| Hotline: 0983.970.780

Các nước nhỏ cầu cứu đàm phán chống biến đổi khí hậu

Thứ Năm 13/12/2018 , 10:30 (GMT+7)

Các Bộ trưởng đến từ những quốc gia đang bị nước biển cô lập và nhiệt độ tăng đe dọa hôm qua đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động quyết liệt để giải quyết những bế tắc kéo dài.

Chia rẽ gay gắt

Hãng AFP cho hay, động thái này được loan đi từ Hội nghị thượng đỉnh về biến đối khí hậu của LHQ (COP24) đang diễn ra tại thành phố Katowice của Ba Lan trong bối cảnh nhiều “cường quốc gây ô nhiễm” tiếp tục khước từ hành động vì môi trường.

Người dân châu Âu tuần hành chống biến đổi khí hậu nhân COP24

Giới quan sát cho hay, theo lịch trình, hội nghị COP24 năm nay dự kiến sẽ ​​kết thúc vào cuối tuần này, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn quá nhiều khác biệt trong việc đồng ý tiến đến thỏa thuận về một quy tắc thực hiện những cam kết tại thỏa thuận Paris năm 2015.

Trước đó, vào hôm thứ Ba, hội nghị COP24 đã chứng kiến ​​các vị Bộ trưởng trình bày kế hoạch hành động của đất nước họ, đặc biệt gây sự chú ý là những đại biểu đến từ các đảo quốc nhỏ vì những lời khẩn cầu của họ đang rơi và quên lãng. "Tất cả chúng ta cần phải hành động ngay từ bây giờ, nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng, điều này đòi hỏi một ý chí chính trị mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo của chúng tôi", ông Taneti Maamau, đại diện của hòn đảo Kiribati ở Thái Bình Dương phát biểu.

Theo Reuters, bản thỏa thuận Paris 2015 các quốc gia đã cam kết sẽ phải hạn chế mức gia nhiệt độ tăng xuống dưới 2 độ C (3,6 độ F) hoặc nỗ lực giảm xuống mức an toàn hơn là 1,5C, chừng nào có thể. Tuy nhiên, trong suốt ba năm qua, lượng khí thải nhà kính vẫn tiếp tục tăng lên và gây ra những mối quan ngại mới.

Trong khi đó, tại diễn đàn này, các cuộc đàm phán ngay sau ngày khai mạc đã gây tranh cãi om sòm khi cả bốn “ông lớn” gồm Mỹ, Ả Rập Xê út, Nga và Kuwait “chặn đứng” một đề xuất của ​​44 quốc gia nhỏ đề nghị LHQ "công nhận" một báo cáo gần đây về viễn cảnh khí hậu khắc nghiệt nhất mà nhân loại sẽ phải đối diện. Số là trước đó, một bản "báo cáo đặc biệt" được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố hồi tháng 10 kết luận rằng, lượng khí thải CO2 sẽ phải giảm 25% trong vòng 12 năm tới, xuống mức dưới 2 độ C và tiếp tục nỗ lực hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C. Đây được coi là hàng rào bảo hộ an toàn hơn chống lại tình trạng Trái đất ấm lên.

Tuy nhiên, cả bốn quốc gia nêu trên đều không đồng ý với khuyến nghị này và đề xuất IPCC chỉ đơn thuần là "ghi nhận” báo cáo, thay vì " thừa nhận" nó.  Điều này càng chứng tỏ rằng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu đang có thêm một trở ngại mới do các bất đồng trong quá trình đàm phán.
 

Ngăn chặn thảm họa được không?

Hãng AFP trưng bản tóm tắt dự thảo COP24 cho biết, một số quốc gia đã mời chào báo chí sử dụng “những thông tin" khác rất xa với những gì mà các quốc gia có nguy cơ đang yêu cầu.

Tổng thống Donald Trump, người mà hồi tháng trước từng tuyên bố, ông chẳng tin những dự đoán về biến đổi khí hậu của chính phủ Mỹ, đồng thời tái khẳng định ông sẽ từ bỏ các cam kết của thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, hiện Mỹ vẫn còn là một phần trong vấn đề khí hậu của LHQ khi các cam kết trước đây vẫn còn nguyên giá trị đến năm 2020.

Tại diễn đàn, Thủ tướng đảo quốc Cook, ông Henry Puna cáo buộc một số quốc gia "không sẵn sàng chấp nhận một thực tế khắc nghiệt được nêu trong báo cáo này". Tình hình nhạy cảm tới mức, Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres đã phải bất ngờ quay trở lại cuộc đàm phán hôm thứ Ba khi ông "lo ngại về khả năng COP24 có tiếp diễn được hay không", một nguồn tin của LHQ nói với AFP.

"Khoa học đã cung cấp những bằng chứng rõ ràng để chứng minh rằng, chúng ta có thể ngăn chặn được tình trạng thảm khốc về khí hậu và khi đạt được kịch bản “1,5 độ C cho hành tinh của chúng ta”. Tuy nhiên chúng ta cần những nhà lãnh đạo vị tha và có tầm nhìn với sự can đảm và niềm tin chính trị để cùng nhau hành động", Thủ tướng Samoa Tuilaepa Sailele Malielegaoi nói với các đại biểu .

Patricia Espinosa, giám đốc khí hậu của LHQ cho biết, hiện vẫn còn quá nhiều sự khác biệt. Phát biểu trước các Bộ trưởng trong phiên toàn thể, bà Patricia nói thêm: "Các đại biểu đều có nghĩa vụ hoàn thành những công việc được cử đến diễn đàn này.  Đây là thời gian để chúng ta thương thảo, thống nhất, và nó chỉ đạt được vì lợi ích của tất cả mọi người".

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.