| Hotline: 0983.970.780

Cần hơn 9.000 tỉ đồng cho quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản

Thứ Ba 18/07/2023 , 17:24 (GMT+7)

Đó là một trong những mục tiêu được đặt ra trong Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Quy hoạch cần xác định rõ hơn khả năng huy động nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 để bảo đảm tính khả thi ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ảnh: VGP/Hải Minh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Quy hoạch cần xác định rõ hơn khả năng huy động nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 để bảo đảm tính khả thi ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ảnh: VGP/Hải Minh.

Sáng 18/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (gọi tắt là Quy hoạch).

Thảo luận, góp ý dự thảo Quy hoạch, các thành viên của Hội đồng đánh giá Hồ sơ Quy hoạch đã bao gồm đầy đủ các hạng mục theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.

Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, thành viên Hội đồng thẩm định, các hợp phần riêng rẽ trong bộ hồ sơ đều được chuẩn bị cẩn thận, có cấu trúc phù hợp với yêu cầu, dễ theo dõi. Nội dung và hình thức các văn bản được trình bày sạch, đẹp và có tính dẫn xuất, có căn cứ khoa học và thực tiễn.

Các thông tin được mô tả trong các báo cáo có tính cập nhật, đủ độ tin cậy và phản ánh đúng thực tế các thông tin “đầu vào” hiện có ở nước ta, bên cạnh đó đã phân tích bối cảnh quốc tế, khu vực có ảnh hưởng đến nghề cá nước ta trong thời gian tới.

Báo cáo tổng hợp Quy hoạch, đã chỉnh sửa nghiêm túc trên cơ sở tự rà soát và tiếp thu ý kiến phản biện.

Báo cáo Quy hoạch đã được hoàn thiện, làm rõ được tính cần thiết phải lập quy hoạch này với các căn cứ chính trị và pháp lý đầy đủ. Hệ thống quan điểm quy hoạch, các mục tiêu, các phương án, định hướng quy hoạch và các giải pháp cơ bản đầy đủ, có tính khả thi.

Hệ thống bản đồ có số lượng phong phú, nội dung đầy đủ và được trình bày rõ ràng, bảo đảm đúng quy định kỹ thuật về bản đồ, có giá trị minh hoạ cho Quy hoạch và cung cấp căn cứ để triển khai cụ thể sau khi Quy hoạch được phê duyệt.

Tuy nhiên cũng theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, cần một số lưu ý như: Hệ thống bản đồ cần được sắp theo logic và riêng nhóm bản đồ quy hoạch các khu vực bảo tồn cần làm rõ dưới biển và trên đất liền, đồng thời phải xếp theo nhóm các khu hiện có cần mở rộng và nhóm quy hoạch mới…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng, đánh giá cao cơ quan trình là Bộ NN-PTNT trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng Quy hoạch theo đúng quy trình, quy định của pháp luật về Quy hoạch.

Đặc biệt, đơn vị soạn thảo rất cầu thị trong việc tiếp thu ý kiến, trong đó có việc mời các thành viên có ý kiến khác thảo luận để đi đến thống nhất giải pháp phù hợp, Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc lập lại trật tự khai thác thủy sản trong 20 - 30 năm tới là công việc rất khó khăn trong điều kiện nguồn lợi thủy sản suy kiệt, lượng tàu cá còn rất lớn, đồng thời đây là nghề lâu đời của bà con.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT, trên cơ sở góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch trên nguyên tắc phải bảo đảm phù hợp, không xung đột với với các quy hoạch khác đang có giá trị hiện hành, bảo đảm tuân thủ đúng những nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Quy hoạch cần có danh mục dự án được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và cụ thể hơn; xác định rõ hơn khả năng huy động nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 để bảo đảm tính khả thi ngay sau khi Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng khai thác thủy sản khoảng 2,8 triệu tấn. Ảnh: Huy Hùng.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng khai thác thủy sản khoảng 2,8 triệu tấn. Ảnh: Huy Hùng.

Theo báo cáo tóm tắt Quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của Quy hoạch là bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực và bảo tồn đa dạng sinh học biển góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; phát triển khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 454.676 ha, chiếm khoảng 0,454% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

149 khu vực ở vùng biển và 119 khu vực vùng nội địa được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quản lý hiệu quả nhằm bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống của các loài thủy sản.

Tổng sản lượng khai thác thủy sản khoảng 2,8 triệu tấn. Tổng số tàu cá khoảng 83.600 chiếc. Tổng lao động khoảng 600.000 người.

Hoàn chỉnh hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thành một hệ thống liên hoàn, liên vùng nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển và nước ngọt được bảo tồn và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Bộ NN-PTNT dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Quy hoạch khoảng 9.035 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 1.887 tỉ đồng, chiếm 20,9%; ngân sách địa phương 2.214 tỉ đồng, chiếm 24,5%; và vốn huy động từ các nguồn khác 4.934 tỉ đồng, chiếm 54,6%.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.