| Hotline: 0983.970.780

Những thành quả tiến bộ khoa học trên cây sầu riêng

Thứ Bảy 13/08/2022 , 12:06 (GMT+7)

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đã đã nghiên cứu, đưa vào sản xuất nhiều thành quả tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây sầu riêng.

Lai tạo 3 dòng sầu riêng mới: béo, tỷ lệ ăn được và hạt lép cao

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, năm 2021, diện tích sầu riêng của một số tỉnh trọng điểm đạt 84.800ha, năng suất bình quân đạt 15,7 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 694 nghìn tấn. Tại Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có 14,9 nghìn  ha. Lâm Đồng có 14 nghìn ha. Tại Đông Nam bộ, tỉnh Đồng Nai có 9,2 nghìn ha. Bình Phước có 3,4 nghìn ha. Tại ĐBSCL, tỉnh Tiền Giang có 15,2 nghìn ha. Vĩnh Long có 3,5 nghìn ha. Bến Tre có 2,5 nghìn ha. Cần Thơ có 2,4 nghìn ha.

Năm 2021, diện tích sầu riêng tại các khu vực trọng điểm hơn 84.800ha. Ảnh: Minh Đảm.

Năm 2021, diện tích sầu riêng tại các khu vực trọng điểm hơn 84.800ha. Ảnh: Minh Đảm.

Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, đến nay, cây sầu riêng có 83 giống/dòng được biết đến. Trong đó, có 19 giống/dòng được chọn lọc và đưa vào sản xuất. Một số giống sầu riêng địa phương tiêu biểu đã được đưa vào sản xuất như: Ri6, cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa, hạt lép Đồng Nai, hạt lép Tiền Giang, Khổ Qua Xanh, Lá Quéo, Chuồng Bò, Sáu Hữu. Những giống nhập nội phổ biến như: Monthong, Chanee, Kanyao, D6, D195, D175, Musang king... Tỷ lệ giống được người dân sản xuất cao nhất Monthong (41,5%). Kế đến là Ri6 (25,5%). Giống cơm vàng hạt lép Chín Hóa là 21,8%.

Từ năm 2008, để góp phần phát triển giống sầu riêng đạt năng suất và chất lượng cao, thích nghi với khí hậu địa phương, Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Đông trực thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam đã cho chọn tạo được 3 cá thể con lai ưu tú từ tổ hợp lai giữa cá thể sầu riêng bố Ri6 và cá thể mẹ Monthong. Ba 3 con lai mới được đặt lên lần lượt là: RM20, RM22 và RM60.

Thông tin về một số đặc điểm chung của 3 con lai này, bà Phạm Thị Mười, công tác tại Bộ môn Chọn tạo giống và Công nghệ sinh học, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ trực thuộc Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam cho biết:

“Tán cây dạng hình tháp. Mật độ cành trung bình. Ra hoa tự nhiên đều đặn tập trung vào tháng 2 hàng năm. Nụ hoa mọc thành chùm, mật độ hoa trung bình. Tỷ lệ đậu trái trung bình. Thời gian từ khi hoa nở - thu hoạch: 105-110 ngày. Mùa thu hoạch chính vụ đầu tháng 6, tương tự cơm vàng hạt lép Chín Hóa và sớm hơn Monthong 1-2 tuần”.

Dòng sầu riêng RM22 được Viện cây ăn quả Miền Nam lai tạo. Ảnh: TL.

Dòng sầu riêng RM22 được Viện cây ăn quả Miền Nam lai tạo. Ảnh: TL.

Dòng sầu riêng lai RM20, tỷ lệ thịt cao, bình quân 32,9%. Tỷ lệ hạt lép khá cao 35,8%. Thịt màu vàng nhạt (tương tự  Monthong), ráo, rất mịn, ngọt, béo, không xơ, không sượng, rất thơm, vị hậu không đắng trong điều kiện bình thường. Độ brix cao 26,5%. Chưa nhiễm các loài sâu bệnh hại nguy hiểm.

Dòng sầu riêng lai RM22 có tỷ lệ thịt cao, bình quân 34,9%. Đặc biệt, tỷ lệ hạt lép rất cao, cao nhất trong 3 dòng, đạt 85,3%. Thịt màu vàng trung bình, ráo, rất mịn, ngọt béo, không xơ, không sượng, rất thơm, vị hậu không đắng trong điều kiện bình thường. Độ brix cao, đạt 25,7%. Chưa nhiễm các loài sâu bệnh hại nguy hiểm.

Dòng sầu riêng lai RM60 có tỷ lệ thịt cao 32,4%. Tỷ lệ hạt lép rất cao 65,5%. Thịt màu vàng đậm, ráo, rất mịn, ngọt, béo, không xơ, không sượng, vị ngọt, rất thơm, vị hậu không đắng trong điều kiện bình thường. Độ brix cao 24,7%. Chưa nhiễm các loài sâu bệnh hại nguy hiểm.

“Chúng tôi chỉ mới đánh giá theo dõi đặc điểm của các dòng sầu riêng con lai, thấy chúng có đặc điểm tương đương so với bố mẹ. Đặc biệt, có một số đặc điểm vượt trội hơn như: béo, tỷ lệ thịt quả cao, tỷ lệ hạt lép cao. Tỷ lệ hạt lép là một trong những yếu tố quyết định tỷ lệ ăn được cao hay không. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm các bước thủ tục để được công nhận giống mới và phổ biến vào sản xuất”, bà Phạm Thị Mười chia sẻ thêm về các dòng sầu riêng mới được lai tạo.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn phục tráng thành công 22 cá thể ưu tú giống sầu riêng Ri6 và 4 cá thể ưu tú giống cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa góp phần bảo tồn và duy trì giống chất lượng cho sản xuất.

Tưới đủ nước cho sầu riêng vào mùa khô. Ảnh: Minh Đảm.

Tưới đủ nước cho sầu riêng vào mùa khô. Ảnh: Minh Đảm.

Canh tác cây sầu riêng: trước – trong – sau hạn mặn

Thông tin với bà con nông dân về một số kỹ thuật canh tác trên cây sầu riêng, TS. Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam cho biết: “Một số kỹ thuật bà con cần quan tâm hiện nay là tỉa cành tạo tán; giải pháp chuẩn bị trước, trong và sau hạn mặn; nhận biết một số sâu bệnh hại và cách quản lý dịch hại”.

Đối với kỹ thuật tỉa cành tạo tán, trên cây sầu riêng Ri6 5 năm tuổi đường kính 7m, bà con cắt ngọn, khống chế ở độ cao 4,5 m. Sau khi cắt ngọn tiến hành tỉa cành vô hiệu như: cành cấp 1 có đường kính nhỏ hơn 4cm, cành bị che khuất, cành tăm, tỉa  cành mọc đứng, cành sâu bệnh.

ĐBSCL thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên bà con cần chuẩn bị thật tốt cho vườn sầu riêng của mình vượt qua mùa hạn - mặn.

Trước hạn mặn, cần thu hoạch dứt điểm 10-11 dương lịch. Hoàn thiện 1 cơi đọt vào 12 dương lịch. Kế đến, bà con cải tạo đất bằng cách bón hữu cơ, axit mùn và phục hồi bộ rễ. Quá trình chăm sóc cây, bà con lưu ý cắt tỉa bớt cành lá (nhằm hạn chế thoát hơi nước), không tạo đọt non, không xử lý ra hoa và tỉa bỏ hoa trái (nếu có). Để giảm bốc hơi nước, bà con cần che phủ đất, giữ cỏ vườn. Bên cạnh đó, bà con cần nạo vét mương vườn để trữ nước ngọt tưới cây.

Sầu riêng bên phải được tạo tán và bên trái chưa được tạo tán. Ảnh: TL.

Sầu riêng bên phải được tạo tán và bên trái chưa được tạo tán. Ảnh: TL.

Trong hạn mặn, khi cung cấp phân bón cho cây, bà con nên tưới phân dễ tan như đạm, lân kali và lân (qua hệ thống tưới nhỏ giọt, phun qua lá). Cùng với đó, phun hỗ trợ phân bón lá có các hợp chất chứa Cobalt, Mo, Bo, Zn, Silic. Khi cung cấp nước cho cây, bà con cần áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt, tưới rãnh, giúp tăng hiệu quả sử dụng nước. Đồng thời, có thể áp dụng biện pháp tưới ẩm từng phần, cố định hay xen kẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng nước cho cây trong điều kiện khô hạn. Song song đó, làm giảm bốc hơi nước bằng biện pháp che phủ đất.

Sau hạn mặn, bà con thực hiện 5 bước phục hồi cho cây sầu riêng. Bước 1, vệ sinh đồng ruộng và rửa mặn cho đất. Bước 2, Phục hồi bộ rễ và bộ lá. Bước 3, hỗ trợ bộ lá phát triển. Bước 4, hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá. Bước 5, tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp. Để hiểu rõ hơn kỹ thuật phục hồi cây sầu riêng sau khi bị ảnh hưởng của hạn mặn, bà con tìm đọc bài viết: Giải pháp phục hồi vườn sầu riêng bị ảnh hưởng của hạn mặn mùa khô 2019 -2020 của TS. Võ Hữu Thoại trên website của Viện cây ăn quả Miền Nam.

Người dân chở nước ngọt tưới cây sầu riêng vào mùa khô 2019-2020. Ảnh: TL.

Người dân chở nước ngọt tưới cây sầu riêng vào mùa khô 2019-2020. Ảnh: TL.

Nhận biết và quản lý dịch hại

Đối với vấn đề nhận biết và quản lý dịch hại, TS. Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết một số đối tượng gây hại chính trên cây sầu riêng như: Rầy nhảy, rầy xanh, sâu đục trái, bọ trĩ, nhện đỏ, xén tóc, mọt. Đối với vấn đề bệnh hại trên cây sầu riêng thường xuất hiện bệnh thán thư, xì mủ thân, nấm hồng, thối rễ, cháy lá chết ngọn, thối hoa, thối quả, đốm rong.

Để xử lý có thể dùng các biện pháp cơ học, sinh học, dịch trích thảo mộc. Đồng thời, chọn lọc một số giống sầu riêng chống chịu tốt với bệnh xì mủ thân và thối rễ như Chanee và Lá quéo làm gốc ghép.

 Biện pháp cơ học, bà con có thể dùng bẫy đèn để xua đuổi và thu hút thành trùng của các đối tượng dịch hại như: sâu đục trái và xén tóc. Biện pháp sinh học, có thể dùng các loại thiên địch bắt mồi như: bọ rùa, bọ cánh lưới, bọ đuôi kìm, nhện ăn mồi để tiêu diệt các ấu trùng của đối tượng gây hại là: rệp sáp, nhện, trứng và ấu trùng sâu đục thân. Bà con nên phun một ít nước đường (giúp loài ăn mồi phát triển tốt).

Bên cạnh đó, dùng các loại nấm ký sinh như: nấm tím (Paecilomyces) và nấm xanh (Metarhizium) để ký sinh tiêu diệt các loài gây hại như: rệp sáp, bọ trĩ, nhện. Bà con tưới nấm ký sinh xung quanh gốc để diệt nhộng bọ trĩ, sâu đục thân trong đất (50 gr/10 lít nước).

Cùng với đó, bà con còn có thể sử dụng nấm đối kháng (Trichoderma) để trị các bệnh do nấm gây ra. Đồng thời, kết hợp với phân hữu cơ hoai mục (2-4 kg/tấn phân chuồng). Khi sử dụng, tưới chế phẩm xung quanh gốc (50g/10 lít nước/cây).

Bà con cũng có thể phun dung dịch ngâm tỏi+củ hành kết hợp với rượu nồng độ 5%  hoặc dịch trích neem nồng độ 5% để trị bọ trĩ, rầy, nhện.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.