| Hotline: 0983.970.780

Cân nhắc trước khi điều chỉnh giờ làm, giờ học

Thứ Ba 25/10/2011 , 09:46 (GMT+7)

Trao đổi với báo chí bên lề QH, ông Phạm Quang Nghị cho rằng, Hà Nội chưa quyết định việc điều chỉnh giờ làm của cán bộ, công chức như đề xuất của Bộ GT-VT.

Cha mẹ học sinh vất vả đón con giờ cao điểm

Trao đổi với báo chí bên lề QH sáng 24- 10, ông Phạm Quang Nghị cho rằng, Hà Nội chưa quyết định việc điều chỉnh giờ làm của cán bộ, công chức như đề xuất của Bộ GT-VT.

Ông Phạm Quang Nghị nói: Vấn đề này cần nghe thêm, thậm chí phải có những điều tra xã hội học xem việc điều chỉnh như vậy thì thông điệp là gì, phần nào lợi, phần nào lại làm nảy sinh phức tạp mới. Ngay cả khi quyết định thì cần xác định điều chỉnh ở khu vực nào, lĩnh vực nào.

Như vậy là giải pháp này cần nghiên cứu thêm, thưa ông?

Trước khi đưa ra một giải pháp cần ước lượng những vấn đề mới phát sinh. Nếu giải pháp đó mang lại lợi ích nhiều hơn thì khó cũng phải thực hiện. Nhưng nếu phần phát sinh không giúp cải thiện được tình hình thì phải thận trọng. Tôi chỉ có thể nói đây là một giải pháp đang phải tiếp tục cân nhắc.

Vậy quan điểm của ông thế nào về đề xuất của Bộ GT-VT điều chỉnh giờ làm của các cơ quan T.Ư bắt đầu từ 9 giờ và Hà Nội là 8 giờ 30 phút?

Hà Nội đang cùng Bộ GT-VT tiếp tục nghiên cứu, nghe những ý kiến phản biện, điều tra dư luận xã hội. Nếu thực hiện như vậy thì hiệu quả thế nào, sẽ phát sinh những vấn đề gì.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng GT-VT Đinh La Thăng nói đang cùng Hà Nội bàn soạn văn bản để đề nghị Thủ tướng trong tuần này phê duyệt đề án điều chỉnh giờ làm?

Nếu đủ căn cứ rồi thì trình nhưng chưa đủ thì chưa thể trình. Chính phủ yêu cầu quý I- 2012 mới trình đề án về giao thông này. Nếu làm được sớm thì tốt nhưng nếu cảm thấy chưa vững chắc thì phải có thời gian nghiên cứu thêm.

Như vậy Hà Nội không đồng quan điểm “mạnh” là triển khai ngay, không thí điểm như Bộ trưởng GT-VT phát biểu?

Hà Nội chưa quyết định điều gì cụ thể cả. Hà Nội đang xem xét, nghiên cứu. Nghiên cứu này không chỉ đối với một ngành là giao thông mà còn phải đối chiếu với nhiều ngành, lĩnh vực khác liên quan đến giao thông, rồi phải nghe dư luận xã hội.

Việc điều chỉnh giờ làm như ông nói chưa chắc đã giải quyết được nạn ùn tắc giao thông, vậy tính khả thi của giải pháp này ra sao?

Tôi không nói giải pháp này sẽ không thành công. Nếu như có thì nó sẽ góp một phần nhất định chứ không thể giải quyết một cách căn bản tình hình ùn tắc. Muốn giải quyết căn bản tình hình thì giải pháp phải đồng bộ mà trong đó ưu tiên số một là cải thiện, tăng cường thêm năng lực hạ tầng giao thông.

Đó là biện pháp số một vì giờ người nhiều mà đường ít thì tất cả giải pháp khác chỉ mang tính chất tình thế, có thể giúp giảm thiểu ở mức độ nào đó.

Tiếp đến là những biện pháp về điều tiết các loại hình cho hợp lý giữa giao thông công cộng và giao thông cá nhân. Giao thông công cộng thì hiện có xe buýt nhưng cần tính cách cho những loại phương tiện công cộng sắp tới sẽ có như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm.

Muốn nâng cao ý thức người tham gia giao thông cần làm gì thưa ông?

Hỗ trợ cho việc tăng cường nâng cao ý thức rõ ràng cần có biện pháp, chế tài đủ mạnh để cưỡng chế buộc mỗi người phải chấp hành. Đó là xử phạt với mức phải tương xứng hậu quả mà người vi phạm gây ra. Hậu quả xã hội làm tắc đường, có khi chậm 1 giờ, có khi chậm nhiều giờ mà lại chỉ phạt người vi phạm mấy chục nghìn thì không tương xứng. Vì vậy chúng ta cần cho một mức phạt đủ để giữ luật pháp nghiêm minh.

Bộ GT- VT đang vận động công chức trong ngành đi làm bằng xe buýt. Hà Nội có nên hưởng ứng phong trào này, thưa ông?

Hà Nội hiện chưa có chủ trương nào như vậy vì khi định tiến hành việc gì cũng phải xem khả năng thực hiện đến đâu. Mặc dù tăng lượng người đi xe buýt lên là rất tốt, rất cần nhưng số lượng xe vẫn như hiện nay mà ai cũng tập trung đi xe buýt cả thì chưa chắc đơn vị cung cấp đã đảm bảo chuyên chở.

Hiện quan điểm hạn chế xe cá nhân, nhìn chung được dư luận khá đồng thuận. Theo ông để hạn chế ô tô trước, sau đó mới đến xe máy hay là tiến hành song song với cả 2 loại phương tiện này?

Theo tôi nói đến hạn chế phương tiện cá nhân thì phải tiến hành đồng thời nhưng nên quan tâm nhiều hơn đến ô tô cá nhân.

Cảm ơn ông!

(Theo Tiền phong)

Xem thêm
ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhộn nhịp trên công trình hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1

Hàng trăm công nhân cùng máy móc đang tập trung hoàn thiện hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1 theo tiến độ của chủ đầu tư đưa ra.

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.