Theo đó kế hoạch hợp tác lai tạo và mua giống khoai tây trị giá 3,5 triệu USD với đối tác Hàn Quốc để sản xuất khoai tây ở tỉnh Mondulkiri để đi vào sản xuất lớn từ năm 2021 tới.
Ông Veng Sakhon cho hay, do đại dịch COVID-19 hiện vẫn chưa kết thúc nên hoạt động hợp tác nhân giống và sản xuất khoai tây sẽ bị lùi lại.
Theo ngành nông nghiệp Campuchia, Mondulkiri là địa phương có điều kiện lý tưởng để canh tác khoai tây vì ở đây có khí hậu thuận lợi, hệ thống tài nguyên nước, đất đai và cơ sở hạ tầng đều phù hợp với loại cây lương thực này.
Hơn nữa, việc sản xuất khoai tây thành công ở trong nước sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu rau củ từ các nước láng giềng. Theo Bộ trưởng Veng Sakhon, hiện mỗi năm Campuchia nhập khẩu khoảng trên 5.000 tấn khoai tây thương phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Trước đó, vào năm 2019 các chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc đã hỗ trợ trồng thử nghiệm khoai tây ở tỉnh Mondulkiri và cho năng suất khá tốt: 18 tấn/ha và với năng suất này nông dân Campuchia có thể thu lời từ 15.000 đến 17.000 USD cho mỗi vụ trồng trong vòng ba tháng.
Về khâu giống, hiện ở trong nước mới chỉ có trường Đại học Nông nghiệp Hoàng gia nghiên cứu, lai tạo thành công được một giống triển vọng lọt vào danh sách năm giống khoai tây thương phẩm được cấp phép có khả năng tạo ra năng suất cao và chống chịu với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Bốn giống khoai tây khác được ngành nông nghiệp Campuchia lựa chọn bao gồm: “Tornado” của Ireland; “Madeira” và “Coronada” nhập khẩu từ Đức và hai giống nổi tiếng “PO3” và “PO7” đều của Việt Nam.
Các nghiên cứu đều cho kết quả, các giống khoai tây nhập khẩu trồng có chất lượng và năng suất tốt nhất là trong giai đoạn thời tiết lạnh, từ giữa tháng Chín cho tới tháng Một năm sau.
Hiện điểm yếu nhất của nông dân Campuchia cần phải học tập chính là kỹ thuật để lưu trữ khoai tây giống, giữ nguồn cung cho tương lai cũng như cho các vụ tiếp theo.