| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP):

Cần định hướng đúng và kiên trì thực hiện

Thứ Tư 07/09/2016 , 09:35 (GMT+7)

Sản phẩm VietGAP giá trị cao hơn sản phẩm an toàn vì vừa phải đạt yêu cầu về ATTP, đồng thời còn mang các giá trị khác về bảo vệ môi trường, sức khỏe người lao động...

GAP là chủ trương đúng đắn

Điều đó được thể hiện qua nhiều văn bản. Tại Điểm c, Khoản 4, Điều 4, Luật An toàn thực phẩm năm 2011 quy định "thiết lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng hệ thống Thực hành sản xuất tốt (GMP), Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), Thực hành vệ sinh tốt (GHP), Phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) và các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm".

Ngày 1/1/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ áp dụng GAP trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Nghị định 36/2014/NĐ-CP về cá tra, quy định các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.

Bộ NN-PTNT đã sớm ban hành Chỉ thị số 4136/CT-BNN-TT ngày 15/12/2009 về việc phát động thi đua áp dụng VietGAP trong sản xuất rau, quả, chè; Chỉ thị số 1311/CT-BNN-TT ngày 4/5/2012 về việc đẩy mạnh ứng dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất trồng trọt; Quyết định số 1793/QĐ-BNN-TCCB ngày 24/6/2010 thành lập Ban chỉ đạo áp dụng VietGAP và Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT về chứng nhận sản phẩm sản xuất phù hợp VietGAP.

Đến hết năm 2014 có 16,83 ngàn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP (2,25 ngàn ha rau; 7,55 ngàn ha quả; 1,32 ngàn ha lúa; 5,58ha chè...); 8.500ha vải Bắc Giang sản xuất theo hướng VietGAP; trên 200 nghìn ha cà phê, ca cao, chè được chứng nhận 4C, UTZ Certified, Rainforest Alliances....

50 cơ sở nuôi thủy sản/500 ha được chứng nhận VietGAP; 184 cơ sở chăn nuôi (25 cơ sở chăn nuôi lợn/75.400 con, 36 cơ sở chăn nuôi gà/21.693.300 con, 2 cơ sở chăn nuôi bò sữa/1.220 con, 121 cơ sở nuôi ong/106.450 đàn) được chứng nhận VietGAP.

Tuy nhiên, đã và đang có nhiều bất cập trong sản xuất, chứng nhận, tiêu thụ sản phẩm VietGAP, cần có các biện pháp tháo gỡ để phát triển.

 

Định hướng chỉ đạo áp dụng GAP

Trong Chỉ thị số 1311/CT-BNN-TT ngày 4/5/2012 về việc đẩy mạnh áp dụng GAP trong sản xuất trồng trọt, Bộ NN-PTNT đã xác định nước ta đi lên từ một nền sản xuất nhỏ lẻ, nên áp dụng GAP là một quá trình khó khăn, cần kiên trì chỉ đạo áp dụng cho phù hợp với yêu cầu của thị trường và điều kiện cụ thể của từng địa phương với các cấp độ sau:

- Mức độ tối thiểu bắt buộc áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở sản xuất và điều kiện bảo đảm ATTP đối với sản phẩm trong quá trình sản xuất. Các QCKT được xây dựng trên cơ sở một số chỉ tiêu cơ bản của VietGAP (đối với rau, quả, chè khoảng 25 chỉ tiêu) nhằm bảo đảm ATTP và truy xuất nguồn gốc (có người gọi là sản xuất theo hướng VietGAP).

Người sản xuất có thể tự đánh giá hoặc thuê tổ chức chứng nhận chứng nhận, trên cơ sở đó công bố sản phẩm là an toàn nhằm đáp ứng thị trường trong nước là chính.

gi-m-c-d-n-tnsp-v-c-v-n-tr-ng-d-n-vie-035-thm-qun-v-n-ch-vietgp182625274
Một mô hình trồng chè VietGAP

 

- Mức độ cao hơn khuyến khích áp dụng đầy đủ các chỉ tiêu của GAP với định hướng như sau: Áp dụng GlobalGAP (210 tiêu chí) đối với sản phẩm đặc thù, có giá trị kinh tế cao và có hợp đồng bao tiêu chắc chắn. Trong đó yêu cầu phải đạt chứng nhận GlobalGAP; áp dụng GAP khác (4C, UTZ Certified, Rain Forest …) chủ yếu trên cây công nghiệp như chè, cà phê, ca cao, hồ tiêu thông qua liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Áp dụng VietGAP (VietGAP rau, quả, chè có 68 tiêu chí) đối với các sản phẩm tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu nếu có thị trường và bán được với giá cao hơn; đồng thời từng bước nâng cấp VietGAP để được thừa nhận trên thị trường quốc tế.

Định hướng trên được thể hiện trong Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 01/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg. Theo đó, sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được nhà nước xem xét hỗ trợ trong quá trình sản xuất, sơ chế thuộc một trong các loại sau:

- Sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với QCKT, quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, sơ chế do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành (gọi tắt sản phẩm an toàn).

- Sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với VietGAP hoặc GAP khác được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho áp dụng (gọi chung là sản phẩm VietGAP).

- Sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành hoặc tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ khác được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho áp dụng (sản phẩm hữu cơ).

Như vậy, trên thị trường cần phải phân biệt, nhận diện được sản phẩm an toàn, sản phẩm VietGAP, sản phẩm hữu cơ.

Sản phẩm VietGAP giá trị cao hơn sản phẩm an toàn vì vừa phải đạt yêu cầu về ATTP, đồng thời còn mang các giá trị khác về bảo vệ môi trường, sức khỏe người lao động.

Sản phẩm hữu cơ có giá trị cao hơn sản phẩm VietGAP vì tuyệt đối an toàn do không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất trong mối cân bằng của hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học…

 

(Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN và MT)

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.