| Hotline: 0983.970.780

Nâng tầm cà phê Tây Nguyên

Lấy cà phê đặc sản làm điểm tựa phát triển thương hiệu

Thứ Hai 24/04/2023 , 05:58 (GMT+7)

Không mở rộng diện tích để tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đang là mục tiêu mà tỉnh Gia Lai hướng đến.

Gia Lai đang hướng đến xây dựng thương hiệu cà phê bền vững. Ảnh: Tuấn Anh.

Gia Lai đang hướng đến xây dựng thương hiệu cà phê bền vững. Ảnh: Tuấn Anh.

Cần chú trọng xây dựng thương hiệu

Bài liên quan

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có khí hậu đa dạng và diện tích lớn, thích hợp phát triển nông nghiệp quy mô lớn. Toàn tỉnh hiện có hơn 845.000ha đất sản xuất nông nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó có cà phê. Đây là điểm mạnh thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lĩnh vực trồng trọt trong và ngoài nước.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 98.728ha, năng suất bình quân đạt 30,15 tạ/ha, tổng sản lượng cà phê đạt 267.428 tấn. Sản phẩm cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 490 triệu USD, chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh.

Trong những năm qua, sản xuất cà phê đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp. Thông qua sản xuất cà phê, đời sống người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ gia đình khá, hộ gia đình giàu ngày càng tăng, trong đó có một bộ phận không nhỏ là bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Gia Lai không mở rộng diện tích, duy trì ổn định khoảng 98.000 - 100.000ha cà phê. Bên cạnh đó, phát triển cà phê không lấn chiếm, gây ảnh hưởng đến đất rừng. Đặc biệt, Gia Lai sẽ tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Người  trồng cà phê đang ngày càng chú trọng đến chất lượng để nâng cao giá trị. Ảnh: Tuấn Anh.

Người  trồng cà phê đang ngày càng chú trọng đến chất lượng để nâng cao giá trị. Ảnh: Tuấn Anh.

Để nâng tầm giá trị cà phê của tỉnh Gia Lai, theo ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), Gia Lai cần phải xây dựng mã số vùng trồng, bảo tồn lại những giống cà phê cũ, hiếm nhưng cực kỳ giá trị.

Ông Thanh cho biết, ở khu vực huyện Chư Păh chỉ còn chừng 100ha cà phê trồng từ trước năm 2007 cho chất lượng rất ngon. Tuy nhiên, sản lượng giống cà phê này trái nhỏ, năng suất chỉ đạt 3 tấn/ha, (năng suất bình quân ở đây đạt 4 - 5 tấn/ha) khiến người dân dần phá bỏ, trồng những giống khác năng suất cao hơn. Diện tích cà phê này còn giảm mạnh, có khả năng chỉ 2 năm nữa sẽ xóa sổ nếu không có biện pháp gìn giữ, bảo tồn.

Việc này, những đơn vị nhỏ lẻ, nông dân thì không thể làm được mà phải có sự góp sức của các doanh nghiệp lớn, chính quyền. Các giống cà phê cũ, hiếm hoi này thậm chí còn không có tên gọi trên thị trường. Tuy nhiên, nếu bảo tồn, đưa ra thị trường thì giá trị rất cao vì đây mới là cà phê gốc, tinh hoa còn sót lại. Còn cứ như hiện nay, chỉ 2 năm nữa loại cà phê này sẽ khó tìm thấy.

Trong khi đó, Ông Lê Hữu Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (huyện Đăk Đoa) cho rằng trước đây cà phê ở Việt Nam mang tính chất nguyên liệu. Hiện nay đã thay đổi, cà phê đã được chế biến thành đặc sản, đáp ứng được nhu cầu của thế giới. Chính vì vậy đây là cơ hội lớn để đưa cà phê Việt Nam lên bước phát triển mới về sản phẩm.

Người nông dân trồng cà phê Việt Nam là hình ảnh đẹp. Việc phát triển vùng nguyên cà phê liệu sạch càng có ý nghĩa hơn, xây dựng được câu chuyện của hạt cà phê. Đây là yếu tố nhân văn, được người nước ngoài quan tâm khi phát triển vùng cà phê. Từ đó, xây dựng được thương hiệu cà phê, văn hóa trồng cà phê.

“Muốn cà phê đứng vững trên thị trường quốc tế cần minh bạch vùng nguyên liệu, tập trung bảo vệ cho người nông dân canh tác hữu cơ, canh tác sạch. Phát triển cà phê bền vừng thì sẽ đem lại lơi ích cho người nông dân, doanh nghiệp và môi trường”, ông Hữu Anh chia sẻ.

Theo dự báo của UBND tỉnh Gia Lai,  trong thời gian tới, tình hình xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục tăng nhờ những chính sách mở cửa của thị trường, tác động của FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam. Những hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội để cà phê Gia Lai có thể thâm nhập và mở rộng thị trường mới. Do vậy, để nâng tầm cà phê Gia Lai trên thị trường quốc tế thì việc phát triển cà phê đặc sản để nâng cao giá trị xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các doanh nghiệp, nông dân trồng và sản xuất cà phê trong tỉnh là một yêu cầu cấp thiết.

Tập trung phát triển cà phê đặc sản

Trong những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên đã bước đầu phát triển, sản xuất cà phê đặc sản. Tuy nhiên, mới chỉ có một số cá nhân và doanh nghiệp tham gia với quy mô nhỏ, tự phát và rải rác không tập trung.

Nhiều doanh nghiệp, HTX đã tập trung cho việc chế biến sâu cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều doanh nghiệp, HTX đã tập trung cho việc chế biến sâu cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.

Đối với Gia Lai, khi nhắc tới cà phê, người ta thường nghĩ ngay đến Robusta. Loại cà phê này được mệnh danh là “chiến binh rô bốt” với chất lượng được các chuyên gia đánh giá cao, có hương vị đặc trưng riêng, được nhiều người tiêu dùng biết đến và được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cà phê sạch để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cả phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản, nhằm thâm nhập vào các thị trưởng có tiềm năng trong nước và xuất khẩu. Điển hình là cà phê Thu Hà, cà phê Tamba, Classic Coffee, L'amant Café... đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước và bước đầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, diện tích cà phê đặc sản của tỉnh khoảng 214,5ha, sản lượng 62 tấn. Sản lượng cà phê đặc sản không thể thu hoạch 100% diện tích vì chế biến loại cà phê này phải chọn lựa từng hạt đảm bảo chất lượng, nên chỉ chiếm khoảng 3 - 12% tổng sản lượng thu hoạch trên toàn diện tích trồng.

Cũng theo ông Khải, Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 1.170ha, sản lượng khoảng 620 tấn. “Hiện chúng tôi đang nghiên cứu, tham mưu chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản tại địa phương để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu sản phẩm cà phê… đáp ứng nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước”, ông Khải chia sẻ.

Theo đề án phát triển cà phê đặc sản ở Gia Lai, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hình thành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển cà phê đặc sản, xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam. Ban hành sổ tay hướng dẫn quy trình sản xuất cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2025, phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 1.170ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến giai đoạn 2026 - 2030, phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 2.340ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.