| Hotline: 0983.970.780

Cần làm rõ tính khả thi Đề án chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL

Thứ Hai 22/08/2022 , 20:31 (GMT+7)

Chuyên gia cho rằng, đề án chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL có quy mô rộng, kinh phí xã hội hóa 100% nên cần làm rõ tính khả thi.

TT-1

Bộ NN-PTNT thảo luận các vấn đề xung quanh Đề án xây dựng “Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ”. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 22/8, Bộ NN-PTNT thảo luận các vấn đề xung quanh Đề án xây dựng “Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ” (viết tắt là Đề án chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL) để đóng góp với TP Cần Thơ trước khi thống nhất, trình Thủ tướng.

Một điểm đến, đa dịch vụ

Mục tiêu của trung tâm sau khi thành lập là thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản.

Bên cạnh đó, hình thành một khu vực đầu mối để tăng cường liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với khu vực công nghiệp chế biến.

Cụ thể, thu hút các dự án nghiên cứu, ứng dụng các loại công nghệ để hình thành các chuỗi cung ứng gắn kết các nhà sản xuất nguyên liệu, nhà chế biến, thương nhân, các nhà vận chuyển, dịch vụ logistics, nhà phân phối và khách hàng, người tiêu dùng cùng các bên liên quan khác như cơ quan chức năng, dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ.

Sau đó, trung tâm sẽ phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Phát triển hạ tầng dịch vụ logistics phục vụ nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả các dịch vụ vận chuyển, tồn trữ, bảo quản, giảm tỷ lệ thất thoát, hư hỏng cho hàng nông sản.

Thêm một nhiệm vụ nữa là nâng cao năng lực dịch vụ tư vấn đầu tư, khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông, thủy sản; phát triển công nghệ ứng dụng trong chuỗi cung ứng nông nghiệp, hình thành năng lực quản lý mạng cung ứng số, thương mại điện tử xuyên biên giới.

Cuối cùng là tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các cấp quản trị, điều hành, quản lý, giám sát, kỹ thuật nghiệp vụ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; chú trọng đào tạo chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về vị trí của trung tâm, dự kiến phải đảm bảo thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa đường thủy, đường bộ và đường hàng không, đặc biệt là vận tải đường thủy vì ở ĐBSCL thường có nhu cầu vận chuyển hàng nông sản bằng đường thủy với khối lượng lớn để giảm chi phí giá thành.

ca tra

Hiện nay nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL vẫn có thói quen đưa sản phẩm lên các khu chế xuất ở TP.HCM. Ảnh: TL.

Xác định rõ mục tiêu, quy mô

Tại buổi làm việc chiều 22/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ, để xây dựng thành công đề án này, các bên cần xem xét về quy mô, nguyên nhân là hiện nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản ở ĐBSCL đang có thói quen đưa hàng lên các khu chế xuất ở TP.HCM.

“Chúng ta cần xác định rõ nhu cầu từ phía các doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần làm rõ ranh giới giữa tư nhân và nhà nước trong vai trò quản lý, vận hành trung tâm này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng đưa ý kiến về ý nghĩa của trung tâm, đảm bảo phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đáp ứng tư duy theo hướng kinh tế, giảm chế biến thô…

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) cho rằng, do đề án có quy mô rộng, kinh phí xã hội hóa 100% mà lại trong lĩnh vực nông nghiệp nên cần làm rõ tính khả thi và khả năng thu hút đầu tư, tham gia của doanh nghiệp.

Với ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thì vấn đề cần xem xét là khả năng xây dựng khu phi thuế quan trong trung tâm này.

Theo đó, ông Toản cho rằng khi xây dựng đề án cần rà soát kỹ về pháp lý cũng như cần đến sự vào cuộc của 13 địa phương ĐBSCL. Ngoài ra, ông Toản cho rằng nếu doanh nghiệp nào đã cam kết tham gia vào trung tâm sau khi hình thành thì cần lấy ý kiến, đóng góp của họ để xây dựng đề án.

Dự kiến, Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ là khu vực có ranh giới cụ thể, diện tích khoảng 450ha, vị trí quy hoạch tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy và xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, có bốn cạnh gồm: 1 cạnh tiếp giáp sân bay quốc tế Cần Thơ (đã chừa phần mở rộng theo hướng từ sân bay về trung tâm thành phố), 1 cạnh tiếp giáp đường tỉnh 918; 1 cạnh tiếp giáp đường Võ Văn Kiệt và 1 cạnh tiếp đường Vành đai phía tây dự kiến mở.

Xem thêm
Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.