| Hotline: 0983.970.780

Cấm cửa rừng, Sơn Hồng đói

Thứ Tư 14/03/2012 , 09:40 (GMT+7)

Mấy ngày qua, dư luận cả nước xôn xao về vụ phá rừng tàn khốc ở xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn. Hiện có một chuyện thời sự chẳng kém gì, dân Sơn Hồng đang kêu đói.

Mấy ngày qua, dư luận cả nước xôn xao về vụ phá rừng tàn khốc ở xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Với trên 300m3 gỗ phát hiện, thu giữ, đằng sau đó là hàng ngàn, hàng vạn cây rừng cổ thụ bị đốn hạ không thương tiếc. Nhưng hiện có một chuyện thời sự chẳng kém gì, dân Sơn Hồng đang kêu đói.

>> Tan nát rừng đầu nguồn Sơn Hồng
>> Đằng sau vụ phá rừng tàn khốc ở Hà Tĩnh
>> Đối mặt đói tháng ba

Chạy ăn từng bữa

Bao đời nay người dân Sơn Hồng sống chủ yếu dựa vào rừng bởi đất SX nông nghiệp ít ỏi, cằn cỗi nên đời sống luôn thiếu thốn trăm bề. Đã thế, đầu năm 2011, Hà Tĩnh đề ra chủ trương đóng cửa rừng, tạm dừng khai thác gỗ để bán đấu giá cây rừng, nên hàng trăm hộ dân ở xã này phải đối mặt với tình trạng thiếu đói, nhất là vào thời điểm giáp hạt hiện nay. Bài toán tạo công ăn việc làm gắn với việc bảo vệ rừng là một thách thức lớn của Sơn Hồng lúc này. 

Đã gần một năm nay người dân xóm 14, 15 xã Sơn Hồng đối mặt cái đói

Sơn Hồng có trên 1.000 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu chủ yếu sống dựa vào hơn 17 nghìn ha rừng. Trước đây, đa phần đàn ông trong xã theo nhau vào rừng chặt gỗ thuê cho lâm trường nuôi sống gia đình. Thế nhưng kể từ khi Cty TNHH 1TV LN và DV Hương Sơn (Lâm trường Hương Sơn trước đây, nay dân vẫn quen gọi lâm trường) bị tạm ngưng khai thác đến nay cuộc sống người dân hết sức bấn túng. Ông Đoàn Anh Thân, Chủ tịch UBND xã buồn rầu: “Thật ngược đời, bây giờ đàn ông trong xã ngồi ở nhà xúm nhau uống rượu còn phụ nữ lại thay chồng lên rừng hái lượm kiếm sống. Với đà này chắc chắn cái đói, cái nghèo còn đèo bòng mãi”.

Cũng theo ông Thân, toàn xã có 197 ha đất SXNN, trong đó chỉ có 60 ha đất SX được 1 vụ lúa, số diện tích còn lại chủ yếu là đất hoang hóa nông dân tận dụng trồng khoai sắn. Không còn dựa vào rừng, với chỉ chừng ấy đất, nếu nhà nước không đầu tư dự án tạo việc làm cho dân Sơn Hồng thì cuộc sống ngày càng khó khăn, an ninh biên giới ngày một phức tạp.

Đầu năm 2011 đến nay, lâm trường bị tạm đóng cửa rừng không khai thác gỗ để chờ bán đấu giá cây rừng, lực lượng công nhân đóng trên địa bàn cũng như người dân quanh vùng chưa tìm được cho mình một nghề gì, cuộc sống rất khốn đốn. 

Trước mắt chúng tôi là túp lều mà vợ chồng anh Võ Đình Đồng ở xóm 15 tá túc xiêu vẹo nguy cơ đổ sụp bất kể lúc nào. Anh nói trong ngậm ngùi: “Sau khi lâm trường tạm đình chỉ khai thác gia đình tui chẳng biết làm chi ăn, đất đai thì không có, chăn nuôi lại càng không thể bởi đào đâu ra vốn". Được biết, năm 2006, theo chủ trương giãn dân của huyện, xã, vợ chồng anh Đồng bồng bế 3 đứa con về tá túc đây, cả hai vợ chồng tự dựng lên túp lều để sống. “Thời bấy giờ huyện, xã hứa vô đây xã sẽ giao đất, giao rừng, hỗ trợ thêm tiền để phát triển kinh tế, nhưng rốt cuộc đất SXNN không có, rừng chẳng được giao, tiền hỗ trợ cũng chẳng thấy, vợ chồng sống trong cảnh bấn túng, nhiều khi tui phải chấp nhận lên rừng chặt gỗ thuê trái phép để có tiền nuôi các con ăn học”. 

Lo lắng nhất hiện nay của vợ chồng anh chị Đồng - Nga và bà Hương là kiếm tiền mua  gạo, chống chọi với cái đói giáp hạt

Rời gia đình anh Đồng, chúng tôi tìm đến gia đình bà Ngô Thị Hương ở cùng xóm. Bà Hương năm nay đã 66 tuổi nhưng hàng ngày phải đi cắt cỏ thuê cho hàng xóm kiếm sống. Ngoài ra bà còn phải nuôi thêm đứa cháu đang học mẫu giáo giúp đứa con trai khốn khó. Bà Hương kể: Trước đây thằng Nhu (con trai bà) ở nhà làm gỗ cho lâm trường nhưng từ đầu năm 2011, tỉnh, huyện cấm triệt khai thác rừng nên nó không có việc làm phải đi làm thuê cho người khác, thu nhập hàng tháng không đủ mua gạo nên vợ chồng chúng nó dắt díu đưa 3 đứa con vào miền Nam làm thuê. Một mình tui ở nhà nuôi đứa cháu đang học mẫu giáo, mặc dù có chút tiền trợ cấp của nhà nước nhưng tháng nào cũng phải chi mất 550.000đ tiền học và tiền nhờ người đưa đón cháu, khó khăn cực khổ lắm các cô, các chú ạ. Bên nồi cơm nguội, rơm rớm nước mắt, bà Hương kể: Gần như tháng nào bà cháu tui cũng phải đi mua nợ hoặc đi vay gạo của hàng xóm, bữa đói bữa no, nhiều khi cháu nó bảo “cháu thèm miếng thịt mỡ lắm bà ạ”, lòng tui quặn lại, thương cháu, muốn có miếng ăn đủ chất cho cháu nhưng biết làm răng khi đang phải chạy ăn từng bữa.

Ngoài gia đình anh Đồng, bà Hương, hơn 46 hộ dân 2 xóm 14, 15 hoàn toàn sống dựa vào rừng đều chung cảnh ngộ tương tự.

Theo Chủ tịch xã này: Mặc dù chính quyền tỉnh, huyện đã ưu tiên trợ cấp gạo cứu đói cho bà con trước và trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Thìn nhưng số gạo ấy chỉ như muối bỏ biển. Trong thời điểm giáp hạt hiện nay, có đến hơn 30% dân số toàn xã tương đương gần 1.000 nhân khẩu, đang phải đối mặt với cái đói nguy cơ kéo dài dài.

Tính đến thời điểm hiện tại cả xã có đến gần 60% hộ nghèo, cận nghèo trong đó có hơn 30% hộ đói, chạy ăn từng bữa. Trong lúc đó nguồn lực để thay đổi nghề nghiệp, đầu tư SX, chăn nuôi của người dân hoàn toàn không có. 

Ngoài mấy cái cột nhà đã bị mối mọt đục khoét, trong nhà bà Hương chẳng có một vật dụng nào đáng giá 50 nghìn đồng

Cần để dân sống gắn với rừng

Rời Sơn Hồng, phía sau cả một đống gỗ khai thác khổng lồ chồng chất chứng minh nạn phá rừng tồi tệ được các lực lượng chức năng thu gom về để xử lý. Chúng tôi không thể không đặt câu hỏi, nếu Nhà nước quan tâm đầu tư các dự án để dân sống gắn với rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi… cho các xã miền núi như Sơn Hồng, chắc chắn sẽ bớt cảnh dân vào phá rừng bừa bãi.

Chị Mai Thị Huyền, xóm 8 nói: “Hầu hết dân Sơn Hồng chúng tôi đều di cư từ các địa phương khác lên đây xây dựng kinh tế mới, nay rừng bị cấm nên chúng tôi chỉ mong Chính phủ, tỉnh, huyện tạo cơ chế chính sách giúp dân có đất có vốn để phát triển trồng rừng, chăn nuôi và tìm đầu ra sau khi làm ra sản phẩm. Có như thế thì dân chúng tôi mới ổn định được cuộc sống”. 

Nông dân Ngô Thị Hương thì mong muốn Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân để con em họ ổn định cuộc sống ngay trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong khu vực.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất hiện nay là cần có các dự án đầu tư tạo việc làm để người dân Sơn Hồng thay đổi tư duy, nhận thức trong cách làm ăn mới. Có như vậy người dân mới không phụ thuộc vào rừng quá nhiều như hiện nay”. Theo ông Trinh, khó khăn của địa phương là vấn đề định hướng và đào tạo nghề cho số lao động dôi dư thiếu việc làm. Đặc biệt, mùa giáp hạt này còn kéo dài, nông dân Sơn Hồng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Vì thế huyện cũng đang tích cực tìm phương án hỗ trợ giúp dân, bên cạnh đó cũng mong nhà nước giúp huyện để tháo gỡ khó khăn trước mắt và lâu dài giúp dân Sơn Hồng ổn định cuộc sống.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm