| Hotline: 0983.970.780

Để mảnh đất ‘Chín Rồng’ giàu lên từ con tôm

Cần ngăn chặn nạn mua bán tôm giống kém chất lượng

Thứ Hai 09/08/2021 , 11:04 (GMT+7)

Tăng cường thanh kiểm tra đột xuất, xử lý, ngăn chặn vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống giúp ngành tôm ở ĐBSCL phát triển bền vững và hiệu quả cao.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2021, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn rủi ro khi ngành tôm đang phát triển nóng.

Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng trong sử dụng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, thời tiết khí hậu bất thường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh; diễn biến Covid-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cùng với Đoàn công tác kiểm tra tôm giống trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cùng với Đoàn công tác kiểm tra tôm giống trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Vì vậy, cần đánh giá thực trạng thuận lợi, khó khăn, bàn giải pháp khắc phục, tận dụng cơ hội để duy trì sự phát triển ổn định của ngành tôm trong tình hình mới.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, vấn đề kiểm soát chất lượng tôm giống là rất quan trọng đối với các tỉnh ĐBSCL. Muốn làm được điều đó, các tỉnh phải ký cam kết phối hợp quản lý tôm giống.

Trước đó, vào giữa năm 2020, Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Cục Thú y, các địa phương kiểm tra chợ tôm giống tại Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và đề xuất giải pháp quản lý có hiệu quả.

Đồng thời, Tổng cục Thủy sản cũng phối hợp với Cục An ninh Kinh tế Nông, lâm, ngư nghiệp (A04) và Thanh tra Bộ NN-PTNT tiến hành thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản có dấu hiệu vi phạm.

Đồng thời chủ động phối hợp với Đoàn công tác liên ngành của các tỉnh trọng điểm tiêu thụ tôm giống vùng ĐBSCL như Bạc liêu, Cà Mau, Sóc Trăng kiểm tra các phương tiện vận chuyển giống thủy sản qua các địa bàn của tỉnh.

Qua đó đã xử lý vi phạm hành chính 11 cơ sở với lỗi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; sử dụng tôm bố mẹ không có nguồn gốc; số tiền phạt vi phạm hành chính là 805 triệu đồng.

Số tôm bố mẹ và tôm hậu bị buộc tiêu hủy hoặc chuyển mục đích sử dụng là 15.000 con, là số lượng tôm bố mẹ lớn nhất từ trước đến nay bị tiêu hủy.

Bên cạnh đó, Đoàn công tác liên ngành cũng đã kiểm tra, phát hiện 28 phương tiện vận chuyển tôm giống không có Giấy kiểm dịch, xử phạt vi phạm hành chính 196 triệu đồng, buộc tiêu hủy 10 triệu con tôm giống.

Ông Trần Đình Luân cho biết, qua thực hiện quy chế quản lý giống thủy sản giữa các địa phương, việc cung cấp thông tin từ các địa phương sản xuất, cung ứng tôm giống đến các địa phương vùng tiêu thụ được kịp thời, giảm rõ rệt số lượng tôm giống không qua kiểm dịch, tôm giống kém chất lượng.

Đồng thời, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nước lợ tự nâng cao chất lượng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tính đến tháng 6/2021, các địa phương đã thực hiện kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống như Bạc Liêu 183/200 cơ sở; Cà Mau 85/823 cơ sở…

Giảm lệ thuộc vào nhập khẩu tôm giống bố mẹ

Cũng theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, một trong những khó khăn trong sản xuất tôm giống hiện nay là Việt Nam đang thiếu hụt tôm bố mẹ và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên.

Nguồn cung tôm giống hạn chế, trong khi sản lượng tôm nước lợ lại tăng mạnh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020).

Vào mùa cao điểm thả giống, vùng nuôi trọng điểm tại ĐBSCL vẫn còn số lượng lớn tôm giống nhập khẩu từ các tỉnh Nam Trung bộ không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Nhiều lô giống sản xuất tại cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện, nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.

Không những thế, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Đình Luân cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng  trong thời gian tới là phải tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư thủy sản. Đồng thời tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và người nuôi tôm cần nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, ASC,… để nâng cao giá trị sản phẩm.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.