Theo chỉ số xếp hạng tỷ phú của hãng tin kinh doanh Bloomberg, triều đại sáu thế hệ- đế chế kinh doanh nông sản có bề dày 157 năm tuổi là Cargill-MacMillans đã kiếm bộn trong thời gian qua, bất chấp tình hình thế giới có nhiều bất ổn.
Cargill- MacMillans liên tục được xếp hạng trong số 25 gia tộc giàu nhất nước Mỹ nhiều chục năm qua, và hiện được Forbes liệt kê là gia tộc giàu thứ tư ở Mỹ, xếp sau các đại gia Waltons, Kochs và Mars.
Cụ thể là các thành viên của đại gia đình chuyên kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, thức ăn chăn nuôi đang sở hữu tổng giá trị khối tài sản ròng là 51,6 tỷ USD, tính đến tháng 9 năm 2021.
Với lực lượng người lao động lên đến hơn 155.000 người làm việc tại 70 quốc gia trên khắp thế giới, tổng doanh thu của Cargill trung bình hàng năm luôn đạt trên 115 tỷ USD. Đây cũng là một trong những gia tộc giàu nhất nước Mỹ.
Theo hồ sơ của Forbes công bố vào năm 2020, khoảng 90 thành viên trong gia tộc nhà Cargill đang sở hữu 88% cổ phần của tập đoàn, đưa doanh nghiệp chuyên kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và hàng nông sản trở thành một trong những công ty tư nhân hùng mạnh và có mối liên kết chặt chẽ nhất nước Mỹ.
Vào ngày 30 tháng 3, Cargill ra thông báo thu hẹp hoạt động kinh doanh tại thị trường Nga và ngừng đầu tư mới, chỉ vận hành các cơ sở sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi thiết yếu và đã ngừng đầu tư.
Đại diện tập đoàn kinh doanh nông nghiệp cho biết: “Khu vực này đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống thực phẩm toàn cầu của chúng tôi và là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng trong các mặt hàng thiết yếu như bánh mì, sữa bột cho trẻ em và ngũ cốc. Tiếp cận thực phẩm là quyền cơ bản của con người và không bao giờ được dùng làm vũ khí". Tập đoàn Cargill tuyên bố sẽ dùng "hết lợi nhuận nào từ các hoạt động thiết yếu này để dùng cho viện trợ nhân đạo".
Tuy nhiên theo các chuyên gia phân tích thị trường, kể từ khi nổ ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine thì khối tài sản của gia tộc này vẫn âm thầm tăng mạnh, bất chấp giá lương thực- thực phẩm trên khắp thế giới tăng lên mức cao kỷ lục- một xu hướng sẽ ảnh hưởng đến nhóm "những người nghèo nhất".
Xung đột gây bất ổn cùng với chỉ số lạm phát tràn lan ở nhiều nền kinh tế đang làm dấy lên những lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mới, khiến cho các “ông lớn” trong ngành nông nghiệp đã được hưởng lợi lớn.
Theo báo cáo của Bloomberg, tập đoàn Cargill Inc đã kiếm được đến 4,9 tỷ USD vào năm ngoái, mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh khác như Tyson Foods, Archer Daniels Midland và Bunge đều báo cáo kết quả kinh doanh vượt trội trong tuần này giữa lúc giá đậu nành, ngũ cốc và ngô đều tăng vọt.
Trong một diễn biến liên quan, hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ đã cắt quyền tiếp cận trang thiết bị và máy móc sản xuất phân bón của Nga và Belarus. Theo đó, các tổ chức, cá nhân người Nga và Belarus được yêu cầu phải có “giấy phép đặc biệt” mới được mua hàng hóa, linh kiện từ các nhà cung cấp của Mỹ liên quan đến các mặt hàng phân bón, van ống, ổ bi và các vật liệu, hóa chất khác...
Washington tuyên bố, các mặt hàng được sản xuất ở nước ngoài bằng các công cụ của Mỹ cũng sẽ yêu cầu giấy phép của Mỹ. Emily Kilcrease, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ, nguyên Phó đại diện Thương mại Mỹ cho biết: “Đây là bằng chứng cho thấy sự tăng cường siết chặt kiểm soát hoạt động xuất khẩu nhằm mục tiêu hạn chế hơn nữa quyền truy cập của Nga đối với tất cả các mặt hàng do Mỹ và nước ngoài sản xuất sang Nga và Belarus".
Bắt đầu từ cuối tháng 2, Mỹ đã cùng với hơn 30 quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp kiểm soát trừng phạt kinh tế đối với Nga, trong đó bao gồm lệnh hạn chế xuất khẩu một loạt các hàng hóa, phần mềm và công nghệ.