| Hotline: 0983.970.780

'Cầm tay chỉ việc', giúp nông dân nâng thu nhập từ cây ổi

Thứ Bảy 25/09/2021 , 17:39 (GMT+7)

HƯNG YÊN Từ khi có cán bộ khuyến nông đến 'cầm tay chỉ việc', người dân mới áp dụng nhiều quy trình kỹ thuật một cách bài bản, nâng thu nhập lên cao từ cây ổi.

Thực hiện Đề án Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa cây cảnh hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã trình diễn thành công nhiều mô hình VietGAP trên cây ăn quả, đạt giá trị gia tăng cao. Trong đó có mô hình thâm canh cây ổi ở các xã Hoàn Long, Yên Hòa (huyện Yên Mỹ).

Ổi Lê Đài Loan trồng ở xã Hoàn Long, Hưng Yên. Ảnh: Hải Tiến.

Ổi Lê Đài Loan trồng ở xã Hoàn Long, Hưng Yên. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Nguyễn Văn Quát ở thôn Hòa Mục, xã Hoàn Long cho hay: Gia đình trồng ổi từ năm 2013, trước đây theo cách làm cũ, sản lượng chỉ đạt hơn 7 tấn quả/ha/năm. Từ năm 2020 đến nay, nhờ sản xuất theo kỹ thuật của khuyến nông tỉnh, lượng quả thu hoạch đạt gần đôi (13,5 tấn/ha/năm), lượng thuốc trừ sâu cũng giảm ngót một nửa. Dự tính trong năm nay, 0,5ha của ông Quát sẽ cho thu khoảng 150 triệu đồng, tăng thêm 60 triệu đồng so với kỹ thuật canh tác cũ.

Ông Lê Văn Thanh (hộ tham gia mô hình) ở thôn Thái Hòa, xã Yên Hòa khẳng định: "Nhà tôi chỉ có 0,4ha ổi VietGAP, nhưng chắc chắn thu nhập sẽ đạt từ 150 triệu đồng trở lên. Vì tôi còn được thu thêm cây dược liệu (địa liền) xen canh dưới tán ổi".

Theo ông Thanh: Cây ổi sinh trưởng phát triển khỏe như cây táo. Nhưng sản lượng cho thu hoạch cao gấp 4 - 5 lần cây táo. Cây ổi sau trồng 10 tháng đã cho quả, thời gian cho cho quả có thể kéo dài suốt năm.

Ông Ngô Văn Tuynh, Chủ tịch UBND xã Hoàn Long cho biết: Là địa phương trồng ổi trọng điểm của tỉnh, bình quân mỗi năm nông dân trong xã xuất bán ra thị trường gần 6.000 tấn ổi tươi các loại, thu nhập 220 triệu đồng/ha canh tác. Nếu thâm canh ổi theo mô hình khuyến nông, thu nhập gia tăng lên gần 290 triệu đồng/ha canh tác.

Vì ổi là loại quả dùng ăn tươi trực tiếp, nên từ nhiều năm qua, nông dân xã Hoàn Long đã rất coi trọng sản xuất theo hướng VietGAP, nhưng chủ yếu vẫn là "học lỏm", chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của giống cây trồng này. "Chỉ từ khi có cán bộ khuyến nông đến cầm tay chỉ việc, người dân các thôn chúng tôi mới có thu nhập gia tăng ấn tượng từ cây ổi”, Tuynh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Quát trong niềm vui được mùa ổi khi tham gia mô hình khuyến nông. Ảnh: H.Tiến.

Ông Nguyễn Văn Quát trong niềm vui được mùa ổi khi tham gia mô hình khuyến nông. Ảnh: H.Tiến.

Đặc biệt, ổi rất ít bị sâu bệnh hại. Đối tượng nguy hiểm nhất là ruồi vàng đục quả, thì nay quả đã được bao trong túi nilon và lưới xốp từ khi bằng đầu ngón tay nên ruồi vàng không thể gây hại. Các đối tượng khác như rệp muội, sâu ăn lá rất dễ phòng trừ bằng thuốc BVTV ít độc hại, phân giải nhanh.

Kỹ thuật thâm canh ổi lê Đài Loan theo Khuyến nông Hưng Yên là: Trồng mật độ dày (90 cây/sào). Từ sau năm thứ 3 trở đi, cách một cây chặt bỏ một cây. Lấy quả đến năm thứ 6 thì thay cây, trồng mới hoàn toàn. Cách làm này, cây trồng ở cuối năm thứ nhất đã cho khai thác quả kinh doanh cao.

Để vườn ổi đạt năng suất cao, cần điều chỉnh cây ra hoa đậu quả theo ý muốn, bao gồm: Thường xuyên cắt bỏ các cành tăm, cành vượt, cành gầm, cành sâu bệnh và những cành vô hiệu khác. Đồng thời cắt ngắn bớt các ngọn cây, ngọn cành, kích cho cây ra nhiều nhánh, nhiều hoa, nhiều quả. Kết hợp tạo tán cho cây phát triển cân đối, cao vừa tầm tay thu hái.

Tùy thực tế phát triển của mỗi cây mà khai thác sản lượng quả hợp lý. Cây sinh trưởng trung bình năm thứ 2 có thế lấy 50 - 60 quả; năm 3 lấy 80 - 100 quả. Từ năm thứ 4 trở đi lấy khoảng 150 quả. Cần tỉa bỏ sớm các quả quá nhỏ, quả sâu vẹo. Tỉa bớt số quả trên chùm sinh đôi, sinh 3, quả đậu quá nhiều trên cùng một cành.

Giống ổi lê Đài Loan luôn cho quả to, ít hạt, cùi dày, ngọt thơm. Ảnh: H.Tiến.

Giống ổi lê Đài Loan luôn cho quả to, ít hạt, cùi dày, ngọt thơm. Ảnh: H.Tiến.

Trong năm, chỉ nên lấy quả từ tháng 8 đến tháng 4 (âm lịch) năm sau. Không lấy quả vào tháng 5; 6 và 7. Vì đây là các tháng mùa mưa, ổi ăn kém ngọt và trùng với mùa thu hoạch nhãn, vải, xoài... nên ổi sẽ khó bán được giá cao.

Phân bón cho cây ổi: Nên ưu tiên dùng phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh, kết hợp với NPK, tùy loại. Chú ý bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất cho từng đối tượng cây trồng, tùy theo độ màu mỡ của đất canh tác, tùy thực tế sinh trưởng của vườn cây, và tùy theo sản lượng quả lấy đi trên cây.

Được biết, bên cạnh triển khai 60ha mô hình VietGAP trên cây ổi và cây nhãn ở các huyện Khoái Châu và Yên Mỹ, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên còn tổ chức được 30 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong tỉnh. 

Ngoài trình diễn mô hình VietGAP trên cây ăn quả, thời gian qua, Khuyến nông Hưng Yên còn phối hợp với chính quyền địa phương cấp “thẻ xanh” và ưu tiên vacxin phòng Covid-19 cho thương lái bao tiêu nông sản trên địa bàn.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.