Để rồi từ đó Hà Nội có thêm một loại cây ăn quả đặc sản mới hiệu quả kinh tế, xã hội cao, góp một phần vào tái cơ cấu nông nghiệp…
Thu hoạch thanh long |
Mục đích của Hà Nội khi xây dựng mô hình là đưa cây thanh long ruột đỏ trở thành một trong những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất đồi gò. Từng bước tạo vùng sản xuất tập trung, hướng tới xây dựng thương hiệu thanh long ruột đỏ đặc sản.
Bởi thế mà có những yêu cầu phải tuân theo như: Xây dựng mô hình tập trung, tiện cho việc tham quan học tập. Các hộ tham gia mô hình có đầy đủ đơn xin tham gia mô hình, biên bản chọn điểm, chọn hộ, có đủ điều kiện về đất đai, nhân lực và vốn đối ứng để thực hiện mô hình. Trồng đúng giống thanh long ruột đỏ Long Định 1, thực hiện theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Tổ chức mua sắm giống, vật tư theo đúng quy định hiện hành. Cán bộ chỉ đạo mô hình, trưởng nhóm hộ phải có sổ ghi nhật ký theo dõi mô hình.
Chi phí ban đầu trồng thanh long cao trong khi đó hai năm đầu hầu như không có thu hoạch, vì vậy khó khăn cho việc đối ứng của các hộ dân tham gia mô hình. Thực tế, một số nơi, một số hộ đã không thực hiện hết diện tích theo yêu cầu bởi lý do khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên những hộ khác quyết tâm đầu tư, bám trụ mô hình thì chỉ hơn hai năm sau đã cho kết quả sản xuất khả quan.
Cây thanh long ruột đỏ Long Định 1 sinh trưởng phát triển khá tốt trên vùng đất đồi gò. Bình quân mỗi tháng lên được 20 - 25cm, sau 3,5 tháng đã leo 2/3 trụ, cuối năm thứ 2 sẽ cho bói quả, cuối năm thứ 3 sẽ cho thu hoạch, năng suất đạt 15 tấn/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 20 tấn/ha.
Và điều bất ngờ là thanh long ruột đỏ trồng ở Hà Nội ăn rất ngon, rất ngọt, thậm chí hơn hẳn thanh long ruột đỏ trồng ở miền Trung, miền Nam nên được thị trường đón nhận rất nhiệt tình. Với giá bán bình quân hiện nay từ 20.000 - 25.000 đồng/kg tại vườn, sau khi trừ hết các chi phí, khấu hao 1 ha thanh long cho hiệu quả kinh tế đạt 150 - 200 triệu/năm.
Dần dần, theo thời gian, quy trình trồng và chăm sóc thanh long ruột đỏ đã được Hà Nội đúc kết, phổ biến. Là cây trồng thân mềm, phải leo nhờ vào khung cứng nên muốn trồng thanh long, công đoạn đầu tiên phải làm là thiết kế cột trụ. Cột phải sao cho thật chắc để chống gió bão nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu về kinh tế cũng như dễ làm.
Sau khi ký hợp đồng với các Trạm Khuyến nông huyện, nông dân được hướng dẫn theo đúng quy trình của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là đổ trụ theo kích thước: dài 2,1 - 2,2m, cạnh vuông 14 - 15cm. Trụ được dựng phần dưới đất từ 0,5 - 0,6m, trên mặt đất từ 1,5 - 1,6m, khoảng cách trụ dựng hàng cách hàng 3m, trụ cách trụ 3m. Phía trên đầu trụ để 2 cọng sắt dài 20 - 25cm được bẻ cong theo hai hướng chéo nhau, mục đích làm giá đỡ cho thân cây thanh long bám vào.
Xong công đoạn thiết kế vườn là công đoạn giống. Toàn bộ hom giống trước khi mang ra trồng đều phải được xử lý và giâm ra rễ đảm bảo tiêu chuẩn, cây khỏe mạnh, không sâu bệnh.
Thanh long ruột đỏ có thể trồng vào lúc thời tiết râm mát, khoảng tháng 9 - 10. Trước khi trồng tổ chức bón phân lót với số lượng: Phân chuồng hoai mục: 5kg/trụ; Phân lân supe: 0,5kg/trụ. Kỹ thuật trồng 4 hom/trụ, đặt 4 hom vào sát trụ sau đó dùng dây buộc để tránh gió làm lung lay và cho rễ bám vào trụ, trồng sâu khoảng 2 - 3cm.
Cuối tháng 10 tiến hành bón thúc lần 1 lượng bón 0,05kg đạm Ure/trụ. Cách bón: Hòa phân vào nước tưới xung quanh trụ. Đối tượng hại thanh long lúc này chủ yếu là ốc sên, nếu xuất hiện cần bắt thủ công vào lúc râm mát và buổi tối khi ốc ra ăn nhiều. Cuối tháng 11 tiến hành bón thúc lần 2 cho thanh long lượng bón 0,05kg đạm Ure/trụ cũng bằng cách hòa phân vào nước tưới xung quanh trụ.
Bình thường, hom giống sau trồng 30 - 35 ngày là bén rễ, bật mầm. Tốc độ phát triển chiều cao thân trung bình đạt 20 - 25cm/tháng. Trung bình sau 100 - 110 ngày thân thanh long vươn lên đỉnh trụ. Nếu phát hiện cây bị bệnh đốm nâu trên thân cần phải phun trừ bằng thuốc Ridomil liều lượng phun 80 - 90g/bình 16 lít.