn lại do công ty và HTX quản lý đã hình thành vùng chuyên canh. Hiện nay khoảng 20% hộ dân sản xuất cà phê có chứng nhận UTZ, RA, FLO và cà phê đặc sản, với quy mô diện tích khoảng 66.000ha chiếm trên 30% diện tích và 223.000 tấn, chiếm 40% về sản lượng.
Tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai kế hoạch tái canh đối với diện tích cà phê cho năng suất kém, già cỗi, sâu bệnh và chuyển đổi những diện tích cà phê không phù hợp với quy hoạch sang trồng cây ăn quả.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, để ngành cà phê của địa phương phát triển bền vững đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường, phát huy hiệu quả quản lý của Nhà nước trong công tác hoạch định, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế.
Cơ quan chức năng sẽ thường xuyên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong triển khai thực hiện chương trình phát triển cà phê bền vững. Từ đó, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất cà phê bền vững gắn với lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường, để chính người nông dân thấy được lợi ích của sản xuất cà phê bền vững và tích cực tham gia thực hiện. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định thắng lợi đối với ngành hàng sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Lắk.
Đặc biệt, các địa phương, các ngành của Đắk Lắk sẽ tăng cường công tác kiểm tra khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích cà phê trên những diện tích đất đai không phù hợp, thiếu nguồn nước tưới, mà nên tập trung đầu tư thâm canh theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và từng bước tiếp cận với các chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận 4C, UTZ... Các đơn vị cũng rà soát diện tích vùng chuyên canh phát triển cà phê theo hướng bền vững, sản xuất cà phê có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng.
“Các địa phương cần vận động nông dân tham gia tổ chức thành lập nhóm hộ, câu lạc bộ, hợp tác xã kiểu mới, chủ động xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cà phê theo Quyết định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, tạo điều kiện cho nông dân tiếp thu và áp dụng kỹ thuật mới, tiếp cận được thị trường trong và ngoài nước.
Các Sở, ban ngành và chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tế và nhiệm vụ được giao, cần quyết liệt hơn nữa trong việc phối hợp chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 và đinh hướng đến năm 2030 của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung triển khai ứng dụng mạnh mẽ, có hiệu quả công nghệ thông tin, nhất là chuyển đổi số trong nông nghiệp để hỗ trợ, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp được tốt nhất”, ông Côn nhấn mạnh.