Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay các Giáo sư trường Đại học Havard cách đây đã lâu từng nhận định rằng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chính là nông sản và ẩm thực. Tại sao lại không biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới? Câu đó còn được nói trước cả khi người Thái thường truyền thông sau này. Hiệp hội nước mắm truyền thống ra đời chính là niềm vui của cả chục triệu gia đình về một sản phẩm ẩm thực truyền thống và độc đáo…
Theo các nhà nghiên cứu, nghề nước mắm đã hình thành và phát triển trong khoảng 300 năm qua tại các làng quê ven biển của Việt Nam. Công thức ủ chượp và chưng cất khác nhau sẽ cho ra những loại nước mắm khác nhau mà mùi vị và màu sắc của chúng phụ thuộc rất lớn vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguyên liệu cá và muối… Cùng là cá đánh bắt ủ chượp trong thùng gỗ tối thiểu 9 tới 12 tháng sẽ có nước mắm nhưng ở miền Nam sẽ có mùi hương nhẹ hơn so ở miền Bắc do nhiều nắng hơn, ít mưa ẩm hơn...
Thời gian vừa qua sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt giữa nước mắm truyền thống với nước chấm công nghiệp với hàng loạt quảng cáo “bom tấn” vào các các giờ vàng trên tivi, trên các trang báo mạng, báo giấy khiến cho nhiều làng nghề nước mắm truyền thống cả nước phải lao đao, không ít gia đình phải bỏ nghề, phá sản. Sau sự kiện “truyền thông bẩn” bôi đen nước mắm truyền thống rằng chúng chứa chất độc thạch tín do VINASTAS công bố ngày 17/10/2016 các nhà sản xuất kinh doanh đã thấy rõ nhu cầu phải liên kết để cùng tồn tại nên đã thành lập Câu lạc bộ Nước mắm Truyền thống Việt Nam trực thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep). Sau đó họ đã hình thành Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam, hoạt động không biết mệt mỏi suốt mấy năm qua đến tận ngày 3/9 vừa qua mới có được giấy phép từ Bộ Nội vụ để thành lập Hiệp hội.
Dù rằng các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… cũng sản xuất nước mắm theo kiểu của riêng họ nhưng Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới về nước mắm truyền thống với công suất 170-180 triệu lít mỗi năm, tạo nên danh tiếng nhờ chất lượng khác biệt. Tuy nhiên ở thị trường nội địa nước mắm truyền thống hiện chỉ còn chiếm khoảng 30% thị phần. Bởi thế sự thành lập Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam với tổng số 117 hội viên do bà Hồ Kim Liên làm Chủ tịch là một bước tiến mới trong việc đoàn kết các hộ sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống lại để cùng tồn tại và phát triển. Nhiều thành viên trong Hiệp hội đã có những bước tiến mới khi thành công trong việc đưa nước mắm truyền thống của Việt Nam có mặt trên sàn thương mại điện tử Amazon và siêu thị ở nhiều nước quốc gia khác. Sự tồn tại ấy không phải chỉ đơn thuần vì mục tiêu kinh tế mà còn cả vì lý do văn hóa, vì niềm đam mê nghề tổ của ông cha bởi “Với mỗi người Việt, nước mắm là máu trong máu Việt Nam, là mùi vị của quê hương Việt Nam”.