| Hotline: 0983.970.780

Cần dành nguồn lực phát triển cây sắn

Thứ Sáu 09/08/2024 , 21:13 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung vừa có buổi làm việc với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới (CIAT) nhằm trao đổi các nội dung hợp tác phát triển ngành hàng sắn giai đoạn 2025-2030.

Bộ NN-PTNT làm việc với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới (CIAT) về phối hợp phát triển bền vững ngành hàng sắn. Ảnh: Thanh Tiến.

Bộ NN-PTNT làm việc với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới (CIAT) về phối hợp phát triển bền vững ngành hàng sắn. Ảnh: Thanh Tiến.

Buổi làm việc nhằm trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến phát triển bền vững cây sắn tại Việt Nam với mục tiêu không mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, giảm thiểu sâu bệnh. Qua đây xây dựng Chương trình hợp tác với CIAT về phát triển ngành hàng sắn giai đoạn 2025-2030.

Giá trị xuất khẩu sắn đạt 1,3 tỷ USD

Theo số liệu của tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đến năm 2022, Việt Nam là quốc gia sản xuất sắn đứng thứ 9 về diện tích, thứ 7 về sản lượng sắn trên thế giới

Giai đoạn 2015-2023, diện tích và sản lượng sắn Việt Nam có xu hướng giảm (diện tích sắn giảm bình quân 1,1%/năm; sản lượng sắn giảm bình quân 0,11%/năm). Sản lượng đạt xấp xỉ 10,6 triệu tấn, diện tích dao động từ 500-550 ngàn ha.

Diện tích sắn của Việt Nam dao động từ 500-550 ngàn ha/năm. Ảnh: Thanh Tiến.

Diện tích sắn của Việt Nam dao động từ 500-550 ngàn ha/năm. Ảnh: Thanh Tiến.

Năng suất sắn của Việt Nam đạt trung bình 19-20 tấn/ha, đứng thứ 5 trong số 10 nước sản xuất sắn hàng đầu. Năng suất sắn có xu hướng tăng, hiện tương đương với Thái Lan và bằng 73% so với Campuchia.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, đến năm 2023, ở Việt Nam cây sắn được sản xuất theo 5 vùng sinh thái gồm: Vùng Trung du miền núi phía Bắc có diện tích trên 100.000ha, sản lượng đạt 1,3 triệu tấn, tập trung tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình.

Vùng Bắc Trung bộ có diện tích hơn 50.000ha, sản lượng trên 0,95 triệu tấn, tập trung tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị.

Vùng Duyên hải Nam Trung bộ có diện tích đạt 89.000ha, sản lượng 1,83 triệu tấn, tập trung tại các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định.

Vùng Tây Nguyên có diện tích sắn hơn 166.000ha, sản lượng 3,371 triệu tấn, tập trung tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum.

Vùng Đông Nam bộ có diện tích gần 95.000 ha, sản lượng 2,86 triệu tấn, tập trung tại các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Về chế biến sắn, hiện cả nước có 142 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm.

Việt Nam là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đứng thứ 3 thế giới sau Thái Lan, Campuchia và đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu (chỉ sau Thái Lan). Sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam.

Năm 2023 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của nước ta đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với năm 2022. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt mức cao nhất kể từ năm 2018 đến nay. Giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu năm 2023 đạt 441,5 USD/tấn, tăng 2,1% so với năm 2022.

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,5% về lượng và chiếm 91% về trị giá trong tổng xuất khẩu của cả nước, đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,18 tỷ USD. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2023 ở mức 438,9 USD/tấn, tăng 1,7% so với năm 2022.

5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 1,3 triệu tấn, trị giá hơn 570 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân đạt 452,9 USD/tấn, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phối hợp với CIAT thực hiện các dự án phát triển bền vững ngành sắn

Trong thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT đã có nhiều dự án phối hợp với CIAT như: Giai đoạn 2014 - 2024, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam phối hợp với CIAT thực hiện điều tra khảo sát và thu thập các mẫu giống sắn trên cả nước, từ đó sử dụng công nghệ dấu vân tay (DNA fingerprinting) để xác định các nhóm giống sắn trong sản xuất. Nghiên cứu 682 hộ chỉ trồng giống cải tiến và 238 hộ khác cho biết trồng giống địa phương hoặc cả giống địa phương và giống cải tiến.

Thực hiện dự án “Thiết lập các giải pháp bền vững đối với bệnh hại trên cây sắn ở khu vực Đông Nam Á” giai đoạn 2020-2023. Thông qua hợp tác này Trung tâm Hưng Lộc đã được tiếp nhận nguồn gen có khả năng kháng bệnh khảm lá của CIAT, từ đó sử dụng vật liệu để lai tạo và tạo được nhiều tổ hợp (10 dòng) có triển vọng về tính kháng cũng như năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột.

Sắn là ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Ảnh: Thanh Tiến.

Sắn là ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Ảnh: Thanh Tiến.

Năm 2014, Trung tâm Nghiên vứu và phát triển cây có củ - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã phối hợp với CIAT thực hiện thúc đẩy cải thiện sinh kế thông qua các biện pháp can thiệp theo định hướng nhu cầu để sản xuất và chế biến RTB cạnh tranh thông qua việc phát triển các giống sắn Sa21-12, Sa06, BKA900. Từ năm 2018 đến nay, tiếp tục phối hợp Chương trình sắn – Lai tạo và đánh giá hạt lai.

Giai đoạn 2018-2020, Viện Bảo vệ thực vật đã phối hợp với CIAT thực hiện chương trình Phát triển hệ thống sản xuất sắn bền vững thông qua quản lý sâu bệnh hại tại Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Từ 2020-2023 tiếp tục phối hợp chương trình Phát triển và triển khai giao thức chẩn đoán, công cụ và nền tảng thông tin phù hợp cho mục đích giám sát và ứng dụng chứng nhận…

Tăng cường đầu tư vùng sắn, hỗ trợ người trồng sắn

Tại buổi làm việc với ông Newby JonathanGiám đốc Chương trình sắn toàn cầu, CIAT, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung mong muốn, thời gian tới CIAT tiếp tục cùng với Bộ và các đơn vị tăng cường hợp tác trong việc phát triển giống sắn như, xây dựng cơ sở dữ liệu về giống sắn, nguồn gen sắn; hỗ trợ chương trình lai tạo và chọn lọc giống sắn kháng bệnh, năng suất cao; cung cấp nguồn gen sắn kháng bệnh từ các nguồn gen quốc tế.

Tiếp tục hoàn thiện quy trình nhân giống sắn sạch bệnh ở nông hộ và mở rộng mô hình nhân giống sắn sạch bệnh. Xây dựng, soát xét các tiêu chuẩn Việt Nam về giống sắn (khảo nghiệm, chất lượng giống sắn…)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung mong muốn, thời gian tới CIAT tiếp tục cùng với Bộ và các đơn vị tăng cường hợp tác phối hợp trong việc phát triển ngành sắn. Ảnh: Thanh Tiến. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung mong muốn, thời gian tới CIAT tiếp tục cùng với Bộ và các đơn vị tăng cường hợp tác phối hợp trong việc phát triển ngành sắn. Ảnh: Thanh Tiến. 

Ngoài ra, xây dựng và nhân rộng quy trình sản xuất sắn phù hợp với các vùng sinh thái, địa hình khác nhau, đặc biệt là trên đất dốc đảm bảo năng suất, chất lượng sắn nhưng vẫn duy trì được sức khỏe đất tại các vùng trồng sắn.

Phát triển hệ thống giám sát và cảnh báo sớm về sâu, bệnh hại cây sắn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dự tính, dự báo sinh vật gây hại trên cây sắn. Hợp tác nghiên cứu và phát triển các biện pháp phòng trừ sinh học, sử dụng thiên địch và vi sinh vật có lợi để kiểm soát mầm bệnh. Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ phòng chống tổng hợp nhóm bệnh có nguồn gốc trong đất hại cây sắn tại Việt Nam.

Tiếp tục phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm từ sắn. Xây dựng bộ tài liệu tập huấn cho người dân, doanh nghiệp, cán bộ quản lý địa phương về quy trình canh tác, quy trình quản lý, sản xuất giống sắn.

Ông Newby JonathanGiám đốc Chương trình sắn toàn cầu, CIAT cho biết: Đã đến lúc cần phải có chiến lược phát triển bền vững về sắn, cần có những định hướng quy hoạch phù hợp cho từng vùng sinh thái. Cây sắn là sinh kế của những người yếu thế, người nghèo, các nông hộ nhỏ. Chính vì vậy, chúng tôi luôn đấu tranh với các nhà tài trợ quốc tế cần phải dành những nguồn đầu tư để cải thiện về mặt sinh kế cho bà con.

Ông Newby Jonathan - Giám đốc Chương trình sắn toàn cầu, CIAT cam kết tiếp tục phối hợp hỗ trợ phát triển ngành sắn Việt Nam. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Newby Jonathan - Giám đốc Chương trình sắn toàn cầu, CIAT cam kết tiếp tục phối hợp hỗ trợ phát triển ngành sắn Việt Nam. Ảnh: Thanh Tiến.

Liên quan đến việc phòng sâu bệnh trên cây sắn, chúng tôi khuyến cáo ngành chức năng và các địa phương không nhập các giống sắn lạ, đặc biệt là từ châu Phi về trồng bởi dễ làm lây lan virus có thể hủy hoại cả vùng trồng, gây thiệt hại nặng nề.

Ngành sắn Việt Nam, thị trường Việt Nam rất quan trọng trong ngành sắn toàn cầu, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan, các địa phương để thực hiện các giải pháp phát triển bền vững. Tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các giống sắn mới có năng suất, chất lượng và chống chịu tốt với sâu bệnh hại.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.