Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam V. M. T., sinh năm 2005, ở tỉnh Vĩnh Long, trong tình trạng lơ mơ, huyết áp thấp (50/20mmHg), mạch nhanh, nhiều vết thương vùng hàm mặt, ngực, chi dưới.
Theo người nhà bệnh nhân, trước đó T. đang đi xe máy thì bị tai nạn giao thông.
Bệnh nhân được xử trí cấp cứu, hồi sức chống sốc, truyền dịch, truyền máu, giảm đau… Kết quả chụp cắt lớp vi tính ghi nhận T. bị dập phổi, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch, tràn khí màng phổi hai bên, chấn thương gan độ IV, chấn thương lách độ IV có ổ thoát mạch.
Hội chẩn cấp bệnh viện với nhiều chuyên khoa thống nhất chẩn đoán: Đa thương, chấn thương gan độ IV, chấn thương lách độ IV, dập phổi hai bên, tràn dịch màng tim, rối loạn đông máu nặng, tiên lượng bệnh nhân rất nguy kịch. Phương pháp điều trị tối ưu đối với bệnh nhân này là thực hiện Chụp số hóa xóa nền và nút động mạch cầm máu các tạng (DSA).
Kết quả ghi nhận chấn thương gan, lách, có ổ thoát mạch xuất phát từ nhánh động mạch gan phải và nhánh động mạch lách, chọn lọc vào từng phân nhánh có tổn thương. Phẫu thuật thành công sau 25 phút.
Hiện tại, bệnh nhân tiếp xúc được, dấu hiệu sinh tồn ổn định, phổi thông khí rõ hai bên, bụng mềm, da niêm hồng đang được theo dõi và điều trị.
Theo BS.CK2 Nguyễn Khắc Nam, Phó khoa ngoại Tổng hợp bệnh viện, vỡ gan, vỡ lách trong chấn thương bụng kín rất phức tạp, đòi hỏi phải chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời, đặc biệt là trong bệnh cảnh đa chấn thương. Việc cầm máu được xem là tối ưu vì nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở bệnh nhân chấn thương gan, lách nặng là không kiểm soát được chảy máu.
Tuy nhiên, ở những trường hợp vỡ gan độ IV, vỡ lách độ IV, đường vỡ phức tạp, phần tạng bị tổn thương lớn thì rất khó khăn cho việc phẫu thuật, đi kèm theo là tình trạng chảy máu ồ ạt, sốc nặng, đa chấn thương, rối loạn đông máu... Chính vì vậy, việc lựa chọn cho phương pháp can thiệp nội mạch có thể áp dụng riêng rẽ hoặc phối hợp phẫu thuật nhằm đem lại hiệu quả tối ưu trong điều trị.