| Hotline: 0983.970.780

Cân nhắc rút số ngày xả nước đổ ải vụ đông xuân đợt 1

Thứ Năm 12/01/2017 , 13:37 (GMT+7)

Sáng 12/1, đoàn công tác của Tổng cục Thuỷ lợi do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác lấy nước phục vụ đổ ải tại một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng.

Do thời điểm các hồ thuỷ điện xả nước tăng cường phục vụ đổ ải gieo cấy vụ đông xuân 2016  - 2017 đợt 1 (từ 0 giờ ngày 10/1) các tỉnh Trung du và đồng bằng Bắc bộ được tính toán đúng vào dịp triều cường đạt đỉnh và có mưa nhỏ trên diện rộng. Bởi vậy, công tác lấy nước vào nội đồng đang diễn ra khá thuận lợi.

Sáng 12/1, đoàn công tác của Tổng cục Thuỷ lợi do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác lấy nước phục vụ đổ ải tại một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng.



Đoàn kiểm tra có mặt tại trạm bơm Đại Nẫm (Thái Bình)
 

Các tỉnh ven biển như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình là địa phương lấy nước sớm  vào đợt 1 xả nước. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình, những tháng vừa qua hầu như không có mưa nên đất rất khô. Ở các cửa cống ven biển bị bao vây bởi mước mặn, mực nước cũng rất thấp, không thể vận hành các cống tự chảy.

Khoảng 1 ngày sau khi hồ thuỷ điện xả nước, mực nước đã tăng lên 25cm và đến hôm nay là 50cm, góp phần đẩy mặn lùi xa về phía biển. Hiện tại, toàn bộ hệ thống thuỷ lợi vùng ven biển của hai huyện Tiền Hải và Thái Thuỵ, phục vụ cấp nước cho khoảng 25.000 ha đã được thau chua rửa mặn.

Theo ông Chiến, vụ đông xuân năm nay Thái Bình có kế hoạch gieo cấy hơn 80.000 ha lúa và hơn 15 ha các cây trồng khác. Trong đợt 1 lấy nước đổ ải, tỉnh đã yêu cầu tất cả các trạm bơm và công trình lấy nước phải có người túc trực 24/24 để lấy đủ nước cho ít nhất 20% trong tổng diện tích gieo cấy. Kết thúc đợt 2 lấy nước, dự kiến diện tích đủ nước sẽ đạt trên 90%.

Tại cống Đại Nẫm, xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ - Thái Bình), mực nước sông Luộc  đang lên cao, hoàn toàn đủ điều kiện để tự chảy vào hệ thống kênh mương dẫn vào nội đồng. Theo đại diện trạm bơm Đại Nẫm, nước từ các hồ thuỷ điện kết hợp với triểu cường đạt đỉnh trong ngày 12 – 13 là điều kiện rất lý tưởng đẻ lấy nước qua các trạm bơm và hệ thống cống tự chảy.

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Hà Nam, hiện tại nguồn nước đang rất lý tưởng để các công trình phục vụ đổ ải vận hành. Ngoài lợi dụng nguồn nước xả hồ thuỷ điện, tỉnh còn tranh thủ nước triều dâng trên các sông để bơm vào nội đồng, phấn đấu cơ bản hoàn thành công tác cấp nước trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi (Sở NN-PTNT Hà Nam), đến thời điểm hiện tại, diện tích đủ nước của tỉnh đạt hơn 3000 ha (9% tổng diện tích gieo cấy vụ đông xuân 2016 - 2017).

Đoàn kiểm tra của Tổng cục Thuỷ lợi đã đi thăm cống Tắc Giang (huyện Duy Tiên) và một số trạm bơm của tỉnh Hà Nam. Ghi nhận tại hiện trường, tại các công trình lấy nước đều vận hành tốt so với công suất thiết kế.


Đoàn công tác kiểm tra cống Tắc Giang (Duy Tiên - Hà Nam)
 

Ông Nguyễn Văn Tỉnh đánh giá: Các địa phương đều rất chủ động trong công tác lấy nước, một số tỉnh có tốc độ lấy nước vượt kế hoạch đề ra. Tuy lượng mưa trong 3 ngày nay không nhiều, nhưng nó đã hỗ trợ một phần cho việc cấp nguồn nước phục vụ đổ ải.

Bởi vậy, Tổng cục Thuỷ lợi sẽ bàn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để cân nhắc giảm số ngày xả nước các hồ thuỷ điện  trong đợt 1 (thay vì 6 ngày xả nước như dự kiến) để tiết kiệm nước cho các đợt xả sắp tới. Nếu rút 1 ngày xả nước, chúng ta sẽ tiết kiệm được khoảng 300 triệu m3. Nếu tính toán theo định mức kỹ thuật phát điện như ông Hoàng Văn Lợi – chuyên viên Ban Kỹ thuật – Sản xuất (EVN), 300 triệu m3 nước có thể tạo ra hơn 6 triệu kw, tương đương khoảng 100 tỷ đồng.

Năm nay, lượng nước trữ tại các hồ thuỷ điện lớn tại phía Bắc như Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang thiếu hụt so với cùng kỳ năm 2016 khoảng 1 tỷ m3. Bởi vậy trong lúc này, nếu có thể giảm bớt số ngày xả nước sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.