| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch dài hơi cho bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản

Thứ Tư 27/10/2021 , 17:43 (GMT+7)

Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải vừa bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác, gắn với bảo vệ, bảo tồn...

Ngày 27/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội thảo góp ý dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Phúc.

Nguy cơ suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện cả nước đã quy hoạch và đưa vào hoạt động mới 12 trong tổng số 16 khu bảo tồn biển, mới đạt 0,185% diện tích vùng biển. Nước ta cũng đã ban hành danh mục 47 khu vực cấm khai thác có thời hạn, từng bước đưa khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào hoạt động, đồng thời ban hành khung pháp lý phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Giai đoạn 2010 - 2020, tổng số tàu cá cả nước có xu hướng giảm từ 128.449 chiếc xuống còn 94.572 chiếc; tổng sản lượng khai thác thủy sản tăng từ 2,41 triệu tấn năm 2010 lên tới 3,86 triệu tấn năm 2020, gấp 1,6 lần.

Tuy nhiên, ngành thủy sản đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như số lượng, diện tích bảo tồn biển chưa đạt mục tiêu đề ra; chưa kiểm soát được số lượng tàu cá phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi; khai thác quá mức, bằng các ngư cụ có tính hủy diệt...

Ngành thủy sản đang đối mặt với rất nhiều thách thức do sự suy giảm nghiêm trọng về nguồn lợi. Ảnh: Minh Phúc.

Ngành thủy sản đang đối mặt với rất nhiều thách thức do sự suy giảm nghiêm trọng về nguồn lợi. Ảnh: Minh Phúc.

Tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường; phát triển thủy điện, thuỷ lợi làm ảnh hưởng đến đường di cư, thay đổi nơi sống của loài thủy sản. Những tác động này đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển, thủy vực nội địa và các hệ sinh thái thủy sinh.

Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, mục tiêu của Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng được bộ chỉ tiêu, chỉ số cụ thể về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch.

Bên cạnh đó, phải xây dựng được phương án tổ chức không gian khai thác thuỷ sản phù hợp từng vùng biển, từng khu vực biển, gắn với số lượng tàu cá hoạt động theo nghề, chiều dài, đối tượng khai thác cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch; xây dựng được phương án bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản ở từng vùng sinh thái và vùng biển cho từng giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch…

Nếu thực hiện được những mục tiêu trên, sẽ bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác, gắn với bảo vệ, bảo tồn, phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và ông Trần Đình Luân (Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản) chủ trì hội thảo. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và ông Trần Đình Luân (Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản) chủ trì hội thảo. Ảnh: Minh Phúc.

Về một số nội dung trọng tâm của dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản cho biết: Dự kiến đến năm 2030, diện tích vùng biển, ven biển, ven đảo được bảo vệ, bảo tồn hướng đến đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

Đồng thời, tổng sản lượng khai thác thuỷ sản giảm xuống còn 2,8 triệu tấn, trong đó khai thác vùng nội địa 0,15 triệu tấn, khai thác vùng biển đạt 2,65 triệu tấn (chủ yếu là vùng khơi với 1,81 triệu tấn).

Trong quá trình xây dựng dự thảo Quy hoạch, Bộ NN-PTNT xác định được 10 dự án ưu tiên đầu tư. Các dự án đều hướng tới mục tiêu phục hồi và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; mở rộng hệ thống các khu bảo tồn biển; phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển bị suy thoái; nghiên cứu xác định đường di cư của một số loài thuỷ sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; xây dựng dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác thuỷ sản phục vụ thương mại và xuất khẩu…

Cần 15.000 tỷ đồng cho quy hoạch

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, dự kiến tổng nhu cầu vốn cho quy hoạch là 15.000 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương 11.225 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Dự kiến, nguồn vốn sẽ được phân bổ theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 4.500 tỷ đồng, giai đoạn 2026 – 2030 hơn 10.400 tỷ đồng.

TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản. Ảnh: Minh Phúc.

TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản. Ảnh: Minh Phúc.

Tại hội thảo, đại diện Chi cục Thuỷ sản Thừa Thiên - Huế cho biết: Theo Quyết định 742 của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 về phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, khu bảo tồn biển Hải Vân – Sơn Trà thuộc khu bảo tồn cấp quốc gia vì nằm trên địa bàn 2 tỉnh Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, do đó rất khó khăn trong việc thành lập khu bảo tồn biển. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị ban chủ trì soạn thảo Quy hoạch xem xét tách làm hai khu bảo tồn để tạo thuận lợi cho tỉnh lập khu bảo tồn biển.

Theo ông Ngô Tất Thắng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, tỉnh này đang làm việc với một tổ chức quy hoạch của Mỹ để quy hoạch tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Trong đó, dự kiến Thành phố Hạ Long sẽ có một trung tâm văn hoá thuỷ sản lớn quy mô quốc gia, gồm cả mô hình chợ cá. Khu vực ven vịnh Cửa Lục được được quy hoạch là trung tâm kinh tế, chính trị và công nghệ của Quảng Ninh. Do đó, ông Thắng kiến nghị ban soạn thảo đưa vào Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản trong giai đoạn tới.

Tại hội thảo, tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị ban soạn thảo quy hoạch cập nhật lại số liệu hiện trạng tàu cá được phép hoạt động của địa phương. Nếu không tỉnh sẽ có nhiều tàu cá bất hợp pháp khi quy hoạch này được phê duyệt.

Công tác bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản cần phải đặc biệt được chú trọng mang tính chiến lược dài hơi trong giai đoạn tới. Ảnh: Minh Phúc.

Công tác bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản cần phải đặc biệt được chú trọng mang tính chiến lược dài hơi trong giai đoạn tới. Ảnh: Minh Phúc.

Cụ thể, trong dự thảo Quy hoạch, số tàu cá của tỉnh Bình Thuận là 6.267 tàu (năm 2020) đến năm 2030 còn 5.560 tàu (giảm 11,3%). Tuy nhiên, theo số liệu Bình Thuận đã rà soát, thực tế hiện nay toàn tỉnh có 7.545 chiếc, chưa kể tàu cá nhỏ, thuyền nhỏ, thuyền thúng… (khoảng 5.000 chiếc). Như vậy, số liệu chênh với số liệu quy hoạch là 1.300 chiếc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Trong định hướng phát triển ngành thủy sản bền vững, công tác bảo tồn phải gắn chặt với việc khai thác. Hiện nay, công tác bảo tồn vẫn chưa đạt như mong muốn trong khi ở nhiều địa phương, cường lực khai thác của các đội tàu ở mức quá cao.

Vì vậy, các địa phương cần xem xét giảm cơ cấu đội tàu, vừa đảm bảo an sinh vừa đảm bảo hiệu quả, giảm thất thoát sau khai thác, gắn với quốc phòng an ninh.

Xác định rõ tọa độ, phạm vi khu bảo tồn, cấm khai thác thủy sản

Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tỉnh An Giang có 3 khu vực (với 4 điểm) cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn thuộc xã Phú Hội (huyện An Phú), Thị trấn Núi Sập và xã Tây Phú (huyện Thoại Sơn). Mỗi điểm cấm khia thác thuỷ sản đều ghi rõ các tọa độ vị trí.

Tuy nhiên, sau khi bộ phận chuyên môn của tỉnh An Giang rà soát thực tế, thấy rằng các điểm tọa độ này nằm trong vùng sản xuất lúa 3 vụ và có đê bao, cho nên không thể triển khai cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn tại các vùng này được.

Đẩy mạnh nuôi biển đang là định hướng nhằm tạo điều kiện giảm áp lực cho khai thác biển. Ảnh: Minh Phúc.

Đẩy mạnh nuôi biển đang là định hướng nhằm tạo điều kiện giảm áp lực cho khai thác biển. Ảnh: Minh Phúc.

Do đó, tỉnh An Giang đề nghị tổ tư vấn xem xét để kiểm tra, đánh giá lại các tọa độ vị trí cấm khai thác có thời hạn này để trong tương lai, địa phương triển khai quy hoạch cho đúng.

Về danh mục khu vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vùng nội địa giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh An Giang cơ bản thống nhất. Tuy nhiên, bà Võ Thị Thanh Vân đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ An Giang trong quá trình khảo sát, xác định lại cụ thể các tọa và phạm vi của các khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trước khi xây dựng dự án thiết lập và hình thành khu vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vùng nội địa, để khi dự án được phê duyệt, có thể triển khai thuận lợi.

Về việc xác định tọa độ các điểm bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát lại thực tế. Bởi do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tổ tư vấn xây dựng Quy hoạch chưa có điều kiện kiểm tra lại tọa độ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sai sót trong quá trình nghiên cứu trước đây nên cần sử dụng lại để đưa vào dự thảo. Trước mắt, chỉ đặt tên các điểm, khu vực, chứ chưa đặt tọa độ, tránh trường hợp như câu chuyện thiết kế đường dây điện trước đây, vị trí tọa độ cột điện nằm giữa trụ sở UBND xã.

 

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.