Gia đình ông Hà Quảng Đường ở xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) có hơn 5ha cây mơ (chủ yếu là cây mơ vàng), trong đó gần một nửa đã trồng từ năm 1995. Vài năm gần đây, quả mơ được giá, mỗi vụ gia đình thu về vài trăm triệu đồng.
Ông Đường cho biết, gia đình trồng và chăm sóc cây mơ theo kinh nghiệm là chính, ngoài ra có đọc thêm hướng dẫn trên sách, báo. Vài năm gần đây, vườn mơ cũng dần già cỗi, năng suất và chất lượng quả không còn được như trước.
Theo khảo sát mới đây cho thấy tại tỉnh Bắc Kạn, phần lớn cây mơ vàng được trồng cách đây từ 20 đến 25 năm, giống không rõ nguồn gốc, chủ yếu gieo từ hạt và có nhiều chủng loại giống khác nhau.
Người trồng mơ thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mơ, ít được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới.
Hàng năm, đa số người dân không thực hiện việc tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, bón phân, tưới nước cho cây mơ theo đúng quy trình kỹ thuật.
Trong một thời gian dài, các hộ dân trồng mơ chủ yếu bằng kinh nghiệm nên thường bị sâu bệnh hại nghiêm trọng dẫn đến năng suất, chất lượng chưa cao, mẫu mã quả mơ chưa đẹp.
Đặc biệt, từ năm 2015 trở về trước, giá quả mơ thấp nên nhiều vườn mơ bị bỏ hoang, nay khi giá cao người dân cải tạo lại nhưng năng suất đạt thấp.
Trước thực trạng này, Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây (sau đây gọi tắt là Viện) đã thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ trong tuyển chọn cây ưu tú và phát triển cây mơ vàng tại tỉnh Bắc Kạn”.
Dự án này thực hiện cải tạo 31ha cây mơ vàng tại các xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới) với 15ha; xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông) 10ha; phường Xuất Hóa (Thành phố Bắc Kạn) hơn 6ha.
Tại những mô hình được cải tạo, người dân tiến hành cắt tỉa hàng năm, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại và sử dụng một số chế phẩm sản xuất an toàn theo quy trình của Viện.
Sau khi cải tạo vườn mơ, hàng năm người dân tiếp tục các biện pháp chăm sóc như bón phân, tưới nước, cắt tỉa sau thu hoạch.
Sau một thời gian thực hiện, kết quả cho thấy, mô hình cây mơ vàng được cải tạo cho năng suất vượt trội so với cây mơ không được cải tạo trong mô hình đối chứng.
Cụ thể, một cây mơ trong mô hình cải tạo đạt từ 67 đến hơn 74kg/vụ, năng suất trung bình đạt từ 13 đến 15 tấn/ha. Trong khi đó, với những diện tích không được cải tạo, mỗi cây chỉ đạt khoảng 30kg/vụ, năng suất khoảng 7 tấn/ha.
Ngoài ra, giống mơ vàng trong mô hình cải tạo có giá bán cao hơn khoảng 3.000 đồng/kg so với cây mơ không cải tạo vì quả quả to, đồng đều, mẫu mã đẹp hơn.
Tiến sỹ Ngô Hồng Bình (chủ nhiệm dự án) cho biết, từ thực tiễn triển khai cho thấy cây mơ sau cải tạo cho năng suất vượt trội so với cây mơ không được cải tạo nhờ áp dụng kỹ thuật cắt tỉa, đốn đau sau thu hoạch và chăm sóc.
Ông Đồng Phúc Toản, Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới) đánh giá, việc cải tạo cây mơ vàng đã cho năng suất cao hơn, chất lượng quả tốt, mẫu mã đẹp. Cây mơ là cây trồng chủ lực của xã, do đó kết quả từ dự án là điều kiện rất thuận lợi để địa phương tiếp tục nhân rộng cho bà con áp dụng.
Dự án cũng đã tuyển chọn được 35 cây giống mơ vàng ưu tú tại xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới. Theo kết quả theo dõi, năng suất 03 năm liên tiếp (từ 2016 - 2018) của 35 cây mơ ưu tú đạt cao và khá ổn định (năm 2016 đạt từ 60 - 85,5kg/cây; năm 2017 đạt 65,4 - 90,3kg/cây và năm 2018 đạt 80,1 - 99,3kg/cây).
Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây đã đề nghị địa phương nhân giống mơ vàng từ 35 cây ưu tú đã được dự án tuyển chọn để phục vụ sản xuất trong thời gian tới.