| Hotline: 0983.970.780

Thị trường điều chỉnh giảm thiểu khó khăn ở 'thủ phủ' sản xuất tôm giống

Thứ Sáu 30/07/2021 , 16:26 (GMT+7)

Trước đây, mỗi ngày Ninh Thuận có khoảng 200-300 xe vận chuyển tôm giống đi các tỉnh tiêu thụ nhất là các tỉnh phía Nam nhưng hiện mỗi ngày chỉ còn hơn 80 xe...

Thị trường tôm giống đang tự điều chỉnh do đầm tôm ở các tỉnh ĐBSCl giảm thả

Thị trường tôm giống đang tự điều chỉnh do đầm tôm ở các tỉnh ĐBSCl giảm thả

Với điều kiện thuận lợi về khí hậu và nước biển sạch, Ninh Thuận đã trở thành trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất nước. Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 450 cơ sở sản xuất giống, riêng năm 2020 toàn tỉnh đã sản xuất gần 43 tỷ tôm giống, chiếm 35% lượng tôm giống của cả nước, trong đó chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Trên 90% lượng tôm giống của Ninh Thuận được tiêu thụ tại các tỉnh ĐBSCL, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và các địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã ảnh hưởng đến tiêu thụ và sản xuất tôm giống của địa phương.

Ninh Thuận có khoảng 450 cơ sở sản xuất tôm giống và cung ứng ra thị trường gần 43 tỷ con giống/năm. Ảnh: Minh Hậu.

Ninh Thuận có khoảng 450 cơ sở sản xuất tôm giống và cung ứng ra thị trường gần 43 tỷ con giống/năm. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống Thủy sản Ninh Thuận, cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư S6 cho hay, hiện nay công tác chống dịch là cần thiết để đưa cuộc sống trở lại bình thường. Phía Hiệp hội cũng tuyên truyền cho các doanh nghiệp cố gắng xắp xếp việc sản xuất, chủ động đàm phán với khách hàng, hộ nuôi để tránh thiệt hại. Vấn đề đầu vào, thức ăn chăn nuôi đang khó khăn nên các doanh nghiệp phải tự “thích ứng”, đưa ra các giải pháp phù hợp.

“Việc vận chuyển tôm giống vẫn diễn ra nhưng do tình hình dịch bệnh nên gặp khó khăn hơn trước đây. Hiện nay xe vận chuyển tôm giống vẫn đi được nhưng khó khăn hơn trước do chi phí tăng cao, tài xế phải xét nghiệm…”, ông Lâm nói và cho biết thêm, tôm giống từ lúc ươm trứng đến khi xuất bán khoảng 1 tháng. Trong trường hợp tôm giống không xuất đi kịp, quá lứa thì phải bỏ.

Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận cho biết, hiện nay các cơ sở sản xuất tôm giống đều gặp khó khăn. Những khó khăn đó là nguồn thức ăn cho tôm nhập từ các đại phương khác như TP.HCM, Hà Nội… việc vận chuyển thức ăn gặp không ít khó khăn do mỗi địa phương có quy định khác nhau, các cơ sở nuôi tôm hiện thiếu lao động sản xuất và đóng gói tôm do quy định giãn cách, việc xuất bán tôm cũng khó khăn do vận chuyển...

Theo ông Lê Văn Quê, khi 12 tỉnh ĐBSCL mới thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì việc vận chuyển tôm giống vào những địa phương này khó khăn, nhưng nay đã dễ dàng hơn.

 “Hiện nay các cơ sở sản xuất tôm giống đã dần được tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển. Theo quy định của địa phương, các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn phải đảm bảo “3 tại chỗ”, do đó khi các tài xế quay về thì phải ở ngay tại nơi sản xuất mà không được về nhà và tài xế không phải cách ly 14 ngày, nếu có hàng thì lại tiếp tục vận chuyển miễn sao có giấy xét nghiệm âm tính”, ông Lê Văn Quê cho biết.

Do dịch bệnh Covid-19, việc vận chuyển và các dịch vụ phụ trợ bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến sản xuất tôm giống. Ảnh: Minh Hậu. 

Do dịch bệnh Covid-19, việc vận chuyển và các dịch vụ phụ trợ bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến sản xuất tôm giống. Ảnh: Minh Hậu. 

Hiện tại, ông Lê Văn Quê hiện là cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư S6 (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở Ninh Thuận). Với quy mô sản xuất lớn, mỗi năm, công ty này cung ứng khoảng trên dưới 2 tỷ tôm giống cho các địa phương trên cả nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đã điều chỉnh sản xuất xuống còn khoảng 1 tỷ con giống trong năm nay và việc sản xuất vẫn diễn ra bình thường. 

Ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nên các dịch vụ như thức ăn chăn nuôi, xe vận chuyển, nhân viên, nhân công đóng tôm, thị trường… đều khó khăn. Trước đây, mỗi ngày Ninh Thuận có khoảng 200-300 xe vận chuyển tôm giống đi các tỉnh tiêu thụ nhất là các tỉnh phía Nam nhưng hiện mỗi ngày chỉ còn hơn 80 xe.

Công ty Cổ phần Đầu tư S6 hiện giảm năng lực sản xuất tôm giống do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Minh Hậu. 

Công ty Cổ phần Đầu tư S6 hiện giảm năng lực sản xuất tôm giống do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Minh Hậu. 

Ông Huỳnh Minh Khánh cũng thừa nhận, thời gian qua do khó khăn vận chuyển và do thực hiện giãn cách nên nhiều địa phương cũng thả con giống ít hơn mọi năm, do đó có tình trạng một lượng tôm giống của địa phương sản xuất ra bị ùn ứ. Và do không vận chuyển được, tôm post vượt quá các tiêu chuẩn nên người dân không mua, buộc nơi sản xuất phải bỏ.

Về vấn đề tôm post vượt quá tiêu chuẩn do không kịp vận chuyển đến nơi tiêu thụ, ông Lê Văn Quê cho biết Hiệp hội Giống Thủy sản Ninh Thuận cũng ghi nhận một số trường hợp. Theo ông Quê, trước đây, đối với loại tôm quá lứa, không bán được cho các đầm nuôi thì có thể chuyển đến bán ở các chợ tại tại một số tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau để cung cấp giống cho người dân nuôi quảng canh. Tuy nhiên, hiện nay các khu chợ kiểu thế này đều đóng cửa do dịch bệnh nên tôm quá lứa không tiêu thụ được và phải bỏ.

Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận: Ngay sau khi các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc vận chuyển lưu thông hàng hoá nói chung và tôm giống nói riêng gặp khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn trong lưu thông tôm giống, chúng tôi đã liên hệ với các Chi cục Chăn nuôi và Thú y các đơn vị bạn mà có xe đi qua, đối với các cơ sở nuôi tôm chúng tôi chủ động hướng dẫn, nếu vướng chỗ nào, điểm nào thì cùng tháo gỡ đến nay cơ bản ổn định, việc vận chuyển được thuận lợi hơn. Về lượng tôm kiểm dịch để xuất đi các địa phương thời điểm này giảm do tình hình chung của dịch bệnh, các địa phương giảm thả.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.