| Hotline: 0983.970.780

Đẩy nhanh lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Thứ Ba 07/01/2020 , 08:53 (GMT+7)

Tỉnh Bình Thuận đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu chủ phương tiện tàu cá có thân tàu dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong thời hạn quy định.

Theo Nghị định 26 của Chính phủ, tất cả tàu thuyền dài từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, việc triển khai thiết bị giám sát hành trình tàu cá là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, cũng như tàu giã cào bay vi phạm tuyến,góp  phần khắc phục thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC).

Theo Nghị định 26 của Chính phủ, tất cả tàu thuyền dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên phải lắp trước ngày 1/7/2019.

Đối với tàu làm nghề giã cào, tàu cá đăng ký hoạt động tại vùng biển xa theo QĐ 48/2010/QĐ-TTg hoàn thành trước ngày 1/1/2020. Trong đó, riêng tàu cá làm nghề giã cào bay, câu, lặn hoạt động ở vùng biển xa phải hoàn thành trước ngày 31/10/2019. Các tàu khác phải lắp trước ngày 1/4/2020.

Tại Bình Thuận, theo kế hoạch có 1.834 tàu cá thuộc đối tượng lắp thiết bị giám sát hành trình phải hoàn thành trước ngày 1/4/2020. Tuy nhiên, tính đến 31/12/2019, tỉnh này chỉ mới lắp được 600 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đạt khoảng 30% tổng số tàu cá thuộc đối tượng phải lắp đặt. Đối với tàu cá có chiều dài 24m trở lên gồm 33 chiếc, tỉnh đã hoàn thành lắp đặt.

Ông Nguyễn Văn Chiến, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, triển khai Luật Thủy sản năm 2017, Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá từ khá sớm.

Cụ thể, tỉnh đã ban hành nhiều Chỉ thị, thông báo, kế hoạch hành động chống khai thác IUU. Giám đốc Sở NN-PTNT cũng ban hành quyết định thành lập Tổ công tác xúc tiến triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Đồng thời khảo sát, tổ chức thử nghiệm, tham mưu quy định về lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khai thác vùng biển xa và các thuyền nghề giã đôi (giã cào bay) trên địa bàn. Cũng như tổ chức hội thảo, tuyên truyền cho ngư dân về kế hoạch triển khai hệ thống giám sát tàu cá, lộ trình thực hiện và quy định xử lý theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Tuy nhiên theo ông Chiến nhìn nhận, kết quả lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu cá ngư dân còn chậm, chưa đạt yêu cầu về tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu là do, việc triển khai của tỉnh chính thức từ tháng 10/2019 đến nay, sau khi Tổng cục Thủy sản công bố thiết bị giám sát đủ điều kiện lắp đặt theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP (trước đó, chỉ thực hiện lắp đặt thử nghiệm).

Bên cạnh đó, đối với ngư dân việc gắn thiết bị phát sinh nhiều chi phí (chi phí mua máy, chi phí dịch vụ duy trì hoạt động của thiết bị) nên họ tìm cách trì hoãn việc lắp đặt. Nhất là thời điểm vụ cá Bắc hiện nay, phần lớn các tàu cá vùng khơi ít hoạt động do thời tiết xấu nên tâm lý ngư dân còn đợi đến thời hạn mới lắp đặt thiết bị. Một bộ phận ngư dân đánh bắt kém hiệu quả, nhiều tàu thua lỗ, không hoạt động nên khó khăn về kinh phí lắp đặt.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Thuận đang tập trung chỉ đạo quyết liệt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo lộ trình của Chính phủ quy định. Theo đó, tỉnh giao Sở NN- PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu chủ phương tiện tàu cá từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trong thời hạn quy định.

Đối với các trường hợp không chấp hành, Bộ đội Biên phòng kiểm tra không cho xuất bến đi khai thác; dừng thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 48/TTg; xử lý nghiêm theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Một chủ tàu cho biết, để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ngư dân phải bỏ ra từ 30 – 50 triệu đồng/tàu, chưa kể phí duy trì hoạt động hàng tháng của thiết bị. Do đó, nếu ngư dân có từ 2 tàu có chiều dài 15m trở lên, họ phải tốn gần 100 triệu đồng cho việc lắp đặt này. Vì vậy, ngư dân mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ, nhằm giảm bớt khó khăn.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.