| Hotline: 0983.970.780

Cần hỗ trợ xứng đáng cho những người giữ rừng

Thứ Sáu 26/07/2024 , 08:00 (GMT+7)

Yên Bái Máu, mồ hôi của những người giữ rừng vẫn rơi để bảo vệ màu xanh cho các cánh rừng, họ cần được trang bị, hỗ trợ tốt hơn để vơi bớt nỗi nhọc nhằn.

Công tác tuần tra bảo vệ rừng ở các địa bàn vùng cao tỉnh Yên Bái  còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Tiến.

Công tác tuần tra bảo vệ rừng ở các địa bàn vùng cao tỉnh Yên Bái  còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Tiến.

Những hiểm nguy thường trực

Anh Giàng A Dê, kiểm lâm viên của Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, người đã có 28 năm gắn bó với với công tác bảo vệ rừng ở huyện vùng cao đầy khắc nghiệt này.  Anh Dê được giao phụ trách phối hợp với các chủ rừng thực hiện quản lý, bảo vệ 2 địa bàn là xã Kim Nọi và thị trấn Mù Cang Chải với diện tích rừng bảo vệ gần 90 ha, chủ yếu là rừng tự nhiên phòng hộ và rừng trồng sản xuất.

Anh Dê chia sẻ, nhiệm vụ tuần rừng ở đây rất vất vả do địa hình phức tạp bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và khe sâu liên tục, nhiều khu vực phải đi xa trung tâm từ 50 – 70 km. Xe máy chỉ leo dốc được khoảng nửa quãng đường, còn lại phải đi bộ, mỗi chuyến đi thường phải ngủ lại trong rừng. Vì vậy anh em kiểm lâm phải tự trang bị ba lô, võng ngủ, túi ngủ, đèn pin, bình nước, thuốc men, công cụ khác và lương thực, thực phẩm mang lên rừng.

Ngoài ra lương khô dự phòng là thứ không thể thiếu do các tuyến tuần rừng thường không cố định, luôn có sự thay đổi nên chuyến nào đi ngắn nhất là 30km, chuyến dài có thể đến 90 km.

Những chuyến tuần rừng dài ngày đòi hỏi lực lượng kiểm lâm phải trang bị các vật dụng thiết yếu và lương thực, thực phẩm trong ba lô. Ảnh: Đăng Hải.

Những chuyến tuần rừng dài ngày đòi hỏi lực lượng kiểm lâm phải trang bị các vật dụng thiết yếu và lương thực, thực phẩm trong ba lô. Ảnh: Đăng Hải.

Gian khổ nhất với lực lượng kiểm lâm là vào mùa hanh khô, với đặc thù địa hình đồi núi dốc, gió Lào thổi mạnh làm cho các tầng thảm thực vật khô nỏ, đây lại là thời điểm người dân phát dọn thực bì để làm nương rẫy nên rất dễ xảy ra cháy lan vào rừng.

Trong khi đó, công việc chữa cháy rừng rất nguy hiểm và khó lường bởi thời điểm cháy hay xảy ra vào buổi chiều tối, lực lượng đi chữa cháy trong đêm tối, chiều hướng gió không ổn định, nhiều khi xuất hiện cơn gió theo sườn núi và ảnh hưởng trực tiếp từ dòng đối lưu của đám cháy.

Đa số những điểm cháy có độ dốc lớn, nguy cơ và tốc độc cháy lan rất nhanh. Những nguy hiểm, rủi ro bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra là đất đá, gốc gây mục lăn và nhất là gió quẩn theo dòng đối lưu tạo ngọn lửa bao vây người đi chữa cháy gây thương vong...  Ấy là chưa nói đến những nguy hiểm khác như bị thương do quá trình phát dọn đường băng cản lửa, hay rắn rết cắn...

Anh Giàng A Dê thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Giàng A Dê thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhớ lại câu chuyện cách đây 8 năm, anh Dê kể: Tháng 4 năm 2016, sau khi phát hiện đám cháy tại khu vực bản Dào Cu Nha, xã Lao Chải, anh em kiểm lâm đã phối hợp với các lực lượng lên rừng tổ chức chữa cháy. Trong khi đám cháy đang bùng phát mạnh, tạo vòng cung khép kín sườn núi. Lúc này, em em đều đã mệt lả, trời lại sẩm tối khó quan sát ngọn lửa và không đoán được hướng gió.

Anh Dê cùng anh Sùng A Thênh, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện và chiến sỹ 3 dân quân địa phương lao qua sườn núi để dập lửa, khi cách đám cháy khoảng 20 mét thì ngọn lửa bốc lên dữ dội tiến thẳng về hướng 5 con người, tất cả đành hô nhau tháo chạy ngược lên đỉnh núi. Do tầng thảm mục dày, đám cháy lớn, khói bụi ngột ngạt, có người tụt cả giày, đánh rơi cả dao phát để thoát thân. Lên đến đỉnh núi mới biết mình thoát chết...

Ăn mì tôm với rau rừng chờ tiếp tế

Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có địa hình đồi núi phức tạp, lại giáp ranh nhiều địa phương trong tỉnh và tỉnh láng giềng Sơn La. Toàn huyện hiện có hơn 45.000 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ gần 34.000 ha và gần 12.000 rừng sản xuất.

Thời gian qua, các khu rừng trên địa bàn luôn là điểm nóng về cháy rừng vì nơi đây mùa khô kéo dài từ tháng 9 năm trước cho đến tháng 5 năm sau, gió Lào và khí hậu hanh khô nên chỉ cần chủ quan trong việc sử dụng củi lửa đều có thể gây cháy cả một khu rừng. Địa hình hiểm trở nên mỗi khi cháy rừng thường xảy ra cháy lớn và lan rộng, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, phải mất rất nhiều năm và tốn nhiều kinh phí, công sức mới có thể phục hồi.

Những vụ cháy rừng thường do người dân đốt nương làm rẫy làm cháy lan, công tác chữa cháy rất khó khăn và nguy hiểm, đặc biệt là vào ban đêm.  Ảnh: Thanh Tiến.

Những vụ cháy rừng thường do người dân đốt nương làm rẫy làm cháy lan, công tác chữa cháy rất khó khăn và nguy hiểm, đặc biệt là vào ban đêm.  Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Phạm Thành Đô - Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu chia sẻ, nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn bởi diện tích rừng quản lý lớn, ở khu vực xa dân cư, địa hình chia cắt, đồi núi cao, độ dốc lớn.

Viên chức của đơn vị thường xuyên phải đi bộ những quãng đường dài trong rừng sâu, nhất là mùa mưa nhiều đoạn lầy lội, trơn trượt hoặc bị chia cắt bởi các con suối sâu. Có những chuyến đi bộ từ sáng đến chiều tối mới tới nơi, các điểm này thường không điện, không sóng điện thoại để liên lạc.

Có nhiều chuyến tuần rừng phải ở nhiều ngày trong rừng không chăn màn, chỉ có chút lương thực là lương khô, mì tôm, gạo, cá khô. Chỗ ngủ phải chặt cây rừng làm chiếu, lấy áo mưa che phía trên, nếu gặp trời mưa thì cả đêm không ngủ được.

Việc mang theo lương thực, thực phẩm cho những chuyến tuần rừng nhiều lúc rất vất vả, nhiều chuyến anh em phải ăn mì tôm với rau mầm gai trong khi chờ tiếp tế.

Một bữa ăn tạm giữa rừng của cán bộ viên chức Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu. Ảnh: Thanh Tiến.

Một bữa ăn tạm giữa rừng của cán bộ viên chức Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu. Ảnh: Thanh Tiến.

Sau những chuyến tuần rừng, hoặc chữa cháy, lúc xuống núi cũng đầy trắc trở khi gặp mưa lớn, đường dốc trơn, anh em chỉ biết bám vào cây ven đường cho khỏi bị ngã, xuống hết đoạn dốc có người bị cỏ gai cứa rách da thịt, máu nhuộm ướt áo. 

Công việc vất vả, nhưng hiện nay thu nhập của viên chức trong Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu còn thấp, đa số có mức thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó một số đồ bảo hộ lao động như quần áo, giày mũ không được trang bị hỗ trợ.

Một bữa cơm trong đêm tối của những người 'lính giữ rừng'. Ảnh: Thanh Tiến.

Một bữa cơm trong đêm tối của những người "lính giữ rừng". Ảnh: Thanh Tiến.

Cần đầu tư thiết bị chuyên dụng

Yên Bái là tỉnh có diện tích rừng lớn với gần 435.000 ha rừng. Với đặc thù địa hình chia cắt, hiểm trở, cơ sở hạ tầng còn hạn chế gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Hiện nay, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp thường xảy ra ở địa bàn đặc thù (rừng núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn giáp ranh nhiều huyện, nhiều tỉnh). Diện tích rừng tập trung nhiều ở các vùng là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc ít người, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng, nên có những tác động lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ cháy rừng làm thiệt hại gần 28 ha.

Bình quân 1 công chức kiểm lâm phải bảo vệ diện tích 2.000 - 3.000 ha rừng.

Bình quân 1 công chức kiểm lâm phải bảo vệ diện tích 2.000 - 3.000 ha rừng.

Công tác bảo vệ rừng ở tỉnh miền núi như Yên Bái hiện nay còn có những khó khăn, bất cập như lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, lực lượng kiểm lâm luôn trong tình trạng quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn, bình quân 1 công chức kiểm lâm phải bảo vệ diện tích 2.000 - 3.000 ha rừng, có nơi 1 người phải quản lý bảo vệ trên 10.000 ha rừng.  

Trong khi đó, cơ sở vật chất còn thiếu, nhiều trạm kiểm lâm địa bàn xuống cấp nghiêm trọng, các hạ tầng về lâm nghiệp chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, trang thiết bị phục vụ thiếu thốn, lạc hậu chủ yếu là thiết bị thô sơ.

Cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng chuyên dụng cho lực lượng bảo vệ rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng chuyên dụng cho lực lượng bảo vệ rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về phòng cháy chữa cháy rừng hiện nay, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng chuyên dụng. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ NN-PTNT rà soát chính sách về lâm nghiệp để xây dựng quy định chung theo hướng đơn giản hóa, bãi bỏ các quy định chồng chéo, không phù hợp. Ưu tiên nghiên cứu, xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng.

Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết, hiện nay phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng làm công tác chữa cháy rừng còn hạn chế. Ở nhiều địa phương dụng cụ chữa cháy rừng chủ yếu thô sơ như dao phát, cành cây để dập lửa. Khi xảy ra tình huống cháy rừng lớn thì lúng túng, không đủ trang thiết bị có hiệu suất sử dụng cao. Việc huy động đông người, có lúc lên đến vài trăm người không có trang thiết bị nên hiệu quả chữa cháy rừng thấp, thậm chí gây nguy hiểm.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai

Rừng bị thiệt hại nặng, gãy đổ hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) thì khai thác, tận thu toàn bộ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất