Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến vừa thăm và làm việc với Viện Cây ăn quả miền Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).
TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: Viện Cây ăn quả miền Nam có nhiệm vụ nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ về cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh cho các tỉnh, thành phố phía Nam. Giai đoạn 2018 – 2022, Viện được giao 1 nhiệm vụ thuộc Chương trình Khoa học công nghệ cấp quốc gia; 11 đề tài, dự án cấp bộ; 1 dự án khuyến nông trung ương; 1 dự án giống; 3 dự án hợp tác quốc tế và 12 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng.
Trong công tác lai, tạo giống cây trồng mới, tính đến năm 2022, Viện đã lai tạo và được công nhận 22 giống cây trồng mới bằng kỹ thuật lai tạo và xử lý đột biến, trong đó có 13 giống cây ăn quả. Bên cạnh đó, Viện còn tuyển chọn và được công nhận 6 giống cây ăn quả địa phương và nhập nội.
Cùng với đó, để thích ứng với điều kiện bất thuận của môi trường, Viện cũng chọn tạo được nhiều giống cây trồng làm gốc ghép chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn.
Đặc biệt, Viện cũng nghiên cứu, xây dựng trên 50 quy trình công nghệ trong sản xuất các giống; thâm canh cây ăn quả, rau, hoa; quản lý dịch hại tổng hợp… Trong đó, có 15 quy trình công nghệ, kỹ thuật tiêu biểu được ứng dụng rộng rãi trong thời gian gần đây. Thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ, Viện đã chuyển giao các giống mới cho trên 45.000ha canh tác; chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến quy mô trên 60.000ha cho các tỉnh phía Nam…
Bên cạnh những kết quả đạt được, TS Võ Hữu Thoại cũng nhìn nhận một số hạn chế và tồn tại như: Chủng loại giống cây trồng được lai tạo còn hạn chế; chưa phối hợp chặt chẽ với địa phương để triển khai sâu rộng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giải quyết các vấn đề mấu chốt của ngành hàng trái cây; chưa có nhiều kết quả nghiên cứu cơ bản để đánh giá tính thích ứng của từng nhóm cây trồng cho từng vùng sinh thái để có khuyến cáo mang tính đột phá.
Về những hạn chế này, TS Võ Hữu Thoại cho biết: Nguồn kinh phí tài trợ cho công tác lai tạo chủ yếu vẫn dựa vào những dự án với chu kỳ ngắn (3 - 5 năm), chưa có chương trình lai tạo dài hạn… Cùng với đó, việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp hợp tác vào công tác nghiên cứu lai tạo giống còn hạn chế do thời gian lai tạo giống dài, khó giữ được bản quyền tác giả. Cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm còn thiếu, lạc hậu.
Viện Cây ăn quả miền Nam kiến nghị thời gian tới, Bộ NN-PTNT cần ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ phát triển vườn giống gốc cây ăn quả; xây dựng chương trình nghiên cứu dài hạn; xem xét đưa cây xoài, thanh long và sầu riêng là sản phẩm quốc gia đến năm 2030; tăng cường thực thi biện pháp bảo vệ quyền tác giả…
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, thời gian tới, Viện Cây ăn quả miền Nam cần đặt trọng tâm nghiên cứu vào những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây ăn quả, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả, lấy hoạt động lai tạo là hoạt động thường xuyên..., trong đó tập trung ở những cây trồng đang tồn tại những vấn đề trong sản xuất...
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã đánh giá cao những kết quả, thành tựu của Viện Cây ăn quả miền Nam đạt được trong thời gian qua, nhất là đã lai tạo ra nhiều giống cây ăn quả có năng suất, phẩm chất tốt, đồng thời chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ sản xuất cho bà con nông dân.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý Viện cần duy trì những thành tích đạt được, thường xuyên cập nhật những thành tựu mới và đẩy mạnh nghiên cứu hơn nữa để cho ra những sản phẩm cây trồng mang tính thời sự. Thứ trưởng yêu cầu Viện nghiên cứu một số lĩnh vực như: Chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học; các vấn đề về thổ nhưỡng, đưa ra quy trình canh tác phù hợp với từng vùng miền, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực…
Thứ trưởng cũng cho rằng, Viện cần truyền thông, quảng bá thương hiệu, xây dựng thương hiệu để không bị xâm phạm về bản quyền sản phẩm nghiên cứu. Đồng thời, giao Cục Trồng trọt rà soát các văn bản dưới luật về chính sách bảo hộ bản quyền giống cây trồng...