| Hotline: 0983.970.780

Cần chính sách riêng biệt thu hút đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn

Thứ Sáu 11/08/2023 , 06:06 (GMT+7)

Theo Cục Chăn nuôi, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã chứng minh hiệu quả kinh tế rõ rệt, rất cần chính sách riêng biệt thu hút nguồn lực xã hội cùng đầu tư.

Tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp trong năm 2020 của cả nước là trên 156 triệu tấn, trong đó chăn nuôi chiếm gần 40%. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp trong năm 2020 của cả nước là trên 156 triệu tấn, trong đó chăn nuôi chiếm gần 40%. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chất thải chăn nuôi thừa nhưng vẫn phải nhập hàng tỷ USD phân bón

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), hàng năm, Việt Nam sản xuất một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp trong năm 2020 của cả nước là trên 156 triệu tấn, trong đó chăn nuôi chiếm gần 40%. 

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm có trung bình 60 triệu tấn phân và trên 290 triệu m3 nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần phải được xử lý, tái sử dụng để bảo vệ môi trường.

Một phần trong số chất thải chăn nuôi đó được xử lý làm phân hữu cơ hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho hệ thống công trình khí sinh học tạo năng lượng tái tạo hoặc trở thành nguồn nuôi côn trùng cung cấp protein chất lượng cao làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, phần lớn hơn chủ yếu vẫn thải ra môi trường gây lãng phí và ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến tháng 7/2022, tỷ lệ hộ chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi là 72%, còn 28% hộ chăn nuôi thải trực tiếp chất thải chăn nuôi vào môi trường và số trang trại chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi đạt tỷ lệ 95%. 

Hiện nay một số mô hình nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đã cải thiện rõ rệt hiệu quả kinh tế, tạo động lực để lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng người làm nông nghiệp nên cần thêm các chính sách riêng biệt để thu hút nguồn lực đầu tư. Ảnh: Quang Linh.

Hiện nay một số mô hình nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đã cải thiện rõ rệt hiệu quả kinh tế, tạo động lực để lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng người làm nông nghiệp nên cần thêm các chính sách riêng biệt để thu hút nguồn lực đầu tư. Ảnh: Quang Linh.

Trong khi còn lượng lớn chất thải chăn nuôi chưa được xử lý và thải trực tiếp ra môi trường thì hàng năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu trên 4 triệu tấn phân bón, trị giá 1,45 tỷ USD cho ngành trồng trọt.

Và trong tổng số hơn 10 triệu tấn phân bón ngành trồng trọt sử dụng mỗi năm, phân bón hữu cơ chỉ chiếm khoảng 25%. Sự mất cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ đó dẫn đến những tác động tiêu cực đối với môi trường và sự phát triển nông nghiệp bền vững. 

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, hiện một số mô hình nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đã chứng minh cải thiện rõ rệt hiệu quả kinh tế, tạo động lực để lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng người làm nông nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy Việt Nam chưa có chính sách riêng để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho nông nghiệp tuần hoàn. Quy định pháp luật riêng về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chất thải chưa đầy đủ.

Các hướng dẫn kỹ thuật thu gom, xử lý, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi mới ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng, do vậy thực tế triển khai còn nhiều hạn chế.

Vùng nguyên liệu đầu vào để thực hiện tuần hoàn chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp chưa ổn định. Điều này gây khó khăn cho việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào quá trình xử lý để tạo ra sản phẩm mới.

Hầu hết các mô hình sử dụng phế phụ phẩm, chất thải phân tán, nhỏ lẻ và tự phát nên khó triển khai trên diện rộng. Đầu tư cho nghiên cứu công nghệ, vật liệu phụ trợ để thực hiện tuần hoàn chất thải còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài.

Mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn tại xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chứng minh hiệu quả kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng chăn nuôi trâu, bò thịt thời gian qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn tại xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chứng minh hiệu quả kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng chăn nuôi trâu, bò thịt thời gian qua. Ảnh: Phạm Hiếu.

Điển hình nông nghiệp tuần hoàn từ câu chuyện Thái Nguyên

Hiện đang triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn tại xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, HTX Chăn nuôi bò và Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Nga My là một trong những đơn vị điển hình trong việc biến chất thải chăn nuôi thành nguồn tài nguyên giá trị.

Chia sẻ về mô hình, anh Dương Văn Hồng, Giám đốc HTX Chăn nuôi bò và Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Nga My cho biết, trong quá trình chăn nuôi bò, anh sẽ thu gom phân bò dùng để nuôi trùn quế. Sau đó, trùn sẽ được làm thức ăn cho lợn và chất thải của trùn sẽ được xử lý làm phân bón bón cho cỏ, ngô, rau củ, cây ăn quả. Cuối cùng, cỏ và ngô sinh khối sẽ lại được sử dụng làm thức ăn cho bò.

Theo anh Dương Văn Hồng, đây là mô hình sản xuất thiết thực mà bà con nên áp dụng và nhân rộng. Sản xuất theo mô hình này không những không làm ảnh hưởng đến môi trường mà còn mang lại lợi nhuận kép, có thêm lợi nhuận từ phân bò và trùn quế cho người dân. Đặc biệt, trùn quế có khả năng xử lý chất thải và xử lý mùi rất tốt nên trong quá trình chăn nuôi, bà con sẽ được đảm bảo về mặt sức khỏe.

Thức ăn vỗ béo bò thịt từ cỏ được trồng từ chính phân bò. Ảnh: Quang Linh.

Thức ăn vỗ béo bò thịt từ cỏ được trồng từ chính phân bò. Ảnh: Quang Linh.

“Cần phải xem chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm là nguồn tài nguyên quý giá. Việc tận dụng tối đa và sử dụng có hiệu quả tiềm năng về phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi sẽ góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững cũng như bảo vệ môi trường chăn nuôi”, Giám đốc HTX Chăn nuôi bò và Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Nga My bày tỏ.

Theo ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, việc xử lý chất thải trong chăn nuôi luôn được tỉnh Thái Nguyên coi trọng. Hiện, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đang tập huấn, hướng dẫn cho bà con nông dân các biện pháp thu gom, xử lý chất thải trong chăn nuôi theo Thông tư hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, trong đó tập trung vào công tác ủ phân bằng men sinh học, đệm lót sinh học, sử dụng các hầm biogas để thu gom tái chế chất thải trong chăn nuôi để làm khí sinh học phục vụ cho đun nấu, phát điện trong sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Trùn quế giúp xử lý chất thải trong chăn nuôi và trở thành nguồn thức ăn cho gia súc gia cầm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trùn quế giúp xử lý chất thải trong chăn nuôi và trở thành nguồn thức ăn cho gia súc gia cầm. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Một trong những bài toán của Thái Nguyên đặt ra hiện nay là nước thải trong chăn nuôi. Theo đó, Thái Nguyên đang tập trung hướng dẫn cho bà con nông dân thu gom, tách ép nước thải và chất thải rắn. Chất thải rắn sẽ được thu gom làm phân chuồng, phân hữu cơ. Nước thải lỏng sẽ được xử lý bằng các biện pháp sinh học để đảm bảo theo đúng quy định”, ông Hà Trọng Tuấn thông tin.

Theo Cục Chăn nuôi, để phát triển chăn nuôi tuần hoàn, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp đến tổ chức, cá nhân chăn nuôi. Xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, nâng cao hiệu quả kinh tế sinh thái chăn nuôi, nhân rộng mô hình điểm.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới để xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ, sản xuất năng lượng tái tạo, nuôi côn trùng/sinh vật có ích để chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ đồng thời sản xuất protein cao phân tử.

Cục Chăn nuôi cho rằng các trường đại học, cơ sở đào tạo cần xây dựng các nội dung, chương trình đào tạo liên quan đến quy trình công nghệ áp dụng để chế biến phụ phẩm phục vụ sản xuất chăn nuôi; nuôi côn trùng xử lý chất thải, làm thức ăn chăn nuôi, phân bón cho cây trồng; quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi.

Đồng thời, cần lồng ghép các chương trình khuyến nông nội dung tập huấn về kỹ thuật xử lý, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi để lan tỏa trong cộng đồng.

Để thúc đẩy, hỗ trợ ngành nông nghiệp tuần hoàn cũng như khắc phục bất cập trong việc xử lý nước thải chăn nuôi để phục vụ cho trồng trọt, ngày 30/12/2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 28/2022/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng và Thông tư này đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.

Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để người dân, doanh nghiệp đầu tư các công nghệ nhằm tái sử dụng nguồn tài nguyên nước thải chăn nuôi phục vụ cho mục đích trồng trọt, tránh được sự lãng phí kép khi người chăn nuôi vừa mất chi phí xử lý nước thải rất tốn kém, trong khi lại lãng phí nguồn tài nguyên phân bón hữu cơ cho ngành trồng trọt trước đây.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.