| Hotline: 0983.970.780

Các giống chè mới cần nhanh chóng nhân rộng ra sản xuất

Thứ Tư 30/05/2018 , 14:05 (GMT+7)

Hiện nay, giống chè LDP1 cho chế biến chè xanh và giống LDP2 cho chế biến chè đen đang chiếm khoảng 30% diện tích chè cả nước...

Sau hơn 10 năm thành lập và phát triển, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã tuyển chọn thêm được 11 giống chè mới trên cơ sở kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có, nâng tổng số giống chè hiện có trong sản xuất lên 21 giống, đưa diện tích áp dụng giống mới đạt gần 60% (tổng diện tích chè cả nước hiện có trên 132.000 ha), năng suất chè bình quân đạt gần 8 tấn/ha (tăng 45% so với năm 2010).

che-1151655540
Vườn thực nghiệm nghiên cứu giống chè của NOMAFSI

Hiện nay, giống chè LDP1 cho chế biến chè xanh và giống LDP2 cho chế biến chè đen đang chiếm khoảng 30% diện tích chè cả nước, tỷ lệ giống chè cũ PH1 (chế biến chè đen) giảm còn 10%, giống Trung Du địa phương chiếm tỷ lệ 7-10%, còn lại là các giống chè mới chọn tạo, giống Shan địa phương.

Các giống chè mới khuyến cáo đưa vào sản xuất (ngoài giống chủ lực LDP1) bao gồm:
 

Phân khúc chè xanh chất lượng khá, năng suất cao

Giống chè PH8: Lai giữa giống chè TRI 777 và Kim Tuyên từ năm 1998 tại Phú Hộ, được công nhận giống chè mới năm 2015.

Đặc điểm: Có khả năng thích ứng rộng trồng ở các vùng trồng chè phía Bắc nước ta. Năng suất cao, tuổi 2 đạt 4 tấn/ha, tuổi 8 đạt 17,5 tấn/ha.

Chất lượng: Sử dụng sản phẩm chính là chế biến chè xanh chất lượng cao và chè Olong.

Mức độ phổ biến: Được trồng tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang và Sơn La.

Giống chè TRI 5.0: Xử lý tia phóng xạ nguồn Co60 trên hạt chè giống TRI777 với liều xạ 5k, được công nhận giống sản xuất thử năm 2015. Khả năng sinh trưởng khỏe, sớm cho năng suất cao, ở tuổi 3 đạt 5,42 tấn/ha, đến tuổi 5 đạt 9,75 tấn/ha và ở tuổi 18 đạt 25,1 tấn/ha. Có khả năng chế biến chè xanh chất lượng tốt (có thể sử dụng chế biến chè đen). Mức độ phổ biến: Được trồng thử nghiệm ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Nghệ An.

Giống chè PH9: Lai giữa giống chè TRI 777 và Kim Tuyên từ năm 1998 tại Phú Hộ, được công nhận và cho sản xuất thử năm 2009.

Đặc điểm: Cây sinh trưởng khỏe, bật mầm sớm, búp có tuyết trung bình. Dễ giâm cành, có tỷ lệ sống và tỷ lệ xuất vườn cao. Khả năng thích ứng rộng, chịu được đất cằn cỗi, khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Tuổi 2 đã cho năng suất 3 tấn/ha đến tuổi 8 đạt tới 15,80 tấn/ha, chịu thâm canh.

Chất lượng: Chất lượng cao, làm nguyên liệu chế biến chè xanh và Olong.

Mức độ phổ biến: Được trồng tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang và Sơn La.

Giống chè LCT1: Lai giữa giống chè Shan Cù Dề Phùng và giống Trung Du chọn lọc, được công nhận sản xuất thử năm 2018.

Chất lượng: Có vị đậm, dịu, giữ được bản chất giống Shan truyền thống, thích hợp chế biến chè xanh chất lượng.

Mức độ phổ biến: Được trồng thử nghiệm ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
 

Giống cho chế biến chè xanh cao cấp

Giống chè Hương Bắc Sơn: Lai giữa giống Kim Tuyên và giống Trung Du, được công nhận giống sản xuất thử năm 2015.

Đặc điểm: Là giống sớm cho năng suất, tuổi 2 đạt 2,89 tấn/ha liên tục tăng qua các năm đến tuổi 4 đạt 5,3 tấn/ha, tuổi 6 năng suất đạt 8,32 tấn/ha. Hàm lượng tanin: 24,17%, hàm lượng đường: 3,29%, chất hòa tan: 45,06%, Cathechin: 128,4 mg/gck. Đặc biệt hàm lượng chất thơm đạt 50,24 mlKMnO4 0,1N/100gr chè khô. Gống Hương Bắc Sơn có khả năng chế biến các sản phẩm chè xanh cao cấp, chè Olong, chè xanh dẹt với điểm thử nếm chè xanh đạt 17,8 điểm, chè Olong đạt 17,3 điểm và chè xanh dẹt đạt 17,5 điểm. Là giống dễ giâm cành, có hệ số nhân giống cao ở tuổi 5 đạt trên 3 triệu hom/ha, có tỷ lệ sống trên 90% và xuất vườn trên 80%.

Giống chè VN15: Được chọn tạo bằng phương pháp chọn lọc cá thể từ tổ hợp lai giữa dòng chè Saemidori thuộc biến chủng Trung Quốc lá nhỏ có chất lượng cao nhưng khả năng chống chịu kém, với giống Cù Dề Phùng thuộc biến chủng chè Shan, có khả năng chống chịu cao nhưng chất lượng thấp, được công nhận giống sản xuất thử năm 2016.

Năng suất khá, chè 7 tuổi đạt trung bình 9,09 tấn búp/ha, năng suất bình quân 10 năm (tuổi 2-11) đạt 8,34 tấn/ha. Giống chè VN15 chế biến chè xanh có chất lượng tốt, ngoại hình đẹp, hương thơm đặc trưng, hương hoa, bền hương, vị đậm dịu có hậu, phù hợp chế biến các sản phẩm chè xanh đặc sản như chè Mao tiêm, chè Bích Loa Xuân chất lượng tốt.

Giống chè PH10: Được chọn lọc cá thể từ tập đoàn các giống chè có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam năm 2000, công nhận giống mới năm 2013. Năng suất trung bình tuổi 5 đạt 7,4 tấn/ha, chất lượng tốt, chế biến chè xanh có ngoại hình đẹp xoăn, xanh non, thoáng tuyết. Có hương thơm đặc trưng, vị đậm dịu, có hậu. Có khả năng chế biến chè Olong chất lượng cao. Mức độ phổ biến: Được trồng mở rộng tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và Lâm Đồng.
 

Một số giống cho chế biến chè đen

Ngoài các giống phổ biến PH1, LDP2, các giống mới cho chế biến chè đen có thêm:

Giống chè PH11: Được chọn lọc cá thể từ tập đoàn các giống chè có nguồn gốc Ấn Độ nhập nội vào Việt Nam năm 1996-2000, công nhận giống chính thức năm 2013. Kích thước lá lớn, búp mập, mầu xanh vàng sáng, ít lông tuyết. Chế biến chè đen cho chất lượng tốt.

Giống chè Shan Chất Tiền: Có nguồn gốc ở vùng núi phía Bắc Việt Nam (Hà Giang), được công nhận giống chính thức năm 2006. Năng suất búp trung bình 8-10 tấn/ha, một số vùng có thể đạt 15-17 tấn/ha. Khả năng chống chịu sâu bệnh và chịu rét khá. Chất lượng: Chế biến chè xanh, chè đen cho chất lượng tốt. Mức độ phổ biến: Trồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

(Theo NOMAFSI)

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.