| Hotline: 0983.970.780

Cẩm Xuyên - làng biến thành sông

Thứ Tư 20/10/2010 , 22:50 (GMT+7)

Tại thôn Tây Thành, một bà cụ xấu số chết đã 3 ngày qua. Nước ngập tứ bề, người nhà đành phải lượm xác vào hòm rồi gác lên nhà, chờ nước rút nhưng càng chờ nước lại càng lên...

* Hồ chứa liên tục xả nước

Mưa lớn kéo dài liên tục, cộng với việc xả lũ hồ Kẻ Gỗ và hồ sông Rác đã biến cả huyện Cẩm Xuyên thành sông. Hàng ngàn ngôi nhà ngập chìm đến mái; dân tình khốn khổ cơ hàn...

Người dân Tân Cần (Cẩm Thành) sơ tán lợn khỏi vùng lũ.

Đến hết ngày 20/10, nước Kẻ Gỗ vẫn xả đều đặn 430 m3/giây nên lũ ở Cẩm Xuyên vẫn không hề giảm. Trên 11.500 hộ dân với 42.000 nhân khẩu ở 156 thôn của 23/27 xã, thị trấn bị ngập lụt, trong đó có 6 xã bị chia cắt hoàn toàn; 7.500 hộ phải di dời... 

Một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ này là xã Cẩm Thành. Đến ngày 20/10, nước lũ vẫn ngập sâu hàng mét; nhiều xóm ngập chìm trong bao la biển nước. Thôn Vĩnh Cần, Tân Cần, Tây Thành... bị chia cắt hoàn toàn. Ông Nguyễn Minh Tiến, 73 tuổi ở thôn Vĩnh Cần vừa từ thuyền bước xuống, hổn hển: “Mất hết rồi chú ơi. Trâu bò, gà lợn, lúa gạo, đồ đạc trôi sạch rồi!”.

Xã Cẩm Mỹ chìm trong lũ.

Anh Thành, một người dân xóm Vĩnh Cần cho biết: “Cứ nghĩ lũ nhỏ nên thóc lúa, lợn gà chỉ đem kê trong nhà chứ không chuyển đi nơi khác. Đến khi lũ lên cao quá thì không cách gì chuyển kịp. Đành phải bỏ của chạy người thôi. Nhà tôi trôi mất mấy con lợn, trong đó có con đến trên 1 tạ. Nhiều nhà trong xóm có những con trâu mộng có giá từ 17-20 triệu đồng mà không cách gì cứu nổi, đành nuốt nước mắt thả cho trâu bơi giữa lũ”.

Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Huyên cho biết: Cơn lũ lịch sử kéo dài mấy ngày qua đã gây thiệt hại cho Cẩm Xuyên ít nhất trên 85 tỷ đồng.

Sáng 20/10, trên tuyến đường nhựa nối từ thôn Tân Cần, Vĩnh Cần, Tây Thành ra quốc lộ 1A, người dân vẫn đang nhốn nháo chạy lũ. Một người phụ nữ trạc 50 tuổi khóc đứng khóc ngồi khi biết bà chị gái bị kẹt trên nóc nhà từ tối qua đến nay vẫn chưa ra được. Mỗi khi có thuyền từ vùng lũ cập bến, bà lại nóng ruột chạy ra ngó quanh nhưng đều thất vọng vì không thấy chị. Tại thôn Tây Thành, một bà cụ xấu số chết đã 3 ngày qua. Nước ngập tứ bề, người nhà đành phải lượm xác vào hòm rồi gác lên nhà, chờ nước rút nhưng càng chờ nước lại càng lên...

Cũng trong tình cảnh này, Cẩm Duệ có hai trường hợp bị chết, chờ đến 3 ngày nước vẫn không rút nên chính quyền và nhân dân đành đưa thi thể vào táng nhờ ở một xã khác. Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, ông Hà Huy Triền cho biết: “Nhân dân không nghĩ sẽ có cơn lũ lớn như thế này, vì vậy nên khi lũ lên, nhiều nhà trở tay không kịp. Thóc gạo, lương thực bị ướt khá nhiều.

Hiện rất nhiều hộ cần cứu trợ mì tôm bởi mất điện nên nếu có gạo cũng không biết lấy gì mà nấu trên biển nước. Sát với Cẩm Duệ là xã Cẩm Mỹ cũng đang bị cô lập hoàn toàn. Em Nguyễn Thị Mỹ đang đi làm thuê cho một quán ăn ở thành phố, nghe tin lũ đã chạy về nhưng không có cách nào vào nhà, em mếu máo: “Nhà em làm hơn một mẫu đất, vụ vừa rồi được hơn 1 tấn cả đậu và lạc nhưng mẹ em chưa bán, định trữ đến Tết cho được giá, ai ngờ, lúc tối mẹ gọi điện bảo, nước lên nhanh quá, không trở kịp, chỉ chuyển vội được vài tạ đi gửi, còn lại bị ướt sạch trơn”.

Một ngôi nhà ở xóm 4 Cẩm Vĩnh gần như ngập hoàn toàn.

Nhà bà Võ Thị Tịnh ở xóm 10 Cẩm Duệ bị sập, chìm trong nước.

Trường Tiểu học Cẩm Duệ ngập sâu.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm