| Hotline: 0983.970.780

Cẩn thận với cơm thừa canh cặn

Chủ Nhật 14/04/2019 , 09:39 (GMT+7)

Kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam cho thấy nhiều ca lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi từ đường sử dụng cơm thừa, canh cặn mà không qua nấu kỹ hay không tiệt trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển và cho ăn, uống.

Chăn nuôi giữa thời dịch tả lợn Châu Phi

Hà Nội là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn đứng tốp đầu cả nước; trong đó đàn lợn có gần 2 triệu con. Trên địa bàn thành phố có 283 công ty, xí nghiệp, HTX, trung tâm, doanh nghiệp (như Cty CP, Dabaco, Việt Hưng, JaFa, HTX Chăn nuôi huyện Đan Phượng, HTX Hòa Mỹ, Cty Giống gia súc Hà Nội...) với tổng đàn lợn chiếm khoảng 22% tổng đàn lợn toàn thành phố. Chăn nuôi của thành phố đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi.

07-32-55_1
Nuôi lợn kiểu tận dụng cơm thừa canh cặn

Thành phố cũng có 988 cơ sở, điểm giết mổ (trong đó 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở bán công nghiệp), hàng ngày kiểm soát 200 con trâu, bò; trên 4.000 con lợn, gia cầm 28 ngàn con (trong đó cơ sở Vạn Phúc hàng ngày giết mổ từ 1.700 - 2.000 con lợn).

Số lượng đầu lợn lớn như thế lại đặt trong hoàn cảnh có nhiều bất lợi như: Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, mật độ nuôi cao, nuôi đan xen trong khu dân cư, không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Một số bộ phận người chăn nuôi lợn vì lợi ích kinh tế trước mắt và vì giá lợn hơi các tháng cuối năm 2018 cao nên đã không khai báo khi có dịch bệnh, bán chạy, giết mổ... làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát. Có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm nối với quốc tế và các tỉnh nên việc kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua thành phố rất nhiều.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tính đến cuối tháng 3, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 12 quận, huyện trên địa bàn, phải tiêu hủy 2.218 con. Hiện chưa có vacxin và thuốc điều trị được dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy đối với người chăn nuôi thì giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện các biện phòng bệnh tổng hợp, đồng bộ, là giải pháp hữu hiệu duy nhất hiện nay đối với phòng, chống bệnh.

Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn và khẩu phần ăn của các loại lợn. Không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn lợn đã bị dịch cho đàn lợn mới. Bao bì, dụng cụ đựng thức ăn của đàn lợn bị dịch bệnh phải được tiêu độc, khử trùng. Nước dùng cho lợn uống phải an toàn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
 

Vệ sinh thú y

Vệ sinh thú y được coi như lớp áo giáp bảo vệ đàn lợn với dịch bệnh. Lời khuyên của các chuyên gia: Chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào cơ sở chăn nuôi, khu chăn nuôi và chuồng nuôi phải bổ sung hoặc thay hàng ngày. Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào cơ sở chăn nuôi, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải thay quần áo, giầy dép và mặc quần áo bảo hộ của cơ sở; trước khi vào các chuồng nuôi phải nhúng ủng hoặc giầy dép vào hố khử trùng.

Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 1 lần/2 tuần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên lợn 1 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi ít nhất 1 lần/tháng. Không vận chuyển lợn, thức ăn, chất thải hay vật dụng khác chung một phương tiện; phải thực hiện sát trùng phương tiện vận chuyển trước và sau khi vận chuyển.

Áp dụng phương thức chăn nuôi “cùng vào cùng ra” theo thứ tự ưu tiên cả khu, từng dãy, từng chuồng, từng ô. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn mới đến.
Trong trường hợp cơ sở chăn nuôi bị dịch, phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày (đối với cơ sở chăn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi phải để trống chuồng ít nhất 30 ngày.

Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Có biện pháp để kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác (nếu có) trong khu chăn nuôi. Khi sử dụng bẫy, bả phải có biển thông báo và ghi sơ đồ chi tiết vị trí đặt bẫy, bả và thường xuyên kiểm tra thu gom để xử lý.
 

Không tổ chức đi thăm hỏi khi dịch bệnh xảy ra

Nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được cấp “Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật” đối với các bệnh khác, có thể được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của địa phương sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Căn cứ tình hình thực tế, cơ quan chuyên môn thú y cấp tỉnh điều chỉnh, xác định vùng bị dịch uy hiếp phù hợp để áp dụng giải pháp dừng vận chuyển. Không vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y.

Đối với lợn trưởng thành hoặc trong trường hợp chủ cơ sở nuôi lợn có nhu cầu giết mổ lợn thì được phép giết mổ lợn dưới sự giám sát của cán bộ thú y với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Thịt lợn và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm. Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh.

Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch. Tiêu diệt ve, ruồi, muỗi và các côn trùng khác.

Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

Không tổ chức hoặc hạn chế tối đa việc tổ chức cho khách tham quan trang trại nhất là những cơ sở nghi bệnh hay đã xác định bị bệnh để đề phòng về lại lây ra đàn lợn của nhà. Tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn. Nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân tổ chức lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm bệnh.

Xem thêm
Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vô cùng phức tạp, Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm

Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn buôn lậu lợn và sản phẩm động vật trái phép, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Cảnh báo kỳ mặn cao điểm từ ngày 28/1 đến 3/2, trùng dịp Tết Nguyên đán

ĐBSCL Cục Thủy lợi cảnh báo hạn mặn năm nay đến sớm, tuy mức độ không quá gay gắt nhưng người dân cần chủ động tích trữ nước để đảm bảo sản xuất dịp Tết.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.