Vậy chúng ta nên làm gì, cải cách gì để phát triển ngành cà phê Việt Nam xuất khẩu? Nhất là trong bối cảnh xung đột Nga và Ukraine đang diễn ra, nhiều cơ hội vào thị trường EU đang mở rộng hơn và thuận lợi hơn.
Tại sao cần chú trọng EU mà không phải thị trường khác?
Nga là thị trường nhập khẩu và tiêu thụ cà phê Việt Nam đứng 7 sau EU. Khoảng gần 60% loại cà phê mà Nga nhập khẩu là Robusta, đây cũng là loại cà phê mà Việt Nam đang đứng đầu thế giới về sản lượng. Tuy nhiên, cuộc chiến sẽ tạo ra một thay đổi rất lớn trong kinh tế và việc xuất khẩu cà phê vào thị trường Nga cần phải đặt lên bàn cân với châu Âu.
Đồng rúp (Ruble) của Nga hiện đang giảm xuống hơn một nửa giá trị và thương mại đang bị khối G7, EU, Nato, Mỹ, Nhật... trừng phạt. Những hãng vận tải biển lớn như Maersk cũng đang phản đối cuộc chiến bằng cách dừng toàn bộ việc vận chuyển vào Nga. Thị trường Nga trong phút chốc trở nên rủi ro trong gần như tất cả các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó những nước như Trung Quốc và Belarus cũng bị ảnh hưởng trong chiến dịch trừng phạt kinh tế. Hàng hoá đến từ Trung Quốc và Belarus sẽ bị bài trừ tại EU. Hệ thống SWIFT sử dụng trong thanh toán chuyển khoản giữa các nhà băng sẽ bị đóng lại tại Nga và Belarus. Đây cũng là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê lên kế hoạch cụ thể để chuyển hướng tập trung mạnh hơn vào thị trường EU.
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và được xuất khẩu chủ yếu sang EU, Mỹ, Đông Nam Á (theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương). Trong đó, EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, cũng là thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất và chiếm hơn 16% thị phần.
Đặc biệt, với cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan nhờ Hiệp định EVFTA, cơ hội mở rộng thị trường cà phê Việt Nam tại EU là rất tiềm năng khi có 93% dòng thuế về 0%. Trong đó, sản phẩm được hưởng lợi nhất chính là cà phê chế biến. Ngoài ra, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới cà phê.
Tuy vậy, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thị trường lớn khác như Brazil, Colombia, Nam Mỹ, cà phê Việt Nam đối mặt với nguy cơ đánh mất thị phần rất lớn. Nếu các nhà sản xuất trong nước không thức tỉnh và điều chỉnh chiến lược kịp thời, hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng và tình hình kinh tế nói chung của nước ta sẽ gặp ảnh hưởng không nhỏ.
Tuy vậy là một đại diện thương mại với hơn 11 năm kinh nghiệm giữa Hà Lan và Việt Nam, chúng tôi muốn chia sẻ một số quan điểm giúp cho việc thay đổi của cà phê Việt Nam để tiếp cận thị trường châu Âu tốt hơn, nhiều lợi nhuận hơn và bền vững hơn.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam 2021 sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch đã dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực, đứt gãy chuỗi cung ứng và do chất lượng nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng tại đây. Dự báo tình hình khó khăn này sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2022 vì vẫn chưa có phương án nào có thể giải quyết triệt để.
Cần thay đổi những gì?
Mọi sự thay đổi đều không dễ dàng, nhưng nếu chúng ta muốn có thị phần trong thị trường 3,5 tỷ EUR cà phê nhập khẩu mỗi năm thì rất cần có những chuyển dịch tích cực.
Thay đổi 1: Trồng cà phê sạch
Cà phê Việt Nam phải đủ tiêu chuẩn chất lượng, chấm dứt sản xuất lạc hậu. Hiện nay, để phòng trừ sâu bệnh hại, người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều. Tuy nhiên, các hạt cà phê bị phát hiện chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu sang EU. Để vào được thị trường châu Âu, các doanh nghiệp đều phải thay đổi cách sản xuất truyền thống lạc hậu không những năng suất thấp mà còn tác động xấu lên môi trường.
Để thay đổi điều này, đơn cử như Sở NN-PTNT Gia Lai đã chỉ đạo tuyên truyền, cho cán bộ đi kiểm tra các vườn trồng cà phê đồng thời vận động người dân sản xuất phê sạch để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng như ISO 9001, ISO 22000, VietGAP, GlobalGAP... hòng gia tăng sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, để điều này thực sự thành công, bản thân người nông dân phải tự có ý thức trách nhiệm và hiểu được tầm quan trọng của mỗi hạt cà phê sạch. Sạch về chất lượng, sạch về uy tín của cà phê Việt Nam.
Thay đổi 2: Chế biến sâu thay vì xuất khẩu thô
Xuất khẩu sản phẩm thô chiếm đa số, Việt Nam chưa tham gia được vào chế biến sâu những hạt cà phê do chính mình làm ra. Để chế biến, các đại lý, doanh nghiệp nhỏ sẽ thu gom cà phê thô rồi bán lại cho các doanh nghiệp lớn trong nước và FDI sơ chế rồi xuất khẩu nên giá trị và sản lượng chưa được tối đa hóa.
Đó là chưa kể hạt cà phê phải trải qua chuỗi cung ứng, chế biến cồng kềnh dẫn đến hao hụt chất lượng trong quá trình vận chuyển, giá thành khi đến tay người tiêu dùng bị đội lên cao, nhà sản xuất cà phê bị mất lợi nhuận vào tay đại lý.
Nếu không nhanh chóng có phương án tiến hành chế biến sâu rộng rãi hạt cà phê Việt Nam thì kim ngạch xuất khẩu cũng như thị phần của cà phê Việt vào EU sẽ đứng trước nguy cơ suy giảm mạnh, mở đường cho cà phê chế biến từ các nước khác chiếm lĩnh thị phần.
Thay đổi 3: Xây dựng thương hiệu thay vì thu gom thông qua đại lý
Thương hiệu làm nên uy tín và góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm. Hiện tại dù chất lượng và sản lượng cà phê nổi tiếng thế giới, song các thương hiệu cà phê Việt Nam vẫn còn lưa thưa và mờ nhạt.
Do các nhà sản xuất không tự tay chế biến sâu và xuất khẩu trực tiếp, cà phê chế biến chủ yếu xuất hiện dưới tên của những thương hiệu nước ngoài, các đại lý thu mua chính hạt cà phê Việt Nam và sau đó đổi tên để tiến hành xuất khẩu.
Về ngắn hạn, đây có thể là một cách nhanh và tiện. Tuy nhiên về dài hạn, cà phê Việt Nam sẽ khó tạo được danh tiếng, uy tín, thương hiệu và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với các thương hiệu cà phê nước ngoài.
Thay đổi 4: Tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng tại thị trường mục tiêu
Mỗi quốc gia có mỗi văn hóa và cách sinh hoạt khác nhau. Đồng ý chất lượng cà phê Việt Nam thuộc hàng đẳng cấp thế giới, tuy nhiên chúng ta phải cung cấp những sản phẩm đúng với nhu cầu người tiêu dùng cần thì mới có thể không ngừng mở rộng cơ hội xuất khẩu.
Người Việt Nam sinh ra và lớn lên trên vương quốc cà phê nên ưa chuộng cà phê đậm, đắng và mê đắm vị tươi của Robusta khi pha bằng phin và thêm sữa đặc. Người EU lại thích cà phê Arabica với vị nhạt hơn và chua. Cụ thể, người Hà Lan ưa chuộng các loại cà phê như đen nóng không đường, Cappuccino, Espresso hoặc Latte Machiato.
Một ví dụ nhỏ đã có thể thấy sự khác biệt giữa hai nhóm người tiêu dùng, đòi hỏi nhà sản xuất cần có cái nhìn tổng quát và nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa nếu thực sự muốn chinh phục thị trường.
Nhu cầu tìm kiếm cà phê ngon và chất lượng cao là chung ở khắp EU. Đơn cử như riêng tại Hà Lan đã tăng hơn 30% trong những năm vừa qua nếu so sánh số liệu năm 2010 khi người dân Hà Lan chi 610 triệu EUR cho việc uống cà phê tại quán với con số này năm 2020 là 800 triệu EUR, bất chấp dịch Covid-19. Vì vậy, sự thay đổi là tất yếu và cần thiết.
Tại Hà Lan 80% người tiêu dùng chọn Arabica, còn lại 20% là Robusta. Dòng cà phê hạt Colombia; hương vị việt quất, sôcôla, hạt phỉ và mận là loại và hương vị cà phê được ưa chuộng nhất tại Hà Lan với doanh thu cao nhất trong dòng cà phê nguyên hạt, đóng trong túi 500g giá khoảng 11 - 15 EUR, tương đương từ 300 - 400 nghìn đồng.