| Hotline: 0983.970.780

Cải tạo đất hay chôn lấp chất thải trái phép, gây ô nhiễm môi trường?

Thứ Sáu 09/09/2016 , 14:41 (GMT+7)

Hàng nghìn tấn dung dịch dạng lỏng được gọi là phân bón tập kết tại khu vực xóm Phỉnh, xã Phượng Tiến (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đang bị người dân tố là nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường tại đây. Đơn vị sử dụng dung dịch khẳng định là phân bón...

* Nghi vấn hàng ngàn tấn "phân bón dạng lỏng" của MiWon là chất thải

 

Đơn vị sử dụng dung dịch khẳng định là phân bón nhằm cải tạo đất và chưa hề phát tán ra ngoài nhưng dư luận đặt nghi vấn về việc chôn lấp chất thải trái phép.

 

Người dân lo lắng vì ô nhiễm

Sau cơn mưa lớn ngày 20/6, ông Nguyễn Văn Khu (xóm Phỉnh, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa) bàng hoàng phát hiện nước trong 2 ao cá của gia đình mình bỗng chuyển sang màu nâu đen, mặt nước nổi váng và bốc mùi hôi rất khó chịu. Toàn bộ số cá trong 2 ao (diện tích khoảng 7 sào) bị chết nổi hàng loạt. Số lượng cá chết khoảng trên 400kg, ước tính thiệt hại trên 20 triệu đồng. Ngoài ra, đàn vịt 70 con chăn thả trong ao cũng bị chết dần, số còn lại có dấu hiệu lờ đờ, xù lông, bỏ ăn.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, ông Khu đã trình báo với chính quyền địa phương đến lập biên bản sự việc. Ông Khu cho biết, tôi đào ao thả cá hơn chục năm nay, đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt mà chưa rõ nguyên nhân.

Vài ngày sau, tại ao cá của gia đình ông Nguyễn Văn Tự (là hàng xóm của gia đình ông Khu) cũng xảy ra hiện tượng nước ao chuyển màu nâu đen, nổi váng và bốc mùi hôi thối khiến cá chết hàng loạt. Số lượng cá chết khoảng 50kg, ước tính thiệt hại trên 3 triệu đồng. Theo người dân, thời gian gần đây, giếng nước của 2 gia đình bỗng chuyển sang màu nâu đen khác thường, khi sử dụng thấy có mùi hôi rất khó chịu. Mặc dù rất lo lắng nhưng cả 2 gia đình vẫn phải sử dụng nước giếng để sinh hoạt vì không có nguồn nước nào khác.


Khu vực chứa nước thải

 

Gia đình ông Khu và ông Tự nằm cách 100m so với khu đất của Dự án Xây dựng trang trại chăn nuôi phát triển bò sinh sản và bò thịt cao sản chất lượng cao do Cty CP Nam Việt (có trụ sở tại thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) làm chủ đầu tư. Đây là dự án duy nhất nằm trên địa bàn xã Phương Tiến.

Theo phản ánh của các hộ dân, từ khoảng tháng 1/2016 đến nay, Cty CP Nam Việt thường xuyên dùng các xe bồn chở một lượng lớn chất lỏng màu đen có mùi hôi thối đến đổ trên những quả đồi nằm trong khu đất dự án. Sau mỗi trận mưa, nước thải từ trên các quả đồi chảy lênh láng khắp nơi. Người dân cho rằng, đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm nguồn nước và cá chết hàng loạt tại gia đình ông Khu và ông Tự.

 

Nghi vấn

Tại khu vực mặt bằng của Cty CP Nam Việt, dự án đang trong quá trình san lấp mặt bằng, xây dựng chuồng trại. Toàn bộ khu đất rộng hàng chục ha đã được xây tường rào bao quanh với cánh cổng sắt luôn khóa và có người canh gác 24/24 giờ, không cho phép người lạ vào bên trong.

PV theo chân một người dẫn đường, men theo sườn núi để vào bên trong khu đất của dự án. Tại đây, có 3 ao chứa chất thải dạng lỏng màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc nằm trên đỉnh các quả đồi. Mỗi ao chứa nước thải có diện tích khoảng 100 - 250m2, độ sâu khoảng 1m. Người dẫn đường cho biết, trước đây có rất nhiều ao chứa nước thải như trên, nhưng thời gian gần đây Cty đã cho máy múc vào lấp hết các ao và thường tập kết chất lỏng vào ban đêm.

Làm việc với chúng tôi, ông Hà Văn An (Giám đốc Cty CP Nam Việt) cho biết, dự án đang trong quá trình xây dựng nên chưa phát sinh chất thải. Số chất lỏng trong các ao chứa nằm trong khu đất của dự án là do đơn vị mua của Cty TNHH MiWon Việt Nam (TP Việt Trì, Phú Thọ) để làm phân bón cải tạo đất trồng cỏ nuôi bò.

Để chứng minh, ông An đưa ra bản hợp đồng mua bán sản phẩm giữa 2 Cty ký kết ngày 2/1/2016. Theo bản hợp đồng này, từ tháng 1 đến tháng 8/2016, Cty Cổ phần Nam Việt đã mua của Cty TNHH MiWon Việt Nam trên 2.000m3 chất lỏng được gọi là phân hữu cơ MV-L (tương đương khoảng 2.600 tấn) để sử dụng làm phân bón. Theo điều khoản thì Cty MiWon sẽ giao phân hữu cơ MV-L bằng xe xi téc; Cty CP Nam Việt phải tự xây bể chứa hoặc xi téc, chịu trách nhiệm đường đi vào bể. Giá bán là 100.000 đồng/khối.

Bản hợp đồng này cũng ghi rõ: “Trong quá trình tiêu thụ và sử dụng sản phẩm nếu khách hàng (Cty CP Nam Việt) để xảy ra ô nhiễm môi trường và có khiếu kiện tới chính quyền hoặc lên báo chí mà không tự giải quyết được buộc MiWon phải giải trình, hoặc phải bồi thường thì khách hàng sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ nào…”. Ông An cho biết thêm: “Chúng tôi mua loại phân bón này với giá rẻ như cho, thậm chí có xe họ còn không lấy tiền”.

Trước sự việc nêu trên, dư luận địa phương đang đặt nghi vấn: Phải chăng Cty CP Nam Việt đang mượn lý do bón phân cải tạo đất để chôn lấp chất thải công nghiệp trái phép cho Cty TNHH MiWon Việt Nam?

08-28-52_3
Ao cá nơi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt vào ngày 20/6

 

Những nghi vấn của người dân không phải là không có cơ sở khi cách đây không lâu (vào tháng 12/2014), các cơ quan báo chí đã “phanh phui” sự việc Cty TNHH MiWon Việt Nam sử dụng chiêu bài “tặng” phân bón cho người dân ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái… để tẩu tán chất thải. Sau đó, công ty này đã bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) xử phạt 515 triệu đồng vì vi phạm Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ về lĩnh vực bảo vệ môi trường…

 

Cơ quan chức năng lên tiếng

Ông Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết, huyện đã nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường tại xóm Phỉnh, xã Phượng Tiến. Tuy nhiên, do sự việc vượt quá thẩm quyền nên UBND huyện đã có văn bản đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp xử lý.

Ngày 4/7, Đoàn công tác của Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN-MT) cùng với Phòng TN-MT huyện Định Hóa đã tiến hành kiểm tra thực tế tại khu vực xóm Phỉnh.

Qua kiểm tra, đoàn đã ghi nhận có hiện tượng ô nhiễm môi trường như phản ánh của người dân. Đoàn đã lấy 1 mẫu nước tại hồ chứa nước thải của Cty CP Nam Việt để mang đi phân tích. Kết quả cho thấy các chỉ số: “Độ màu vượt 563 lần (84460 pt/Co); BOD5 (lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ) vượt 826 lần (41.300 mg/l); COD (nhu cầu ôxy hóa sinh học) vượt 690,6 lần (103.600 mg/l); TSS (tổng chất rắn lơ lửng) vượt 34,01 lần (3.401 mg/l) so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp”.

Ông Lê Hải Bằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường nhận định, với các chỉ số nêu trên, nếu chất lỏng này phát tán ra môi trường sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy và ô nhiễm chất hữu cơ nghiêm trọng đối với môi trường sống, đặc biệt là đối với những sinh vật thủy sinh… Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện dự án của Cty CP Nam Việt dù đã đi vào hoạt động từ tháng 1/2015 nhưng chưa thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định.

Ông Hà Văn An (Giám đốc Cty CP Nam Việt) khẳng định, chắc chắn đơn vị không để rò rỉ chất lỏng ra ngoài môi trường. Các ao chứa dung dịch lỏng của đơn vị còn nằm thấp hơn ao của người dân thì làm sao có thể phát tán ngược được? Nếu có kết luận chính xác về hậu quả do ô nhiễm môi trường mà phía Cty gây ra thì công ty sẽ bồi thường toàn bộ cho người dân.

Ông Nguyễn Việt Anh, Chánh Thanh tra Sở TN-MT cho biết, đơn vị đang phối hợp Cảnh sát Môi trường điều tra, làm rõ những phản ánh của người dân liên quan đến vấn đề môi trường tại xóm Phỉnh, xã Phượng Tiến (Định Hóa). Cơ quan cũng đã đề nghị Sở TN-MT tỉnh Phú Thọ cung cấp thông tin về việc sau khi được Cục Trồng trọt cấp giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác, Cty MiWon Việt Nam đã lắp dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón khác từ sản phẩm phụ của quá trình sản xuất mì chính chưa? Hiện nay, MiWon đã sản xuất được sản phẩm phân bón đạt tiêu chuẩn ghi trong giấy phép chưa? Trước và sau khi được cấp giấy phép sản xuất phân bón, MiWon đã lần nào bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về việc đưa dung dịch dạng lỏng chưa được chế biến thành sản phẩm phân bón đạt tiêu chuẩn ra ngoài công ty hay chưa?

"Sau khi có kết quả điều tra, nếu phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định", ông Việt Anh cho biết.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.