| Hotline: 0983.970.780

Cách phòng trị ngài hút chích trái cam, quýt

Thứ Ba 25/08/2009 , 10:22 (GMT+7)

Ở đồng bằng sông Cửu Long có ít nhất 15 loài ngài chích hút gây hại trái cây được ghi nhận trên các vườn cam quýt,...

Theo các nhà chuyên môn thì ở đồng bằng sông Cửu Long có ít nhất 15 loài ngài chích hút gây hại trái cây được ghi nhận trên các vườn cam quýt, trong đó phổ biến nhất là 4 loài: Eudocima salaminia, Othreis fullonia, Ophiusa coronata và Rhytia hypermnestra.

Ngoài gây hại trực tiếp bằng cách chích hút dịch của trái làm cho trái bị khô, vết chích của chúng còn tạo ra vết thương trên trái. Những vết thương này là cửa ngõ cho nhiều loại nấm bệnh như Fusarium spp., Colletotrichum spp., Oospora citri, Oospora spp.… tấn công gây hại, làm cho trái bị thối và bị rụng rất nhanh, gây thất thu rất lớn cho nhà vườn.

Ngài gây hại chủ yếu ở giai đoạn trưởng thành (ấu trùng không gây hại). Ban ngày chúng lẩn trốn trong các lùm cây mọc hoang dại gần vườn cam quýt. Khi trời bắt đầu tối chúng bay vào vườn cây để bắt cặp và gây hại. Ban đêm rất dễ nhận diện do mắt của chúng chiếu sáng và cánh có ánh lấp lánh.

Ngoài cam quýt, ngài chích hút còn gây hại trái của nhiều loại cây ăn trái khác như: nhãn, ổi, đào, chôm chôm, xoài, khế... vì thế việc phòng trị chúng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn.

Để hạn chế tác hại của ngài chích hút, xin giới thiệu với bà con kinh nghiệm của một số nhà vườn ở vùng chuyên canh cây cam quýt của tỉnh Đồng Tháp:

- Thường xuyên vệ sinh vườn cây sạch sẽ, phát quang hết những bụi rậm, cỏ dại... để hạn chế nơi trú ẩn của con trưởng thành và nơi sinh sống của con ấu trùng.

- Từ khi trái bước vào giai đoạn da lươn trở đi, phải kiểm tra vườn cam quýt thường xuyên để kịp thời phát hiện con trưởng thành. Nếu thấy có con trưởng thành có thể dùng đèn pin hoặc đèn ác quy… soi và dùng vợt bắt vào ban đêm (từ 6 giờ tối đến 10 giờ đêm).

- Lợi dụng đặc tính của con trưởng thành là rất thích mùi hôi chua thối đặc trưng của trái cam quýt bị chúng gây hại, vì thế có thể đặt bẫy thức ăn bằng cách dùng chuối xiêm, chuối già, mít… chín nhũn. Hoặc bẫy chua ngọt với thành phần gồm có nước ép của trái khóm (dứa) chín hoặc nước rỉ đường trộn thêm 1% thuốc Dipterex đặt trong vườn cam quýt (khoảng 5-10 bẫy/ha) để dẫn dụ thu hút con trưởng thành đến tiêu diệt.

- Nếu có điều kiện, từ khi trái bước vào giai đoạn da lươn trở đi nên bao trái bằng những loại bao chuyên dùng.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.