Sáng 28 tháng Chạp, phóng viên vô tình gặp ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh tại cổng trụ sở đơn vị trên đường Trần Phú. Khuôn mặt ông bơ phờ sau hơn một tuần tham gia cùng đoàn công tác liên ngành thực hiện kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc tại các lò mổ xuyên ngày, xuyên đêm.
Ông cho biết, cận Tết lượng gia súc vào các lò giết mổ tăng gấp đôi, gấp ba lần ngày thường. Vì thế, công tác kiểm tra, kiểm soát luôn được đặt lên hàng đầu. Mục tiêu vừa cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng, vừa ngăn chặn các loại dịch bệnh phát sinh, lây lan.
Tại TP Hà Tĩnh, 4 ngày trở lại đây, lượng gia súc vào các lò giết mổ tập trung tăng 40-45% so với ngày thường, đạt từ 50 - 60 con/lò/ngày.
Anh Nguyễn Trí Giang, cán bộ kiểm dịch tại lò giết mổ gia súc phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) cho hay, do lượng gia súc vào lò mổ tăng đột biến nên công tác trực chuyên môn của anh rất áp lực và gần như kéo dài cả ngày lẫn đêm.
“Hàng ngày, tôi có nhiệm vụ kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ đối với trâu, bò nhập từ ngoại tỉnh về. Đồng thời, liên tục quan sát, theo dõi tình hình sức khỏe của con vật trước khi đem đi giết mổ”, anh Giang nói.
Chung thực trạng, 5 lò giết mổ tại huyện Cẩm Xuyên những ngày này phải vận hành hết công suất để phục vụ nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng dịp Tết. Các chủ lò mổ cho biết, lượng gia súc vào lò tăng liên tục theo từng ngày và đạt mức 50 - 70 con/lò/ngày. Hàng ngày, cán bộ kiểm dịch của huyện tiến hành kiểm tra từ khâu nhập gia súc vào chuồng đến xuất thịt thành phẩm ra thị trường.
Anh Hoàng Cu, chủ cơ sở giết mổ Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên) cho hay, cơ sở đã thực hiện quy trình giết mổ treo một thời gian. Hình thức giết mổ này năng suất và hiệu quả cao hơn hình thức giết mổ truyền thống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại, lượng gia súc vào lò giết mổ đã đạt 35 - 40 con/đêm. Gia súc nhập về được lưu lại, kiểm tra sức khỏe, giết mổ theo đúng quy trình.
Ở địa phương đang tồn tại dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò là huyện Lộc Hà, công tác kiểm soát dịch bệnh tại lò mổ càng được ngành chức năng và các chủ cơ sở quan tâm đặc biệt.
Chủ cơ sở giết mổ xã Bình An (huyện Lộc Hà) thông tin, hiện lượng gia súc vào lò giết mổ đã tăng lên từ 40 - 60 con/ngày. Gia súc nhập về được lưu lại, kiểm tra sức khỏe theo đúng quy trình; khi tiến hành giết mổ có sự kiểm soát của cán bộ chuyên ngành.
Theo ông Phan Văn Thanh, Phó Trưởng phòng nông nghiệp huyện, Lộc Hà là nơi có lượng trâu, bò ra vào khá lớn, lại đang tồn tại ổ dịch viêm da nổi cục nên từ cuối tháng 12/2022 huyện chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh và sản xuất, kinh doanh giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn trước, trong và sau tết.
Cùng với đó, chỉ đạo ban quản lý các chợ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y kiểm tra các sản phẩm thịt gia súc trước khi đưa vào chợ, kiên quyết không cho các sản phẩm không có dấu kiểm soát giết mổ vào chợ kinh doanh.
Huyện Lộc Hà cũng tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ tự phát tại nhà để tạo tính răn đe, đảm bảo quy định về thú y và vấn đề VSATTP.
Chỉ tính riêng trong tháng 12/2022, địa phương đã ra quyết định xử phạt 14 triệu đồng đối với 2 trường hợp về hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Thời gian tới, đoàn liên ngành cấp huyện, chính quyền cấp xã tiếp tục thực hiện kiểm tra đột xuất để đảm bảo hoạt động giết mổ an toàn.
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh nhấn mạnh: Dịp tết, lượng gia súc được vận chuyển, buôn bán, giết mổ, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tăng rất cao. Do vậy, ngành chuyên môn đề nghị các đoàn liên ngành cấp tỉnh, huyện, chính quyền địa phương tiếp tục kiểm soát chặt hoạt động giết mổ tại lò và kinh doanh tại các chợ dân sinh; nghiêm cấm hành vi giết mổ nhỏ, lẻ tại gia đình và các cơ sở để phục vụ kinh doanh khi chưa được cấp phép.
Các chủ cơ sở giết mổ có trách nhiệm phải tuân thủ các quy định về công tác kiểm dịch thú y, quy trình giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để cung ứng sản phẩm thịt có chất lượng, an toàn ra thị trường. Dịp tết, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt tăng lên, người dân cũng nên có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, cẩn trọng trong mua bán, chỉ nên lựa chọn, sử dụng thịt gia súc có nguồn gốc tại chợ dân sinh, siêu thị, có dấu kiểm dịch, phiếu kiểm dịch,…