| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm giải pháp phát triển chăn nuôi tuần hoàn

Thứ Sáu 21/07/2023 , 14:20 (GMT+7)

Phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải làm đầu vào cho ngành sản xuất khác.

Diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp với chủ đề 'Giải pháp phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm'. Ảnh: Phạm Hiếu.

Diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhiều thách thức

Ngày 21/7, tại Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”.

Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong những năm gần đây, ở Việt Nam, mô hình áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi tuần hoàn đã nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi, tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao của trồng trọt (như trồng cỏ, trồng ngô sinh khối,...) làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc; trồng lúa, rau hữu cơ.

Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Quang Linh.

Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Quang Linh.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai một số mô hình phát triển chăn nuôi tuần hoàn, đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như là một nguồn lợi nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn, trồng trọt theo hướng hữu cơ được triển khai trên địa bàn 6 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai. Hay như mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học kết hợp trồng trọt được triển khai tại các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Giang, Điện Biên.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá các mô hình khuyến nông về phát triển chăn nuôi tuần hoàn đã đạt được những kết quả nhất định, song việc phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn.

Các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cụ thể, một số địa phương chưa có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực nên chưa phát triển kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. 

Bên cạnh đó, phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng triệt để tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng lãng phí các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường… 

Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bản chất của phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi chưa đầy đủ. Nhiều hộ tham gia vẫn theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên khi tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật còn hạn chế.

Việc sản xuất và thương mại phế phụ phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, đa số mới chỉ dừng lại tận dụng để phục vụ trồng trọt tại gia đình.

Một số địa phương chưa quan tâm đến sản xuất chăn nuôi tuần hoàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm nên sản phẩm đầu ra còn bấp bênh do thị trường chi phối.

Theo ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, Diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp chủ đề "Giải pháp phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" nhằm đánh giá thực trạng và đề ra những giải pháp về phát triển chăn nuôi tuần hoàn.

Mô hình áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi tuần hoàn đã nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mô hình áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi tuần hoàn đã nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thông qua diễn đàn sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp và người dân nắm được các chủ trương, chính sách và giải pháp khoa học công nghệ trong phát triển chăn nuôi tuần hoàn; giải đáp những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; thúc đẩy liên kết "bốn nhà" trong kết nối tiêu thụ sản phẩm.

“Đây cũng là cơ hội để tỉnh Thái Nguyên học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm quý về phát triển chăn nuôi giữa các tỉnh trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi lớn mạnh, bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế”, ông Vũ Đức Hảo chia sẻ.

Những nỗ lực của ngành chăn nuôi địa phương

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm… làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, biện pháp kỹ thuật, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.

Các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải để sử dụng trong nông nghiệp.

Cùng với đó, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh…

Giai đoạn 2015 - 2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng trên 14.000 công trình xử lý chất thải bằng bể biogas, hỗ trợ đệm lót sinh học để xử lý chất thải cho 6.000 hộ chăn nuôi gà, hỗ trợ máy ép phân, bể trước và sau biogas.

Đến nay, tỷ lệ trang trại đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quan tâm xây dựng hầm biogas, công trình sau biogas chiếm khoảng 70%. Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được hiệu quả cao trên các lĩnh vực kinh tế, môi trường, xã hội.

Quá trình chăn nuôi theo chu trình khép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý và dùng làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi thủy sản, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất và lượng chất thải ra môi trường.

Phế phụ phẩm trong nông nghiệp cần được coi như là một nguồn lợi nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phế phụ phẩm trong nông nghiệp cần được coi như là một nguồn lợi nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Còn tại TP Hà Nội, trong những năm qua, trên địa bàn thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 41.000 hệ thống biogas, theo chương trình sử dụng khí sinh học theo nhiều công nghệ khác nhau xây gạch và composite, có 4 công trình xử lý công nghệ CDM, sử dụng hệ thống bạt HDPE góp phần vào giảm bớt được 80 - 90% mùi hôi của chuồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại các vùng nông thôn, cải thiện chỉ số chất lượng không khí.

TP Hà Nội cũng đã sử dụng công nghệ làm hầm biogas bằng nhựa composite, nhựa HDPE và máy ép phân vừa xử lý chất thải, vừa tạo ra khí đốt phục vụ sinh hoạt vừa là nguyên liệu để làm phân bón.

Theo đó, chăn nuôi bò sữa có 155 hệ thống biogas chiếm 75% số trại bò sữa, chăn nuôi bò thịt có 278 hệ thống biogas chiếm 44% số trại chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi lợn có hơn 1.100 hệ thống biogas chiếm 95% số trại chăn nuôi lợn và 34% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi. Có trên 70% cơ sở chăn nuôi sử dụng khí biogas để phục vụ sinh hoạt (chủ yếu đun, nấu) và nước thải, chất thải sau xử lý sử dụng vào lĩnh vực trồng trọt.

Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đề nghị Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm phù hợp điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.

Cùng với đó, các hoanh nghiệp, hội và hiệp hội dựa trên thông tin và kết quả của Diễn đàn đề xuất đặt hàng các các nội dung liên kết hợp tác với hệ thống khuyến nông, HTX, người dân.

“HTX, người sản xuất căn cứ vào thông tin, kết quả tại Diễn đàn để tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các thành chuỗi sản xuất tuần hoàn, với các doanh nghiệp để liên kết, cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm”, ông Lê Minh Lịnh nhấn mạnh.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.