| Hotline: 0983.970.780

Cây mơ vàng Bắc Kạn 'hồi sinh', giúp dân thành tỷ phú

Thứ Sáu 24/02/2023 , 15:24 (GMT+7)

Cây mơ vàng ở Bắc Kạn một thời từng được ví như 'vàng xanh', nhưng rồi lụi tàn, tưởng rằng sẽ chìm vào quên lãng... Nhưng bất ngờ cây mơ lại hồi sinh mạnh mẽ.

Long đong phận cây mơ

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, cây mơ vàng được trồng nhiều ở các xã Cao Kỳ, Hòa Mục (huyện Chợ Mới); xã Đôn Phong, Dương Phong (huyện Bạch Thông); Xuất Hóa (TP Bắc Kạn) của tỉnh Bắc Kạn. Đã có thời điểm, nhà nhà trồng mơ, người người trồng mơ, cây mơ trồng gần nhà, trên nương rẫy, thậm chí trồng xuống cả ruộng, nhiều hộ phất lên nhờ loại cây này.

Nhưng thịnh vượng chẳng được bao lâu, với lối sản xuất tự phát, thiếu quy hoạch ở thời điểm bấy giờ, cây mơ dần lụi tàn. Diện tích nhiều, sản lượng lớn nhưng không có nhà máy chế biến, phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên đến đầu những năm 2000, quả mơ bán chẳng ai mua, cho không ai lấy.

z4127475814927_64b45654e570672b39c6f9bbed9d15cd

Những đồi cây mơ ngút tầm mắt tại xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới. Ảnh: Ngọc Tú.

Rồi hàng chục năm trôi qua, cây mơ dần rơi vào quên lãng, không ai nhắc, cũng chẳng ai để ý đến loại cây trồng một thời “gây bão” trên thị trường.

Trong hoài niệm của những người gắn bó với cây mơ từ thủa ban đầu, lúc đó quả mơ chín không ai hái, rụng đầy gốc, đất đai vì thế cũng bị chua, cây bị sâu bệnh hại, nhiều nông hộ chặt bỏ không thương tiếc để trồng cây khác.

Sau thời gian dài chìm vào quên lãng, năm 2015 chứng kiến cây mơ vàng ở Bắc Kạn bất ngờ hồi sinh. Ở thời điểm đó, tư thương bắt đầu trở lại thu mua quả mơ để bán về các tỉnh miền xuôi làm nguyên liệu chế biến. Nhưng lúc này diện tích trồng mơ tại tỉnh Bắc Kạn còn lại chẳng đáng là bao, chủ yếu là những vườn cây già cỗi người dân còn giữ lại.

Cây mơ chỉ thực sự hồi sinh mạnh mẽ từ năm 2017 khi nhà máy chế biến quả mơ vàng của Công ty TNHH Việt Nam Misaki ở Khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới) đi vào hoạt động. Tại đây, quả mơ được chế biến thành những mặt hàng chất lượng cao để xuất khẩu sang Nhật Bản. Cũng từ thời điểm này, quả mơ vàng trở thành mặt hàng nông sản được “săn đón” nhiều nhất tại Bắc Kạn.

Triệu phú bí ẩn trong rừng sâu

Được sự giới thiệu của lãnh đạo xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới), chúng tôi men theo con đường đất dài hàng chục cây số ngoằn ngoèo trên những đỉnh núi để đến với khu Bản Mại, đây là "thủ phủ" trồng mơ của tỉnh Bắc Kạn. Tại đây cũng có một nhân vật được gọi là “vua mơ” trên đất Cao Kỳ.

Hết đi xe, rồi lại đi bộ, chúng tôi cũng gặp được ông Hà Quảng Đường - một tỷ phú bí ẩn nơi rừng sâu. Từ vườn mơ bước ra, ông Đường phấn khởi, hồ hởi đón chúng tôi, có lẽ ở nơi rừng sâu này, rất lâu rồi không có khách ghé thăm.

2

Khu Bản Mại, "thủ phủ" trồng cây mơ vàng của tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về hành trình cây mơ vàng hồi sinh như thế nào, ông Đường miệt mài kể: Vợ chồng ông bỏ phố vào đây khai khẩn đất đai, trồng cây mơ đến nay cũng đã gần 30 năm. Nhưng cây mơ chỉ cho “trái ngọt” được vài năm đầu, sau đấy, giá bán thấp chỉ khoàng 1.000 đồng/kg, không đủ chi phí để thuê người hái, vận chuyển nên nhiều nông hộ đã chặt bỏ. Riêng ông vẫn có niềm tin một ngày cây mơ sẽ trở lại thời hoàng kim nên quyết giữ vườn, bảo vệ chăm sóc hàng chục năm mà không cho thu nhập gì.

Không chỉ giữ lại vườn mơ cũ trồng từ năm 1994, năm 2005, ông Đường còn tiếp tục trồng thêm, đến nay gia đình đã có hơn 5ha. 5 năm trở lại đây, quả mơ bán được giá, trung bình cũng từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, kỷ lục nhất có vụ bán được 13 nghìn đồng/kg.

Ông Đường nhẩm tính, mỗi ha trồng khoảng 250 cây mơ, trung bình mỗi cây thu được 80kg/vụ, những cây lớn có thể thu về cả tạ, thu nhập một năm của gia đình có thể được trên 800 triệu đồng, trừ chi phí thuê hái, chăm sóc cũng lãi hơn nửa tỷ đồng.

IMG_4640

Ông Hà Quảng Đường bên vườn mơ của gia đình. Ảnh: Ngọc Tú. 

“Vụ năm nay, một số diện tích mới trồng gần đây sẽ bắt đầu cho thu hoạch, nếu năng suất như mọi năm, gia đình có thể thu về hơn 100 tấn quả, nếu giá bán ổn định, có thể thu về tiền tỷ. Ở khu vực này, những hộ thu vài trăm triệu đồng một năm từ cây mơ là không ít”, ông Đường phấn khởi cho biết.

Chia tay chúng tôi, ông Đường không quên thông tin, năm nay, người trồng mơ ở xã Cao Kỳ rất phấn khởi khi 3 tuyến đường lâm nghiệp vào khu sản xuất đã chuẩn bị hoàn thành, khi đó chi phí vận chuyển sẽ giảm, người dân còn có lợi nhuận cao hơn nữa. Tương lai gần sẽ còn có thêm nhiều hộ giàu lên từ cây mơ.

Bản người Dao phất lên như "diều gặp gió"

Sự hồi sinh của cây mơ, cũng là con đường để nhiều bản làng xa xôi ở tỉnh Bắc Kạn vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo đói. Trong đó, thôn Nà Nguộc, xã Cao Kỳ (Chợ Mới) là ví dụ sống động nhất.

Cách xa trung tâm xã, đường sá đi lại khó khăn, chỉ cách đây chưa đầy chục năm, Nà Nguộc vẫn là một trong những thôn nghèo, khó khăn nhất của xã Cao Kỳ, người dân ít ruộng, đời sống luẩn quẩn trong thiếu thốn.

z4127472478328_1c89f6b6f2723bac109f369ef76dba73

Những ngôi nhà tiền tỷ ngày càng nhiều ở Nà Nguộc. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nhưng từ khi quả mơ được giá, chỉ hơn 5 năm trở lại đây, Nà Nguộc đã “lột xác” hoàn toàn, bản làng đã khang trang, nhà xây mọc lên như "nấm sau mưa".

Anh Đặng Phúc Thanh, Trưởng thôn Nà Nguộc cho biết, thôn có 72 hộ thì số hộ có nhà xây kiên cố chiếm đến gần 70%, nhiều hộ xây nhà hai, ba tầng, chi phí hàng tỷ đồng. Toàn bộ các hộ trong thôn là người dân tộc Dao, nhờ trồng cây mơ nhiều hộ đã phất lên thoát nghèo, làm giàu nhanh chóng.

“Thôn có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn nên trong số 72 hộ thì có đến 90% trồng cây mơ, hầu hết đã cho thu hoạch, hộ ít năm thu vài chục triệu, hộ nhiều vài trăm triệu đồng. Đây là nguồn thu rất lớn đối với người dân ở bản vùng cao như Nà Nguộc”, anh Thanh thông tin thêm.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Đặng Phúc Thanh, làm công an viên của thôn Nà Nguộc. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng khang trang xây năm 2018, anh Thanh cho biết, gia đình có 2ha cây mơ, trong đó có 1,5ha đã cho thu hoạch nhiều năm nay, mỗi vụ cũng thu được khoảng 20 tấn quả, đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng.

“Khoảng 5 năm trở lại đây, giá thu mua quả mơ khá cao nên gia đình và các hộ trong thôn có thu nhập ổn định, đời sống vật chất tinh thần được nâng lên rõ rệt. Hiện nay đường giao thông đến thôn cũng tốt hơn trước nên hàng hóa lưu thông thuận lợi, bản làng thay đổi nhanh chóng”, anh Thanh phấn khởi.

z4127506784772_b9044436792a03a36ced0504b4d0ac55

Ngôi nhà tiền tỷ của anh Đặng Phúc Thanh. Ảnh Ngọc Tú. 

Ông Đồng Phúc Toản, Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ thông tin, hiện nay xã có 327ha cây mơ, diện tích đã cho thu hoạch trên 200ha. Tại những thôn như Nà Nguộc, Hua Phai, Chộc Toòng, Tổng Tàng, Bản Phố, Nà Cà 1, cây mơ đã trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân làm giàu. Nhờ có những cánh rừng mơ bạt ngàn, vào mùa nở hoa rất đẹp nên xã cũng đang có kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch tại địa phương.

Box

"Hiện nay trên địa bàn huyện Chợ Mới đã có nhà máy chế biến quả mơ để xuất khẩu sang Nhật Bản, trên địa bàn xã cũng có thêm 2 hợp tác xã chuyên thu mua, chế biến quả mơ. Đây là điều kiện rất tốt để đảm bảo giá bán quả mơ ổn định cũng như để xã tiếp tục mở rộng diện tích loại cây trồng này trong những năm tới”, ông Toản cho biết thêm.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.