| Hotline: 0983.970.780

Quản lý hiệu quả giết mổ nhỏ lẻ, ngăn chặn dịch bệnh động vật

Thứ Hai 21/11/2022 , 12:05 (GMT+7)

Việc kiểm soát tốt việc giết mổ động vật, nhất là tại các cơ sở nhỏ lẻ, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y sẽ giúp ngăn chặn các dịch bệnh từ gốc.

Empty

Toàn TP. Hải Phòng mới 6 cơ sở giết mổ tập trung được kiểm soát chặt chẽ vệ sinh thú y. Ảnh: Đinh Mười.

Chưa đồng bộ

Hiện trên địa bàn TP. Hải Phòng đang có hơn 900 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó chỉ có 6 cơ sở giết mổ tập trung hoạt động, còn lại là các điểm giết mổ nhỏ lẻ đang hoạt động nên việc kiếm soát giết mổ giữa cơ quan thú y và chính quyền địa phương chưa đồng bộ.

Về cơ bản, các điểm giết mổ nhỏ lẻ, trái phép không có sự kiểm soát giết mổ của cơ quan chức năng theo quy định. Tại hầu hết các chợ, việc quản lý, kiểm soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ còn nhiều bất cập, việc giết mổ diễn ra tràn lan, không đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩmvà nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Kính, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện An Dương cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 80 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và 1 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung. Việc kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh thú y ở cơ sở giết mổ tập trung luôn có 2 cán bộ thú y túc trực nên cơ bản được đảm bảo từ đầu vào cho đến đầu ra, còn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, gần như không có sự kiểm soát về dịch bệnh.

“Mỗi ngày cơ sở nhỏ lẻ giết mổ vài con, việc kiểm soát do địa phương, chúng tôi gần như không kiểm soát được, các địa phương chỉ dừng lại ở ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với các cơ sở giết mổ nên việc phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh thú y gần như không có”, ông Kính chia sẻ.

Empty

Việc giết mổ gia cầm tại các chợ dân sinh tràn lan, gần như không có sự kiểm soát. Ảnh: Võ Việt.

Theo tìm hiểu, các cơ sở nhỏ lẻ mình không quản lý, giám sát được hàng ngày. Hàng tháng đi lấy mẫu ở các chợ, thi thoảng vẫn có mẫu phát hiện vi rút dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi. Tại hầu hết các điểm giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát vệ sinh thú y, không có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định.

Qua ghi nhận thực tế, điều đáng ngại là tại việc kiểm soát vệ sinh thú y và dịch bệnh tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hiện tại được giao cho chính quyền cơ sở hẳn hoi nhưng thực tế hiệu quả việc này rất thấp do không có lực lượng cũng như chuyên môn để đảm trách.

Ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch UBND thị trấn An Dương cho biết, người dân thu mua về tự giết và tự bán, chính quyền chỉ kiểm soát về mặt quản lý nhà nước, chứ cán bộ địa phương không có chuyên môn về thú y.

“Cán bộ thú y thị trấn quản lý về chăn nuôi và dịch bệnh, còn quản lý về các cơ sở giết mổ theo quy định lại giao cho cán bộ văn hóa. Đầu vào gần như không có ai kiểm soát, một ngày các cơ sở giết mổ bao nhiêu địa phương rất khó để nắm bắt nên nguy cơ dịch bệnh từ các cơ sở giết mổ rất cao”, ông Thùy cho hay.

Empty

Việc kiếm soát dịch bệnh động vật mới được thực hiện chặt chẽ tại các cơ sở giết mổ tập trung. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Bùi Văn Luyện, Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho biết, lực lượng thú y có vai trò quan trọng trong kiểm soát đầu vào đầu ra của các cơ sở giết mổ, với gia cầm, gia súc có vấn đề không thể đưa vào được. Khâu kiểm soát giết mổ chính là kiểm soát thực phẩm lưu thông ra thị trường, hạn chế được lây lan dịch bệnh, góp phần ngăn chặn được dịch bệnh ngay từ gốc.

Hiện nay, tại 1 số trang trại có tình trạng dấu dịch, nghĩa là khi dịch bệnh xảy ra vì xót của chủ trang trại không báo cáo với chính quyền mà âm thầm bán ra thị trường với giá rẻ để vớt vát chút vốn. Việc này vô hình chung đã đưa dịch bệnh ra ngoài, do đó nếu khâu kiểm soát giết mổ thực hiện không đảm bảo thì nguy cơ dịch bệnh bùng phát từ các lò mổ rất cao.

Gỡ rối

Trên thực tế, các ổ dịch động vật trên địa bànHải Phòng trong thời gian qua xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, mua con giống không rõ nguồn gốc, mang mầm bệnh do thương lái vận chuyển từ các địa phương có dịch về nuôi làm dịch phát sinh và lây lan.

Mặt khác, kết quả giám sát mới nhất tại một số chợ buôn bán thực phẩm, gia cầm sống trên địa bàn thành phố Hải Phòng vẫn còn phát hiện sự lưu hành vi rút dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm trên các mẫu thịt lợn, giò, chả,…

Do đó, nguồn cung cấp thực phẩm cho thành phố, cho các cụm công nghiệp, khu công nghiệp khó có những sản phẩm tốt nhất, an toàn và đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh.

Empty

Tại các chợ dân sinh vẫn phát hiện sự lưu hành vi rút dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, việc kiểm soát giết mổ thời gian qua trên địa bàn TP. Hải Phòng đã được các lực lượng chức năng thực hiện tích cực góp phần quan trọng trong phòng chống dịch bệnh động vật. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn 1 số vấn đề khách quan ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch nói chung, cần sớm được tháo gỡ.

Đơn cử như việc quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và quy hoạch Vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn Hải Phòng đến năm 2020 đã hết hiệu lực thi hành, tuy nhiên thực hiện luật Quy hoạch năm 2018 không cho phép các địa phương triển khai xây dựng các quy hoạch chuyên ngành.

Do đó, phải tiến hành tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh, thành theo danh mục do Chính phủ quy định, trong đó không có quy định quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung và vùng chăn nuôi tập trung, gây khó khăn cho các địa phương trong triển khai thực hiện quản lý chăn nuôi và giết mổ tập trung.

Bên cạnh đó, theo quy định chức danh kiểm dịch viên thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch và kiểm soát giết mổ động vật phải là công chức, tuy nhiên hiện nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y được giao 5 biên chế công chức làm nhiệm vụ kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, không thể triển khai hoàn thành nhiệm vụ thực hiện >10.000 bộ hồ sơ kiểm dịch/năm và kiểm soát giết mổ tại 6 cơ sở giết mổ tập trung nằm rải rác trên địa bàn các huyện, quận và cả huyện đảo Cát Hải.

Ông Bùi Văn Luyện, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng khẳng định, thời gian qua đơn vị đã thực hiện ủy quyền cho viên chức các trạm chăn nuôi và thú y huyện, quận làm nhiệm vụ kiểm dịch, kiểm soát giết mổ trên địa bàn quản lý.

Mặt khác, đã tham mưu Sở NN-PTNT phối hợp cùng các ngành, các địa phương thực hiện tích hợp các quy hoạch chuyên ngành, trong đó có quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung vào quy hoạch chung của thành phố.

Bố trí quỹ đất triển khai thực hiện, khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch, từng bước xóa bỏ các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, phân tán không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Đồng thời phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố, Ban chỉ đạo các huyện, quận kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý các trường hợp giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, vi phạm theo quy định.

Hải Phòng cần kiểm soát giết môt tốt hơn để hạn chết dịch bệnh cho đàn gia cầm, gia súc. Ảnh:Võ Việt.

Hải Phòng cần kiểm soát giết môt tốt hơn để hạn chết dịch bệnh cho đàn gia cầm, gia súc. Ảnh: Võ Việt.

Để bảo vệ sức khỏe người dân, môi trường và phòng chống dịch bệnh, ngoài việc kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền chủ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh thịt cần nâng cao trách nhiệm cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

Với người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm gia súc, gia cầm sau khi giết mổ có lăn dấu kiểm soát giết mổ “K.S.G.M” trên thân thịt, có tem kiểm tra vệ sinh thú y trên sản phẩm pha lóc bao gói.

“Nếu muốn tăng sản lượng sản phẩm giết mổ gia súc, gia cầm có kiểm soát cần khuyến khích phát triển thêm các cơ sở giết mổ tập trung để kiểm soát điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, từng bước xóa bỏ và chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn thành phố và góp phần chung tay bảo vệ môi trường”, ông Luyện khẳng định.

Đặc biệt, theo ông Luyện, khoản 3, Điều 76, Luật Thú y năm 2015 quy định rất rõ: “UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý hoạt động cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ”. Vì vậy, ngành thú y rất cần sự vào cuộc quyết liệt của UBND cấp xã và thực hiện tốt công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn TP. Hải Phòng, góp phần chấm dứt tình trạng ô nhiễm, không đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ hiện nay.

Theo số liệu báo cáo mới nhất, toàn TP. Hải Phòng hiện có 936 trang trại chăn nuôi, 773 trang trại gia cầm (202 trang trại quy mô vừa; 571 trang trại quy mô nhỏ), chiếm 51,82% tổng đàn lợn và 51,14% tổng đàn gia cầm, có 40.366 chăn nuôi quy mô nông hộ, trong đó 11.460 chăn nuôi lợn quy mô nông hộ.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.