Diễn đàn Kết nối nông sản 970 với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn trong nhành chăn nuôi - cơ hội và thách thức” do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Cục Chăn nuôi, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970 (Bộ NN-PTNT) và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) diễn ra ngày 21/3.
Nông nghiệp tuần hoàn là gốc rễ tăng trưởng xanh
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng khẳng định, ngành chăn nuôi đã có những bước tiến mạnh mẽ với sự vào cuộc Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Với tổng đàn lợn đạt xấp xỉ 30 triệu con, gia cầm đạt trên 500 triệu con và gia súc đạt trên 12 triệu, Việt Nam có một hệ sinh thái chăn nuôi đồ sộ, đảm bảo nhu cầu thực phẩm cho hơn 100 triệu dân, đang vươn ra xuất khẩu và tạo sinh kế cho hàng chục triệu hộ nông dân.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật tương đồng với thế giới và khu vực. Đây là lợi thế khi ngành chăn nuôi tham gia những sân chơi lớn.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ ra những hạn chế nhất định của ngành như vấn đề tiêu thụ, kết nối thị trường, dịch bệnh, ảnh hưởng về phát thải, xử lý chất thải chăn nuôi. Chính vì vậy, qua Diễn đàn, có thể thấy rằng kinh tế tuần hoàn (KTTH) là xu thế tất yếu, mang lại những lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sẩm phẩm chăn nuôi, kết nối hài hòa lợi ích lâu dài giữa các ngành khác nhau (chăn nuôi, trồng trọt...).
Ông Thắng nhấn mạnh, đối với KTTH trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết. KTTH cũng được cho là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Xoá “điểm nghẽn” cho nông nghiệp tuần hoàn
Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến từ thực tế sản xuất của ngành chăn nuôi, trồng trọt, đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp để xoá bỏ các “điểm nghẽn” còn tồn tại, gây khó khăn cho triển khai chủ trương kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của ngành nông nghiệp.
Nguyễn Văn Bắc (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thường trực tại Nam bộ) đề xuất đẩy mạnh ứng dụng các nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật.
Thứ nhất, công nghệ vi sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh việc nghiên cứu xử lý phân trực tiếp, xử lý phân không trực tiếp, vi sinh trong thức ăn chăn nuôi, hướng tới mục tiêu giảm thải và tăng hiệu quả kinh tế.
Thứ hai, công nghệ ứng dụng côn trùng đang manh nha và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn. Ông dẫn ví dụ về trùn quế: “1 tấn trùn quế có thể xử lý 30 tấn phân trong vòng một tháng. Chất thải từ trùn quế rất thích hợp để sử dụng trong trồng trọt, đem lại giá trị kinh tế cao”.
Về quản lý chính sách, TS Nguyễn Văn Bắc đề xuất cần có tiêu chuẩn để đánh giá lĩnh vực chăn nuôi tuần hoàn; cần công bố kịp thời, rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật nhằm phục vụ chăn nuôi tuần hoàn... Theo ông Bắc, để đưa hệ thống chăn nuôi tuần hoàn vào chuỗi bền vững với đầu tàu là doanh nghiệp, Bộ NN-PTNT cần có những buổi đối thoại với doanh nghiệp về chăn nuôi tuần hoàn để nắm bắt thông tin và điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn; các cơ quan, doanh nghiệp cần phối hợp cùng hệ thống khuyến nông để phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
Chủ tịch Tập đoàn Mavin, ông David John Whitehead cho rằng, nông nghiệp tuần hoàn không chỉ bó hẹp ở các nông hộ nhỏ.
"Thời gian gần đây, chúng ta đã nghe nhiều về nông nghiệp tuyến tính, nông nghiệp tuần hoàn hay các mô hình nông nghiệp tương tự như vậy. Trong các mô hình nông nghiệp này, mục tiêu là hướng tới giảm thiểu chất thải từ các các hoạt động chăn nuôi, sản xuất và làm sao để tận dụng tốt nhất các loại chất thải này. Ví dụ như sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm từ các hoạt động này để tái sử dụng trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt hoặc các hoạt động khác, hướng tới việc sử dụng ít nhất các nguồn tài nguyên để thu được kết quả tối ưu nhất. Nông nghiệp tuần hoàn giúp sử dụng ít nguyên liệu đầu vào, từ đó cải thiện chất lượng đất và cải thiện môi trường, giảm bớt các nguồn tài nguyên" – ông nói.
Ông David khẳng định, nông nghiệp tuần hoàn là một khái niệm không mới và được sử dụng từ thời kỳ tiền công nghiệp với các mô hình canh tác kết hợp sử dụng các loại phân bón, phế phụ phẩm từ các hoạt động chăn nuôi và trồng trọt để làm phân bón hoặc nguồn đầu vào cho các hoạt động khác.
Tuy nhiên, ông nhận định, trong giai đoạn gần đây, các phương pháp trên đang bị ảnh hưởng nhiều bởi các phương pháp canh tác hiện đại, các phương pháp canh tác trên quy mô lớn, độc canh, thâm canh chỉ chủ yếu vào tăng lợi nhuận mà không hướng tới bảo vệ môi trường.
Các mô hình canh tác trên quy mô lớn thường được áp dụng bởi các công ty lớn. Điều này sẽ khó phù hợp với nông nghiệp tuần hoàn. Nông nghiệp tuần hoàn hướng nhiều hơn tới các nông hộ nhỏ, hoặc các cơ sở sản xuất sử dụng hữu cơ trong các hoạt động sản xuất của mình.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đề xuất tháo gỡ về rào cản chính sách, sự chưa đồng bộ giữa các bộ luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác, trong khi Luật Bảo vệ môi trường có các điều khoản coi đó là “rác thải”.
Theo ông Công, “điểm nghẽn” hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn là khi muốn lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác nhưng lại vướng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Tại Diễn đàn, Ban tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến, tham luận của các đại diện đến từ các tổ chức, cơ sở chăn nuôi, cơ quan quản lý nhà nước, trong đó tập trung đưa ra các giải pháp với mục tiêu sử dụng hiệu quả hơn các phụ phẩm, chất thải của ngành chăn nuôi, biến chất thải ngành chăn nuôi thành nguyên liệu đầu vào của chuỗi sản xuất giá trị gia tăng.
Các kiến nghị, đóng góp của các đại biểu tham dự Diễn đàn sẽ được tập hợp để gửi tới các cơ quan quản lý nhằm tham mưu, từ đó có sự điều chỉnh về chủ trương, chính sách quản lý… phù hợp với thực trạng của vấn đề đang được xã hội quan tâm.
Người làm nông nghiệp tuần hoàn phải đi cùng nhau
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm kêu gọi mọi người làm nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ phải đi cùng nhau.
"Tất cả các thành phần trong xã hội làm nông nghiệp cần chịu khó, chịu khổ. Muốn đi xa phải đi nhiều người, người làm nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ phải đi cùng nhau", ông Lam kêu gọi.
Ông Lam cũng cho rằng, trong sản xuất kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, công tác truyền thông là công tác cực kỳ quan trọng. Nếu không có truyền thông sẽ không ai hiểu được cách thức, đường đi…
“Bây giờ cần thực chất hơn, nói đi đôi với làm để tạo được niềm tin", ông Lam đánh giá cao những giá trị mà Báo Nông nghiệp Việt Nam mang tới cho bạn đọc, tuyên truyền cho ngành, là gạch nối của "4 nhà": nhà quản lý – nhà khoa học – doanh nghiệp – nông dân; kịp thời tuyên truyền, nhân rộng các câu chuyện, mô hình, giá trị… trong sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ.